Chiến lược phục hồi của doanh nghiệp chế biến gỗ

Quỳnh Chi - 10:17, 29/09/2021

TheLEADERViệc chuẩn bị về mặt nguyên liệu được các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ xác định là bước đi đầu tiên và cần thiết hơn cả trong chiến lược phục hồi, đặc biệt là khi giá gỗ nguyên liệu đang trên đà tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Chiến lược phục hồi của doanh nghiệp chế biến gỗ
Tám tháng đầu năm 2021, xuất siêu gỗ và lâm sản Việt Nam ước đạt hơn 9,1 tỷ USD.

“Nóng” giá gỗ nguyên liệu

Dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh giãn cách xã hội trên diện rộng kéo dài ở nhiều địa phương trong thời gian qua đã khiến chuỗi cung ứng của công nghiệp nội thất đối mặt với sự gián đoạn và nhiều bất cập, ngành gỗ Việt Nam vẫn đạt được những con số đáng ghi nhận.

Thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho thấy, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2021 ước đạt 949 triệu USD. Lũy kế tám tháng ước đạt 11,217 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ.

Trong đó, giá trị gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,426 tỷ USD, tăng 42%; lâm sản ngoài gỗ đạt 791 triệu USD, tăng 54% so cùng kỳ. Như vậy, tám tháng đầu năm 2021, xuất siêu gỗ và lâm sản ước đạt hơn 9,1 tỷ USD.

Trong bối cảnh cả nước đang dần khôi phục lại các hoạt động, để có thể chinh phục mục tiêu 14,5 tỷ USD, giữ vững ngôi vị thứ hai trên thế giới, cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ cần có một chiến lược phục hồi hiệu quả trong ba tháng cuối năm.

Trong đó, chuẩn bị về mặt nguyên liệu là bước đi đầu tiên và cần thiết hơn cả, đặc biệt là khi giá gỗ nguyên liệu đang trên đà tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Thống kê từ Forest Trend cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5 - 6 triệu m3 quy tròn gỗ nguyên liệu là gỗ tròn và gỗ xẻ. Khoảng trên 40 - 45% lượng nhập khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là gỗ tự nhiên; 55 - 60% còn lại là gỗ ôn đới. Lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong tám tháng đầu 2021đạt khoảng 4 triệu m3 quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, giá gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ các thị trường Mỹ, EU, ZL, Úc, Canada… đều tăng so với 2020. Tuy tỉ lệ tăng ở từng loại gỗ có khác nhau nhưng nhìn chung, mức tăng ghi nhận trung bình 20%.

Chiến lược phục hồi của doanh nghiệp chế biến gỗ
Giá gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam

Ghi nhận thực tế giá bán gỗ nguyên liệu tại thị trường Việt Nam hiện đang rất “nóng”. Bà Lê Thị Bích Cảnh, Giám đốc Công ty gỗ Mỹ Đức cho biết, giá gỗ xẻ nhập từ châu Âu cũng tăng nhưng thị trường Mỹ là tăng nhiều nhất. Nếu như trước tháng 6/2021, giá gỗ óc chó chỉ 600 – 700 USD/m3 thì nay đã lên 1.200 - 1.300 USD/m3 – mức tăng 100%.

“Mặc dù giá gỗ cao nhưng nhu cầu nguyên liệu rất lớn nên lượng nhập khẩu vẫn tăng”, bà Cảnh chia sẻ trong hội thảo Chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu cho chiến lược phục hồi ngành công nghiệp gỗ hậu Covid-19 do Forest Trends cùng các Hiệp hội chế biến gỗ trên cả nước tổ chức tối 24/9.

Chủ động về mặt nguyên liệu để phát triển bền vững

Ông John Chan, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) cho biết, nhu cầu nội địa ở Mỹ và châu Âu tăng cao cộng với gián đoạn kho vận cùng các phụ phí phát sinh vì Covid-19 chính là nguyên nhân khiến giá gỗ leo thang. Chưa kể, giá nhân công và những khó khăn do covid-19 cũng cản trở chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Theo lãnh đạo AHEC, thời điểm hiện tại, việc thiếu nguyên liệu là có nhưng chỉ là tình hình tạm thời. Nguồn cung sẽ được cải thiện khi đại dịch được kiểm soát.

Tuy nhiên, xét về giá thì đây vẫn sẽ là thử thách. Ông Oliver Richard, Giám đốc công ty ANVS, đơn vị chuyên xuất khẩu gỗ từ Châu Âu, đặc biệt là Pháp sang Việt Nam và Đông Nam Á cho biết, nhu cầu về gỗ sẽ ngày càng tăng nên câu chuyện về giá nguồn nguyên liệu sẽ là thách thức trong thời gian tới.

Do vậy, doanh nghiệp trong ngành cần tính toán gia tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu gỗ để có thể tiết kiệm nguyên liệu. Đồng thời, nắm bắt các xu hướng kết hợp các nguyên liệu khác để đảm bảo giá thành tốt nhất.

Đồng quan điểm, ông John Chan cũng cho rằng, thách thức về mặt giá nguyên liệu hiện nay chính là cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu và thử nghiệm các nguyên liệu khác. Doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam chỉ đang tập trung sử dụng Dương Vàng, Sồi Trắng và Óc Chó... trong khi thị trường còn khá nhiều chủng loại gỗ thích hợp sản xuất nội thất khác.

Đây cũng là giải pháp mà ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp tư vấn cho doanh nghiệp. Ông Nghĩa lý giải, nguồn cung gỗ hợp pháp trong nước như cao su, tràm, keo… không nhỏ, đáp ứng được trên 75% nhu cầu sản xuất của ngành. Đáng tiếc nguồn nguyên liệu này chỉ mới tập trung phục vụ các khâu thô như sản xuất viên nén, dăm gỗ mà chưa được dùng nhiều vào việc sản xuất nội thất, có giá trị cao hơn.

“Doanh nghiệp chế biến gỗ cần quan tâm hơn đến nguồn nguyên liệu bản địa này. Chủ động về mặt nguyên liệu là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững”, ông Nghĩa nói.

Chiến lược phục hồi của doanh nghiệp chế biến gỗ 1
Thách thức về mặt giá nguyên liệu là cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu và thử nghiệm các nguyên liệu khác.

Giải pháp tối ưu hoá chi phí

Song song với việc tính lại bài toán sản xuất để tối ưu hoá nguyên liệu, ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc công ty Tavico cho biết, nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng nhanh thời gian tới có thể tiếp tục đẩy giá hơn nữa. Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần có sự hợp tác mua chung để có được những đơn hàng lớn, ổn định về giá.

“Các đơn hàng mua chung nguyên liệu cũng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí vận chuyển – một câu chuyện đau đầu khác của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hà nói.

Thống kê từ hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA) cho thấy, giá cước vận chuyển toàn cầu đang tăng theo chiều thẳng đứng.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư kí VLA cho biết, nếu năm 2020, đứt gãy chuỗi logistic diễn ra ở châu Âu thì năm 2021, đứt gãy xảy ra ở Châu Á. Dòng chảy hàng hoá toàn cầu tắc nghẽn khiến thời gian vận tải lâu, lại thiếu tàu quay đầu nên container rỗng thiếu trầm trọng. Tình trạng này đã kéo dài nên việc tăng giá không có dấu hiệu dừng lại.

Do vậy, doanh nghiệp trong các ngành sản xuất cần phải phải tính toán tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất. Trong đó, thay vì nhập gỗ xẻ trực tiếp như trước đây, ngành chế biến gỗ có thể chọn giải pháp nhập gỗ tròn bằng tàu rời thay vì container để có giá thành tốt hơn, ít biến động.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng gia công khâu xẻ sấy, cung cấp cho khối sản xuất nội thất. Theo ông Minh, việc tổ chức lại chuỗi cung ứng cũng sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng thích nghi tốt hơn với những thay đổi lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang diễn ra rất mạnh mẽ trong bối cảnh Covid-19.

Đồng quan điểm, ông Atiwet Hawaree, Phó chủ tịch Công ty Panelplus Thái Lan cũng cho rằng, không chỉ logistic, chuỗi cung ứng của ngành gỗ sẽ chịu nhiều thách thức trong thời gian tới bởi nhu cầu điện sinh học, giá dầu tăng, giá mủ cao su tăng cao… sẽ cạnh tranh trực tiếp đến khả năng cung ứng gỗ nguyên liệu cho ngành sản xuất gỗ.

“Doanh nghiệp trong ngành trước mắt đang cần một chiến lược nguyên liệu hiệu quả. Trong đó, bao gồm cả việc tính toán các giải pháp nguyên liệu thay thế, kết hợp nguyên liệu cũng như liên kết mua chung, tổ chức lại sản xuất”, ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HAWA nhận xét.

Theo ông Khanh, dịch bệnh vẫn đang chứng kiến sự hoành hành của biến thể nên những thách thức về logistic rất khó thể thay đổi trong thời gian tới. Trong khó khăn chung, doanh nghiệp cần liên kết lại để có thể tạo nên các giá trị mới.