Leader talk
3 lần khởi nghiệp của người tạo ra 'Uber nội thất' duy nhất ở Đông Nam Á
Sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại kể từ năm 2007, ông Bùi Sỹ Nguyên đã từng bước chiêu mộ được những tinh hoa ngành công nghệ Việt đang làm việc tại Nhật, Singapore và rồi sở hữu nền tảng thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/thực tế ảo (VR) đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á – dự án House3D.
Những ngày đầu năm mới 2019, các thành viên của House3D vẫn đang hồ hởi trong niềm hạnh phúc khi dự án khởi nghiệp đặc biệt này vừa chính thức đăng quang ở hạng mục Engineering Of The Year của Ashui Awards 2018 - hệ thống giải thưởng thường niên của ngành xây dựng, sau khi vượt qua các đối thủ ở cả phần bình chọn của cộng đồng và ý kiến của hội đồng chuyên môn.
House3D là nền tảng thiết kế trải nghiệm thương mại trên nền tảng 3D/VR đang trở thành xu hướng quan trọng trong thiết kế nội thất hiện đại. Đây là phương pháp thiết kế nội thất dựa trên trải nghiệm thực tế ngay khi thiết kế, dựa trên thành tựu của công nghệ 3D/VR.
Dự án này áp dụng triết lý của Cách mạng nền tảng (Platform Revolution) kết hợp thiết kế và mua sắm, đồng thời tạo ra một nền tảng kết nối cung - cầu trực tiếp cho việc sản xuất, thiết kế, thi công và mua sắm nội thất. Nói một cách đơn giản, nó giống như một nền tảng Uber duy nhất cho cả ngành thiết kế, sản xuất lẫn mua bán nội thất.
Thế nhưng, để có được ngày hôm nay, ít ai biết được ông Bùi Sỹ Nguyên đã trải qua một con đường đầy chông gai, sau những cú ngã mà chính ông cũng phải thừa nhận “tôi là một người khởi nghiệp nhiều lần”.
Ước mơ trở thành tiến sỹ toán học từ nhỏ đã thôi thúc chàng trai trẻ Bùi Sỹ Nguyên năm đó đăng ký vào khoa Toán-Cơ-Tin của trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Và rồi những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, ông quyết định chuyển hẳn sang ngành Công nghệ thông tin, sử dụng toán học để tìm hiểu, nghiên cứu các kiến thức chuyên ngành.
Tốt nghiệp loại xuất sắc, lập trình viên Bùi Sỹ Nguyên đầu quân cho các doanh nghiệp ở Nhật Bản, Singapore trước khi về làm cho bộ phận dự án của tập đoàn công nghệ FPT. Vì các dự án không thành công và không có chung quan điểm với đồng nghiệp nên ông sang Singapore và Nhật Bản để làm việc.
Là một người trẻ thích thử thách, năm 2007, ông quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng nhưng không may, dự án này thất bại khiến ông mất sạch hàng tỷ đồng, phải làm thuê, phải dành dụm tiền lương để trả nợ. Có lẽ, chính quãng thời gian u tối đó đã khiến ông trở nên mạnh mẽ hơn để chinh chiến bất chấp mọi khó khăn trong những “trận đánh” sau này.
Đến năm 2011, nhờ có kiến thức chuyên môn thuộc vào hàng chuyên gia giỏi, ông Nguyên chiêu mộ được những người tài trong lĩnh vực kỹ thuật và cùng họ thực hiện dự án game 3D. Tuy nhiên, dự án này đã không thành công vì đòi hỏi kịch bản tiếp cận thị trường chứ không đơn giản là vấn đề hay/dở; tương tự showbiz, các dự án game cần có đội ngũ đi kèm phía sau để đưa ra thị trường.
Sự thất bại này khiến ông Nguyên trăn trở: “Vì đội ngũ của mình rất tốt nên phải làm sao để thứ nhất là giữ vững đội ngũ; thứ hai, không để lãng phí công nghệ lõi. Là một CEO công nghệ, đồng thời là một người làm khoa học máy tính, tôi từng dành nhiều năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các phần mềm đồ họa 3D áp dụng cho lĩnh vực giải trí”.
Sau nhiều năm loay hoay với các sản phẩm game 3D, khi đang bế tắc về hướng đi cho một đội ngũ hàng chục lập trình viên của mình, cơ duyên đã giúp ông tìm ra được lời giải cho bài toán đang khiến ông đau đầu trong chuyến công tác sang Quảng Châu, Trung Quốc.
Chúng tôi đi bộ dọc những con đường san sát showroom và cửa hàng nội thất tại Phật Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) - kinh đô đồ nội thất của châu lục. Cả nhóm ghé vào một cửa hàng bán giường tủ và đồ dùng trẻ em.
“Anh mua giường tủ à, nhà anh có mấy bé?”. Hai bạn nhân viên bán hàng trẻ chạy lại hỏi. Tôi nói cần mua nội thất căn phòng cho hai bé, một trai một gái ở.
“Anh đã có ý tưởng thiết kế chưa? Mặt bằng rộng chừng nào? Cửa bố trí ra sao?”. Tôi lấy bút vạch vài đường phác thảo sơ đồ mặt bằng một cái phòng ngủ.
Nam nhân viên bật một chương trình trên máy tính trông thú vị như game 3D. Sau vài nét chuột, một ngôi nhà lập tức hiện lên. Vừa hỏi tôi thích đồ gì, chất liệu ra sao, giá thế nào, anh ta vừa “chơi game”. Chỉ 20 phút sau, một căn phòng trẻ con được thiết kế hoàn toàn giống ý tôi.
“Em là designer à?”
“Dạ không, em là nhân viên bán hàng mới vào công ty được 25 ngày”.
“Em học thiết kế nội thất ở đâu?”
“Em tự học online cách sử dụng phần mềm Cool Home này thôi anh. Giờ ở Trung Quốc bán nội thất đa số các cửa hàng đều xài cái này anh ạ. Thiết kế, chốt đơn hàng ngay tại chỗ rồi đặt bộ phận sản xuất và cung ứng của công ty. Nếu đồ có sẵn bọn em giao hàng trong ngày, nếu không thì sản xuất mới theo đúng yêu cầu thiết kế của anh rồi giao hàng tận nơi ạ”.
“Với thiết kế này thì tôi sẽ phải mua sắm và thi công hết bao nhiêu tiền?” - tôi hỏi cô nhân viên bán hàng.
“Khoảng mười hai vạn nhân dân tệ”, cô nhân viên trả lời tôi ngay lập tức, sau khi sử dụng phần mềm xuất ra một bảng báo giá trên một file Excel chi tiết đến từng món đồ nội thất, thậm chí đến từng tấm ván, từng cái tay nắm và phụ kiện tủ kệ.
“Riêng cái tủ kia anh có thể sử dụng các thông tin chi tiết này để đưa cho các xưởng đóng tủ quần áo bất kỳ, họ đều thi công được,” cô nhân viên nói thêm.
Chúng tôi ra khỏi cửa hàng, ngày hôm đó đi thêm vài chỗ nữa, gặp thêm mấy nhà cũng sử dụng Cool Home để bán hàng. Đó là một nền tảng thiết kế trải nghiệm trên 3D/VR cực kì lợi hại. Một bài viết trên baidu.com cho biết thương hiệu này có 10 triệu người dùng ở Trung Quốc, trong đó 2 triệu người làm stylist thiết kế nội thất (thật không tin nổi, hai triệu!) và còn lại là người dùng tự do. Cool Home là một công ty khởi nghiệp công nghệ trị giá gần 1 tỷ USD, dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.
Họ đã định ra một tiêu chuẩn mới của ngành thương mại đồ nội thất: nhân viên làm sales phải biết tư vấn thiết kế nội thất cho khách hàng ngay tại chỗ. Khách phải được trải nghiệm không gian tương lai của họ bằng hình ảnh VR trực quan ngay trước khi mua!
Chuyến đi này giúp ông Nguyên vỡ lẽ ra rằng ông hoàn toàn có thể khai thác công nghệ lõi của mình ở một lĩnh vực hoàn toàn khác, không phải là game. Câu chuyện này ám ảnh đến nỗi khi về Việt Nam, ông lập tức quyết định dành thêm vài tuần liền để đọc tất cả các thông tin thời sự về các công nghệ phần mềm tiên phong đang áp dụng cho ngành thiết kế và sản xuất nội thất.
Và sau đó, ông Nguyên quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu và phát triển dự án House3D - nền tảng thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/VR đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.
“Tôi tham vọng đưa tư duy gamification vào giải các bài toán thương mại. House3D là một hệ quả tất yếu của quá trình làm việc và tìm tòi suốt nhiều năm của tôi và nhóm anh em cộng sự. 3D/VR/AR là một thành tố không thể thiếu được trong thế giới game và như một hệ quả, nó được đưa vào làm công nghệ lõi cho House3D”, ông Nguyên chia sẻ.
Nhờ khả năng của mình, ông tập hợp được những người rất trẻ và giỏi trong ngành công nghệ thông tin, xứng tầm đẳng cấp thế giới. Họ là những người trẻ học và làm việc ở Nhật, Singapore.
Tất cả bọn họ có chung một hoài bão là muốn làm nên một sản phẩm thực sự ý nghĩa, thực sự bùng nổ và có thể đại diện cho Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Họ sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn một nửa so với hiện có vì đam mê và vì triển vọng thành công của dự án mà họ sắp thực hiện.
Trước khi chiêu mộ những nhân tài này, ông Nguyên cho biết, đã chuẩn bị rất kỹ càng về kế hoạch, sản phẩm demo và sẵn sàng dẫn họ sang nước ngoài tìm hiểu về các doanh nghiệp sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai.
House3D là một nền tảng nhiều bên có thể khai thác lợi ích. Kiến trúc sư và các nhà thiết kế nội thất có thể thiết kế một căn nhà với tốc độ nhanh hơn từ 10 - 50 lần so với các công cụ truyền thống. Các hãng sản xuất và phân phối nội thất có một kênh để bán hàng tốt hơn, một công cụ mạnh để hỗ trợ cho việc sản xuất tự động hoá, chốt sales nhanh.
Đặc biệt, người tiêu dùng cũng có thể hưởng lợi rất lớn. Theo thống kê chỉ có khoảng 1% dân cư thế giới được sống trong những căn nhà được thiết kế theo ý mình. Gần 99% còn lại sống trong những ngôi nhà xây bằng kinh nghiệm chứ không phải được thiết kế theo nhu cầu vì giá cả thiết kế quá đắt, nguồn cung thiết kế quá ít và thời gian thiết kế quá lâu.
Chính vì vậy, ông Nguyên cho biết, tham vọng của nền tảng House3D là thay đổi con số 1% này để ngày càng có nhiều người được sống trong không gian được thiết kế theo sở thích và nhu cầu của riêng mình.
Một câu chuyện “đau đầu” của ngành thiết kế nội thất bây lâu nay vẫn là niềm tin ít ỏi của khách hàng dành cho nhà thiết kế. Khi họ được trình những thiết kế vẽ đẹp long lanh nhưng sản phẩm lại khác xa một trời một vực khi nghiệm thu thi công. Một chiếc tủ bếp được diễn họa 3D đẹp mắt, nhưng đến khi thi công thì không có loại gỗ nào giống như thiết kế, giá cả bị đội lên do người tư vấn không nắm được thông tin thị trường, hoặc thời gian thi công dài ra do nguồn cung không sẵn có tại thị trường địa phương.
Do đó, ông Nguyên nhận định, một công cụ thiết kế kiêm một nền tảng thương mại cho phép chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và đồ đạc nội thất tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế. Công cụ này phải sử dụng công nghệ 3D/VR tiên tiến để hỗ trợ người dùng trải nghiệm sản phẩm tốt nhất, ngay từ khi các sản phẩm đó mới chỉ được thiết kế.
Khi đó người thiết kế có thể chọn lựa vật liệu sẵn có trên thị trường, báo giá được chính xác và tính được đúng ngày mình sẽ bàn giao sản phẩm. Công nghệ nền tảng này cũng phải cho phép dễ dàng kết nối các thiết kế với hệ thống sản xuất được tự động hóa ở mức độ cao.
“Chúng tôi muốn tạo một thị trường mới cho ngành thiết kế và thương mại điện tử đồ nội thất. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là một công nghệ do chính người Việt phát triển, có khả năng vươn ra thế giới”, ông Nguyên chia sẻ.
“Người thầy lớn nhất của tôi là sách vở”
Là kiến trúc sư trưởng của nhiều dự án phần mềm, ông Nguyên có những điểm tương đồng rất lớn trong tư duy và công nghệ như những người làm kiến trúc thông thường. Hơn nữa, với nhiều mối quan hệ bạn bè làm trong các doanh nghiệp kiến trúc, ông Nguyên nhận thấy thị trường kiến trúc, đặc biệt là nội thất đang có đà phát triển rất lớn.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA), năm 2018 ngành gỗ và lâm sản đã đạt doanh số xuất khẩu 9,5 tỷ USD; con số này có thể đạt 25 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó, ông Nguyên cho rằng Việt Nam cần xây dựng được thị trường thiết kế và thương hiệu quốc gia - quốc tế, chuyển từ việc gia công và bán nguyên liệu gỗ sang bán thiết kế và các sản phẩm có hàm lượng thiết kế cao do chính người Việt thực hiện. Một nền tảng thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/VR sẽ đóng góp vào lời giải cho bài toán lớn ấy.
Chính thức ký kết hợp đồng với các hãng cách đây chưa đầy nửa năm, chỉ trong một thời gian ngắn, nền tảng này hiện đã thu hút được sự tham gia của gần 5.000 nhà thiết kế và gần 100 công ty nội thất, hứa hẹn sẽ mang lại một thay đổi lớn trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và thương mại đồ nội thất Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyên cho biết, House3D là đơn vị đầu tiên có nền tảng này ở khu vực Đông Nam Á. Trong khu vực châu Á, công ty của ông chỉ có một vài đối thủ, chủ yếu là ở Trung Quốc. Còn trên thế giới, đối thủ của ông chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chính sách chung của House3D hiện nay là cố gắng khai thác tốt nhất các môi quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Kế hoạch ngắn hạn của ông và cộng sự là trong 2019 có thể phát hành sản phẩm của House3D ra thị trường hơn 650 triệu dân của Đông Nam Á bởi đây không phải là sản phẩm được thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Chia sẻ với TheLEADER, ông Nguyên cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vẫn đề cân đối nguồn lực bao gồm tài chính, con người và thời gian. Làm thế nào để đưa sản phẩm ra thị trường đúng kế hoạch mà không tốn quá nhiều nguồn lực, lại có thể kết nối khách hàng và mở rộng thị trường.
“Đây là một lĩnh vực mới và sản phẩm của House3D cũng là sản phẩm tiên phong. Việc vừa dò dẫm để phát triển thị trường lại vừa giữ vững được đội ngũ, cân đối nguồn lực là một bài toán rất khó”, CEO House3D chia sẻ.
Xuất thân là dân công nghệ thế nhưng gần như ông Nguyên không hề lúng túng trong bài toán quản trị doanh nghiệp. Cũng không quá bất ngờ bởi ông cho biết mặc dù thất bại nhiều lần nhưng “là một người khởi nghiệp nhiều lần”, ông đã tự rút ra cho mình được rất nhiều bài học.
Ông Nguyên chia sẻ: “Có thói quen đặc biệt là rất lười tham gia các khoá học, người thầy lớn nhất của tôi là sách vở, những kiến thức về tài chính, quản trị doanh nghiệp tôi có được là nhờ đọc sách báo và cập nhật qua các kênh tin tức”.
Dẫn dắt House3D, ông Nguyên vẫn luôn giữ vững triết lý của mình là biến công ty thành một tổ chức học tập, mọi người có nghĩa vụ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm sống cho nhau, từ những thành viên cốt cán nhất công ty. Môi trường làm việc CEO House3D cũng chính là lợi thế và ưu điểm khiến ông tự hào.
Cô gái 'thực tế ảo' Phạm Ngọc Mai Anh: Muốn là người dẫn đầu hơn là người đi đầu
Chủ tịch HAMEE: 'Nói doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ là không đúng'
Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP. HCM (HAMEE), không phải ngành phụ trợ của Việt Nam không đủ khả năng làm nhà cung cấp cho các tập đoàn FDI mà bởi rủi ro quá cao nên các doanh nghiệp Việt không làm.
Công nghệ sẽ kiến tạo cuộc chơi mới trên thị trường bất động sản
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các nhà phát triển bất động sản sẽ cần phải sáng tạo hơn trong việc thiết kế cũng như xây dựng các dự án bất động sản với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ đang bùng nổ.
Công nghệ không phải là chìa khóa quyết định trong việc tạo ra trải nghiệm khách hàng
Theo nhà sáng lập Cempartner Nguyễn Dương, nếu muốn tạo ra trải nghiệm khách hàng, đừng bắt đầu từ góc nhìn của doanh nghiệp, hãy bắt đầu đánh giá doanh nghiệp từ góc nhìn của khách hàng.
CFO ứng dụng công nghệ thế nào để hạnh phúc hơn?
“CFO là người làm chăm chỉ nhất trong công ty, đến sớm nhất và ra về muộn nhất, phải đối mặt với những quyết định bị thiên lệch, phải đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi để giải mã nó. Máy học không lấy mất công việc của CFO mà khiến họ hạnh phúc hơn vì có thể dành 100% thời gian cho tư vấn, mang giá trị cộng thêm cao hơn”.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.