Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi nào mới có kết?

Thu Uyên - 17:28, 07/09/2018

TheLEADERCó vẻ như những đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể kết thúc trong tương lai gần khi nước Mỹ mới đây cho thấy tín hiệu chưa sẵn sàng đi đến thỏa thuận.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi nào mới có kết?
Đối đầu thương mại được dự báo sẽ khiến xuất khẩu của không ít quốc gia khó khăn hơn. Ảnh: AP

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Chúng tôi đã làm rất tốt trong đàm phán với Trung Quốc nhưng chúng tôi chưa chuẩn bị để đi đến thỏa thuận như ý muốn của họ”, Reuters dẫn lời.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hội đàm với Trung Quốc. Tôi rất tôn trọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng hiện tại chúng tôi chưa thể tạo ra thỏa thuận”, ông Trump cho biết.

Trong đàm phán song phương, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh mở rộng thị trường hơn, nâng cao việc bảo vệ tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp Mỹ, cắt trợ cấp công nghiệp và giảm thâm hụt thương mại tới 375 tỷ USD của thị trường Mỹ với Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cho rằng chính quyền ông Trump đang áp dụng những chiến thuật cứng rắn và kêu gọi đàm phán nhiều hơn nữa.

Tính đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã cùng nâng thuế lên mức 25% đối với 50 tỷ USD giá trị hàng nhập từ quốc gia còn lại, tạo ra cuộc chiến thương mại không khoan nhượng.

Chưa dừng lại, người đứng đầu Nhà Trắng còn có kế hoạch tiếp tục nâng thuế quan đối với 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay khi quá trình lấy ý kiến toàn dân kết thúc vào ngày 6/9 theo giờ Mỹ, theo nguồn tin cậy được đưa tin bởi Bloomberg tuần trước.

Phía Trung Quốc cũng tỏ ra không hề "kém cạnh" khi cho biết sẽ áp dụng biện pháp đối phó nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa, lặp lại lập trường cứng rắn của mình trong chiến tranh thương mại, bất chấp tác động ngày càng gia tăng lên nền kinh tế.

"Nếu Mỹ đưa ra những biện pháp thương mại mới chống lại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ có các biện pháp đối phó cần thiết. Bất kỳ biện pháp nào gây ra áp lực với Trung Quốc sẽ không có hiệu quả bởi chiến tranh thương mại không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào", South China Morning Post dẫn lời phát ngôn viên Bộ Thương mại Gao Feng.

Cuộc đối đầu thương mại đã bước đầu cho thấy tác động đáng kể đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ số PMI tháng 8 của Trung Quốc đã suy giảm tháng thứ 3 liên tiếp, cho thấy triển vọng ảm đạm đối với các nhà xuất khẩu trong những tháng tới.

Không chỉ vậy, chỉ số PMI của tỉnh Quảng Đông cho thấy sản xuất tại tỉnh được xem là trung tâm công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc của tháng 8 đã suy yếu lần đầu tiên trong vòng 29 tháng vừa qua.

Theo ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Morgan Stanley, việc tiếp tục bị áp đặt thuế quan từ Mỹ sẽ đẩy cao ảnh hưởng lên Bắc Kinh do sự ràng buộc giữa quốc gia này với chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Á, CNBC dẫn tin.

Dự báo cho rằng việc gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra từ chiến tranh thương mại sẽ khiến Trung Quốc giảm khoảng 0,7% tốc độ tăng trưởng.

Tại Washington, theo thông tin được đưa bởi AP mới đây, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 7 tiếp tục mở rộng tháng thứ 2 liên tiếp, đạt mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua và nhập khẩu chạm ngưỡng kỷ lục. Không chỉ vậy, thâm hụt trong hàng hóa với Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng lên tới mức cao nhất.

Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt của nền kinh tế này đã tăng 9,5%, đạt 50,1 tỷ USD. Nhập khẩu của tháng 7 gia tăng 0,9% lên mức kỷ lục 261,2 tỷ USD.

Những con số không mấy tích cực về thương mại đang cho thấy sự gia tăng bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đàm phán lại các hiệp định thương mại cũng như gia tăng thuế nhập khẩu.

Thâm hụt giá trị hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc đã tăng 10% trong tháng 7, đạt 26,8 tỷ USD trong khi con số này với EU nhảy vọt tới 50%, chạm 17,6 tỷ USD.

Những thực tế này đang cho thấy tác động tiêu cực đã được dự báo trước từ căng thẳng thương mại không khoan nhượng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

South China Morning Post đánh giá rằng bất kể ai là người thắng cuộc trong cuộc chiến này, việc ít giao dịch thương mại hơn giữa Trung Quốc và Mỹ có nghĩa rằng cả hai quốc gia đều là kẻ thua cuộc.

Cơn bão thuế quan sẽ làm tổn thương cả hai nền kinh tế mà không giải quyết được nguyên nhân thực sự của việc mất cân bằng thương mại giữa họ. Tồi tệ hơn, tình hình này sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong các mối quan hệ song phương tại các khu vực khác, South China Morning Post nhấn mạnh.