Leader talk
Chính sách cấp bách cứu doanh nghiệp du lịch
Chìa khóa mà các doanh nghiệp du lịch đang cần lúc này là giảm 50% ba khoản thuế gồm: Thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền đóng bảo hiểm xã hội
Đại dịch Covid-19 như thế chiến thứ 3, làm đảo lộn trật tự thế giới, gây tổn thất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mấy tỷ người thuộc hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm chết 177.293 người (số liệu ngày 22/4). Nước nào cũng chống dịch như chống giặc.
Du lịch là ngành tổn thương đầu tiên, nặng nề nhất và phục hồi chậm nhất. Hết dịch, các ngành có thể phục hồi lại ngay nhưng du lịch phải gượng dậy từng bước. Có tiền rủng rỉnh mới đi chơi được, phải mất cả năm, ngành du lịch mới hoàn toàn bình phục với điều kiện kinh tế các nước không suy thoái.
Trong cuộc chiến Covid-19, Việt Nam nổi lên như điểm sáng thế giới về hiệu quả bởi sự chủ động, kiên quyết của nhà nước, sự đồng lòng và tiếp sức của mọi tầng lớp nhân dân, từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo. Tùy theo điều kiện và khả năng góp sức, bắt đầu bằng việc thực hiện nghiêm túc chỉ thị giãn cách xã hội của nhà nước.
Covid-19 cũng giúp ngành y tế Việt Nam chứng tỏ năng lực chiến đấu và phòng thủ hữu hiệu. Đặc biệt làm nổi bật những phẩm cách tốt đẹp của Người Việt với nhiều cách làm sáng tạo, năng động, đầy nghĩa tình, tương trợ đồng bào, tiếp sức nhà nước, tận tình chăm sóc du khách và hỗ trợ các nước kể cả Mỹ, Trung Quốc, châu Âu…
Sát cạnh ổ dịch nguyên phát từ Trung Quốc, giữa tâm dịch ASEAN, Việt Nam chỉ bị lây nhiễm 268 ca và chưa có tử vong (22/4), thuộc dạng tương đối thấp của thế giới. Dù vậy vẫn có hàng chục triệu người thất nghiệp, cả ngàn doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, số còn lại điêu đứng cầm cự, thiệt hại chưa thể thống kê cụ thể.
Việt Nam chưa giàu như Mỹ, Nhật, các nước Bắc Âu… tung hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ USD, phát bổ đầu người cho dân. Nhà nước còn nghèo, một mặt chống dịch, đảm bảo an toàn cho dân; một mặt tìm cách giúp doanh nghiệp vượt khó. Hàng loạt chính sách được đề nghị như miễn tiền sử dụng đất, giảm và miễn lãi vay ngân hàng, giãn nợ và cho đóng chậm bảo hiểm xã hội… Đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Nghe những thông tin trên, ai cũng mừng nhưng người trong cuộc mừng ít, lo nhiều. Hỏi một chủ doanh nghiệp du lịch có tiếng của thành phố, anh chỉ lắc đầu, cười: “Doanh nghiệp du lịch có mấy ai thuê đất, chỉ thuê mặt bằng làm văn phòng. Miễn tiền thuê đất, chỉ các đại gia kinh doanh địa ốc được lợi. Đại gia càng gộc, lợi càng lớn”.
Giãn nợ, rất hợp lý nhưng vấn đề là cụ thể đối tượng, ai là người xét duyệt, thủ tục hành chính ở Việt Nam còn phức tạp lắm.
Hỏi chủ một ngân hàng thương mại về việc miễn giảm lãi suất cho vay, chị im lặng. Gặng mãi chị mới nhỏ nhẹ: “Đề xuất thì dễ, làm mới khó. Các doanh nghiệp không hoạt động hoặc kém hiệu quả ai dám cho vay. Khó khăn chung nên huy động tiền gửi cũng kém, lấy đâu ra tiền cho vay đại trà? Tiền đâu có tự in như hóa đơn hay vé số. Mà có tiền, cho vay thì lấy gì thế chấp? Nếu không thu hồi nợ được ai chịu trách nhiệm? Chưa kể thủ tục không đơn giản, phải lập dự án, trình phương án khả thi, nghiệm thu rồi mới phê duyệt”.
Có doanh nhân còn lo ngại: “Chủ trương này không chừng khuyến khích doanh nghiệp làm hồ sơ giả, không cần huy động vốn cổ đông vì dại gì không vay nếu được miễn giảm. Có khi phải cầu cạnh, bôi trơn, sợ chưa kịp cầm tiền, công ty đã phá sản”.
Gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, tưởng lớn mà rất nhỏ. Lớn với nước nghèo, nhỏ với nước giàu. Lớn với một tỉnh, nhỏ với cả nước. Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 cho biết Việt Nam hiện có 714.000 doanh nghiệp, chia nhau 250.000 tỷ, chẳng bõ bèn gì. Rồi phân bổ thế nào, theo những tiêu chuẩn gì, thủ tục ra sao, ai xét duyệt… Báo chí và dư luận đã đặt vấn đề làm sao cho dòng tiền trao đúng địa chỉ, đúng thời điểm.
Người đang đói chỉ cần vài con cá lót dạ, nhưng để hết đói thì cần cái cần câu và kỹ thuật câu để kiếm sống. Doanh nghiệp gặp hoạn nạn cũng vậy, cần những chính sách thực tế, cụ thể, minh bạch và công bằng chứ không phải gói trợ cấp tùy ý của người cho.
Cái cần câu mà các doanh nghiệp du lịch đang cần vào lúc này là giảm 50% ba khoản thuế gồm: Thuế VAT từ 10% xuống 5% (điều này Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia đã đề nghị); Thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 10%; Tiền đóng bảo hiểm xã hội từ 26% xuống 13%.
Cả ba việc trên đều thiết thực với doanh nghiệp du lịch và có tính khả thi. Thời gian thực hiện là từ khi công bố hết dịch đến hết năm 2020. Thay vì chi tiền mặt thì nhà nước và doanh nghiệp chia đôi mức thuế phải đóng. Cách làm này vừa tiếp sức, động viên khuyến khích doanh nghiệp tăng tốc khi hết dịch, vừa giúp nhà nước có nguồn thu ngân sách.
Minh bạch giảm 50% ba khoản thu, vừa đảm bảo công bằng; có doanh thu, có lợi nhuận mới được giảm; vừa triệt tiêu các nhóm lợi ích và những cán bộ quen vòi vĩnh.
Campuchia, nghèo hơn Việt Nam, bị thiệt hại cũng ít hơn do Covid-19, đã miễn các loại thuế 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5/2020 cho tất cả doanh nghiệp du lịch. Doanh nghiệp được miễn thuế gồm lữ hành, lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ du lịch.
Khả năng nhà nước Việt Nam có hạn, nên khi cứu người trong hoạn nạn, phải ưu tiên cứu những người bệnh có khả năng sống, sức đề kháng mạnh; chứ không cố làm sống lại những người đã chết hoặc đang hấp hối vì quá ốm yếu.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Doanh nghiệp du lịch khốn đốn vì đại dịch
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.