Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2021

Quỳnh Chi - 11:17, 01/10/2021

TheLEADERKể từ tháng 10/2021, nhiều chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực mà nổi bật trong đó là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế suốt hai năm qua.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2021
Khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 sẽ được dùng để hỗ trợ người lao động

Nhiều chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chính thức có hiệu lực từ 15/10. 

Nổi bật trong nghị định này là việc tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ (trước đây chỉ tối đa 3 triệu đồng) và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ (trước đây không quá 5 triệu đồng).

Bên cạnh đó là việc bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ. Cụ thể, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn (không quá 70 triệu đồng/năm) với doanh nghiệp siêu nhỏ; hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ. 

Thông tư 64/2021/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ có có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021.

Thông tư này nêu rõ nội dung và mức chi chung phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Đối với các nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn thì định mức chi thực hiện theo quy định hiện hành, gồm: kinh phí tổ chức các hội nghị chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí trong nước; đi công tác nước ngoài; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; chi làm đêm, thêm giờ phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi hoạt động kiểm tra, giám sát.

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116 ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020 sẽ được dùng để hỗ trợ người lao động thuộc hai nhóm. Một là người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

Hai là những người dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 - 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hỗ trợ được tính trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. 

Cụ thể, người có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; đủ 12 tháng - dưới 60 tháng được 2,1 triệu đồng; đủ 60 tháng - dưới 84 tháng được 2,4 triệu đồng; đủ 84 tháng - dưới 108 tháng được 2,65 triệu đồng; đủ 108 tháng - dưới 132 tháng được 2,9 triệu đồng; đủ 132 tháng trở lên được 3,3 triệu đồng/người.

Xem xét không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh

Nghị định 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý và miễn, giảm học phí có hiệu lực từ 15/10. Nghị định này nêu rõ, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ đề xuất với HĐND xem xét không thu học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, nghiên cứu sinh trong khu vực bị ảnh hưởng. Tùy mức độ và phạm vi chịu tác động, thời hạn được miễn học phí sẽ được cân nhắc.

Trường hợp vẫn thu học phí, các tỉnh, thành cần căn cứ vào số tháng học thực tế, gồm cả học trực tuyến và dạy bù, nhưng không được quá chín tháng, tương ứng với thời gian một năm học. Học phí năm học 2021 - 2022 dựa trên tình hình thực tế của địa phương, không được vượt quá mức trần của năm 2020 - 2021.

Nghị định này còn quy định khung học phí (mức sàn - mức trần) với trường mầm non, phổ thông công lập năm học 2022 - 2023. Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp nhưng không quá 7,5%/năm.

Học sinh được hỗ trợ chi phí học tập sẽ được nhận mức 150.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế, không quá chín tháng/năm học và thực hiện chi trả hai lần trong năm vào đầu các học kỳ của năm học.

Chính phủ cũng bổ sung thêm nhiều nhóm học sinh, sinh viên được miễn học phí so với quy định trước đây như người học chương trình trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; học sinh cấp hai ở thôn, bản đặc biệt khó khăn; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù...

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2021 1
Nghị định 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý và miễn, giảm học phí có hiệu lực từ 15/10/2021

Quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2021.

Thông tư yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp và thường xuyên thực hiện việc thu thập, khai thác thông tin, số liệu về khách hàng, bao gồm cả thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), công ty thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật để theo dõi, đánh giá tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng sau khi đã xếp hạng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, có biện pháp quản lý rủi ro, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp; thực hiện tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định.

Ít nhất mỗi tháng một lần, trong bảy ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề, trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho CIC.

Đăng kiểm ô tô không cần xuất trình bảo hiểm xe

Thông tư 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/10. 

Thông tư mới này có nhiều nội dung mới liên quan đến việc đăng kiểm ô tô. Trong đó, không còn phải xuất trình bảo hiểm xe khi đi đăng kiểm như quy định cũ, chỉ cần xuất trình giấy tờ về đăng ký xe hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe. Đồng thời, nộp bản chính giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đối với trường hợp xe cải tạo.

Tăng thời hạn đăng kiểm xe kinh doanh vận tải đến chín chỗ từ 18 lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ tiếp theo.

Quy định riêng mẫu tem kiểm định cho xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải, thay vì dùng chung như quy định trước đây…