Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2020

Tùng Anh - 07:06, 01/11/2020

TheLEADERTừ tháng 11/2020, hàng loạt chính sách mới sẽ có hiệu lực, nổi bật là việc thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên, các chính sách liên quan đến giáo dục và chính sách dành cho công chức, viên chức.

Thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Khu kinh tế ven biển Quảng Yên có diện tích 13.303ha, bao gồm: khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên có diện tích 6.403,7ha và khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc thuộc thị xã Quảng Yên, với diện tích 6.899,3ha.

Lộ trình và kế hoạch phát triển Khu kinh tế ven biển Quảng Yên gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ cho dự án trong khu kinh tế trong giai đoạn 2020 - 2021; tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và các khu chức năng của khu kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của toàn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, từng bước hình thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2026 - 2035. 

Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

Tại Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg, Chính phủ đã quy định về lộ trình đối với một số loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất đến hết ngày 31/12/2021. 

Cụ thể là giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa); loại khác, kể cả phế liệu và vụn thừa chưa phân loại (mã HS 4707.90.00); xỉ hạt (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (xỉ hạt lò cao gồm: xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện gang, sắt, thép) (mã HS 2618.00.00).

Như vậy, danh mục phế liệu giấy được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg giữ nguyên bốn mã: HS 4707.1000, 4707.2000, 4707.3000 và 4707.9000. Tuy nhiên, mã giấy phế liệu HS 4707.9000 (mixed paper) chỉ được phép nhập khẩu đến hết 31/12/2021.

Quyết định này có hiệu lực từ 15/11/2020 và thay thế Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg. 

Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Nghị định này bổ sung tiêu chí phân loại vị trí việc làm. Cụ thể, ngoài phân loại theo khối lượng công việc như trước, từ 15/11/2020, vị trí việc làm của công chức còn được phân theo tính chất, nội dung công việc, gồm: lãnh đạo, quản lý; chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ.

Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Chậm nhất sau ba tháng kể từ ngày bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Giảm số lượng phó phòng, tăng số lượng phó giám đốc sở

Ngày 25/11/2020 là ngày có hiệu lực đồng thời của Nghị định 108/2020/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp huyện và Nghị định 107/2020/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Nghị định 108 quy định, tại các cơ quan chuyên môn cấp huyện, bình quân mỗi phòng sẽ có hai phó trưởng phòng. Trước đây chỉ có tối đa ba phó trưởng phòng.

Trong khi đó, theo Nghị định 107, bình quân mỗi sở có ba phó giám đốc. Trước đây, số lượng phó giám đốc sở không quá ba người.

Riêng Hà Nội và TP. HCM, ngoài tổng số lượng phó giám đốc sở theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc. Trước đây, số lượng phó giám đốc các sở của Hà Nội và TP. HCM không quá bốn người.

11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ xa

Theo Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học có hiệu lực từ ngày 25/11/2020, có 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2020
Có 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.

Các tiêu chuẩn gồm: mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; tiêu bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo; hoạt động dạy và học; hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; đội ngũ nhân viên; người học và hoạt động hỗ trợ người học; cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu; quản lý triển khai chương trình đào tạo; bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo; kết quả đầu ra.

Điều kiện trở thành hiệu trưởng, hiệu phó trường cấp II, III

Theo quy định tại điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1/11/2020, người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng đối với trường tư thục, người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm phó hiệu trưởng phải đạt các tiêu chuẩn tại khoản 3 điều 11 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và theo quy định của pháp luật.

Về trình độ đào tạo và thời gian công tác, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học; đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học;

Đồng thời, đã dạy học được ít nhất 5 năm (hoặc bốn năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

-Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học theo quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành 

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Theo đó, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Nhiều giáo viên mầm non được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng

Từ ngày 1/11/2020, Nghị định 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non chính thức có hiệu lực.

Theo Nghị định này, giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.

Để được hỗ trợ, giáo viên phải có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non; có hợp đồng lao động với người đại diện trường; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân tại khu công nghiệp.

Cũng theo Nghị định, chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được phê duyệt ở các trường mầm non công lập sẽ được hưởng chế độ như viên chức (hạng IV) đến hết năm 2021.

Tăng mức tiền thưởng cho học sinh giỏi quốc gia 

Nghị định 110/2020/NĐ-CP quy định về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2020 và thay thế Quyết định 158/2002/QĐ-TTg.

Theo đó, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn học do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức, học sinh đoạt giải nhất sẽ được nhận thưởng 4 triệu đồng (tăng 3 triệu đồng so với quy định hiện hành). Học sinh đạt giải nhì sẽ nhận mức tiền thưởng 2 triệu đồng, tăng 1,3 triệu đồng so với quy định trước đó. Học sinh đạt giải ba sẽ được nhận thưởng 1 triệu đồng, tăng 600 nghìn đồng so với trước đó. 

Kinh phí khen thưởng được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước; khuyến khích sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác để khen thưởng cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia.