Chính thức lùi sửa Luật Đất đai

An Chi - 09:45, 23/05/2020

TheLEADERỦy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Chính thức lùi sửa Luật Đất đai
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quochoi.vn

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đã quyết định đưa ra khỏi chương trình đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

UBTVQH cũng đề nghị không bổ sung dự thảo nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào chương trình năm 2020.

Bên cạnh đó, các dự án luật khác cũng có sự điều chỉnh như thay đổi phạm vi sửa đổi dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thời gian trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được điều chỉnh từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).

Đồng thời, UBTVQH bổ sung vào chương trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và bổ sung bốn dự án trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp, gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; 

Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), UBTVQH trình Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 10 để cho ý kiến đối với ba dự án luật; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với một dự thảo nghị quyết của Quốc hội gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn và Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc.

Như vậy, sau khi điều chỉnh dự kiến Chương trình năm 2020, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật, năm dự thảo nghị quyết; cho ý kiến sáu dự án luật. 

Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), trình Quốc hội thông qua sáu dự án luật, một dự thảo nghị quyết; cho ý kiến bốn dự án luật. Trình UBTVQH một dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) dự kiến tháng 8/2020.

Về dự kiến chương trình năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, bốn dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và theo nguyên tắc sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 11, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Cũng theo ông Thanh, bên cạnh các kết quả đạt được, UBTVQH nhận thấy, việc lập và thực hiện chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như tính dự báo của chương trình không cao; việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều. 

Trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình xây dựng pháp luật chưa phát huy hết trách nhiệm, nhất là trong công tác chuẩn bị dự án.

Mặt khác, trong lập đề nghị xây dựng luật, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa có sự quan tâm, đầu tư thoả đáng, chưa bám sát yêu cầu của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chưa chú trọng công tác tổng kết, đánh giá tác động của chính sách cũng như việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động của chính sách theo quy định, chưa trù liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án.