Chính phủ Đức hôm thứ Hai (5/3) cảnh báo rằng, một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương sẽ gây tổn hại cho cả châu Âu và Mỹ.
Phát ngôn viên của chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Steffen Seibert, đưa ra lời thúc giục Washington không nên đi theo 'con đường sai lầm' mang tên chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đe doạ sẽ áp đặt thuế nhập khẩu xe ô tô từ Liên minh châu Âu (EU).
"Các biện pháp như vậy sẽ gây tổn thương cho thương mại quốc tế và các ngành công nghiệp của chúng ta, nhưng người chịu ảnh hưởng nhiều nhất lại là những người lao động và người tiêu dùng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương".
Tuần trước, Brussels đã làm gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ khi tuyên bố họ sẽ đánh thuế các mặt hàng như xe máy, nước cam và quần jean. Đây là động thái trả đũa sau khi ông Trump muốn tăng thuế nhập khẩu nhôm thép.
Ủy viên ngân sách EU, ông Guenther Oettinger nói rằng, khối này sẽ có "các biện pháp tương ứng" để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ.
"Các biện pháp này phải có tác động đến thị trường Mỹ mà không gây ra phản ứng quá mức dẫn đến căng thẳng leo thang", ông nói.
Phản ứng của Brussels tương tự với những động thái trong một cuộc chiến tranh thép năm 2003 do chính quyền của cựu tổng thống George W. Bush gây ra.
Cuộc chiến thương mại: Tất cả các bên đều thua cuộc
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy (3/3) đã đe dọa sẽ áp một khoản thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU nếu khối này ban hành các biện pháp trả đũa động thái tăng thuế nhôm thép nhập khẩu của Mỹ.
"Nếu EU muốn tăng thêm thuế quan và các rào cản đối với các công ty Mỹ đang kinh doanh ở đó, chúng tôi sẽ đơn giản là áp một khoản thuế đối với ô tô của họ, những thứ được tự do xuất khẩu vào Mỹ", ông Trump viết trên tài khoản Twitter của mình.
Ông Seibert cho biết, cùng với các nước khác trong khối và Ủy ban châu Âu, Berlin sẽ "theo dõi chặt chẽ chính sách của chính phủ Mỹ trong tuần này và sau đó đánh giá phản ứng của thị trường".
"Chúng tôi sẽ bảo vệ các thị trường mở, thị trường tự do", ông nói thêm.
Ngành công nghiệp ô tô là ngành lớn nhất của Đức, sử dụng khoảng 800.000 người lao động trên khắp đất nước và hàng ngàn người trên khắp thế giới.
Việc tăng thuế có thể khiến các tập đoàn lớn như Daimler, BMW hay nhà sản xuất ô tô Volkswagen lớn nhất thế giới mất đi 10% lợi nhuận hàng năm của họ, nhà phân tích Ferdinand Dudenhoeffer của trung tâm nghiên cứu xe hơi Đức ước tính.
Ông Bernhard Mattes, chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ô tô Đức (VDA), nói: "Trong một cuộc chiến thương mại như vậy, sẽ chỉ có những kẻ thua cuộc ở tất cả các bên".
VDA cho biết mặc dù các nhà sản xuất Đức đã xuất khẩu gần 500.000 chiếc xe sang Mỹ vào năm ngoái, họ cũng đã sử dụng 36.500 người lao động Mỹ và sản xuất được 804.000 chiếc trên đất Mỹ và xuất khẩu khoảng một nửa trong số đó.
Mặc dù đã chính thức rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP nhưng ông Trump mới đây khẳng định cam kết hợp tác với các quốc gia tham gia hiệp định này, đặc biệt là các quốc gia chưa có hiệp định song phương với Mỹ.
Tuyên bố mới đây về tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ tạo ra làn sóng phản đối lớn mà còn gia tăng lo sợ về một cuộc chiến tranh thương mại lớn.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.