Chủ tịch Bita's: Gỡ nút thắt quy hoạch treo kéo dài nhiều năm nay tại TP. HCM

Quỳnh Như - Kim Yến - 08:15, 20/03/2018

TheLEADER"Những nơi được quy hoạch là công viên, bệnh viện, đường mở rộng… nhưng để đó bao năm chưa thấy khởi động, làm cho rất nhiều doanh nghiệp, bà con nông dân đã từng mua đất để mở rộng sản xuất, phát triển nông nghiệp lúng túng không biết phải làm sao”

Ông Đỗ Long, CEO Công ty Bita's đã chia sẻ như thế trong cuộc gặp gỡ giữa chính quyền TP. HCM và hơn 300 doanh nghiệp với chủ đề “Đột phá cơ chế cùng doanh nghiệp phát triển TP. HCM nhanh, bền vững”. 

Chủ tịch Bitas': Cần gỡ nút thắt quy hoạch treo kéo dài nhiều năm nay tại TP. HCM
Ông Đỗ Long.

Trong khuôn khổ giới hạn của cuộc gặp gỡ, còn rất nhiều doanh nghiệp bức xúc vì không được trình bày ý kiến của mình trước lãnh đạo thành phố. Trong cuộc trao đổi ngắn với TheLEADER bên lề cuộc gặp gỡ, ông Đỗ Long, CEO Công ty Bita's cho biết, khoảng chừng 1-2 năm nay, độ tiếp cận giữa doanh nghiệp với các chính sách, chương trình mục tiêu của thành phố có hiệu ứng tốt. Ví dụ như kế hoạch của thành phố hay những chính sách liên quan đến doanh nghiệp. 

Mặc dù những chuyển biến của các bộ, ngành chưa theo kịp với lãnh đạo thành phố, nhưng nói chung đi sâu vào từng ngành đã thấy có chuyển biến. Thí dụ liên quan đến Thuế. Trước đây cơ quan thuế muốn kiểm tra doanh nghiệp, chỉ gửi văn bản xuống trước từ 3 đến 5 ngày là xuống kiểm tra ngay. 

Bây giờ đã có chuyển biến, có thể gửi một thông báo cho doanh nghiệp sắp xếp thời điểm nào thích hợp rồi cơ quan thuế mới xuống kiểm tra. Vì có những lúc doanh nghiệp đang mùa sản xuất, mà cơ quan thuế lại xuống làm việc gấp, khiến cho doanh nghiệp rất bị động, gián đoạn sản xuất.

Hay như kiểm tra môi trường, bảo hiểm xã hội… cũng đã có độ dãn nở cho doanh nghiệp chuẩn bị chủ động hơn. 

Trên cơ sở đó, có thể thấy chính quyền đã coi doanh nghiệp là một đối tác quan trọng với người làm chính sách, muốn thu thuế doanh nghiệp cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thuận lợi, chứ không phải quan niệm theo kiểu “xin cho”, “chủ tớ” như trước đây, ngân sách do thu không đủ chi, nên mới phát sinh kiểu kiểm tra đột xuất. 

Tuy nhiên cũng theo ông Long, hiện vẫn còn những điểm tiêu cực. Liên quan đến những quy hoạch treo, tôi thấy rất nguy hiểm vì hiện tại rất nhiều quận huyện đều dính đến quy hoạch treo. 

Những nơi được quy hoạch là công viên, bệnh viện, đường mở rộng… nhưng để đó bao năm chưa thấy khởi động, làm cho rất nhiều doanh nghiệp, bà con nông dân đã từng mua đất để mở rộng sản xuất, phát triển nông nghiệp không biết phải làm sao.

Bitas’ có 6.000 m2 đất bị vướng vào quy hoạch treo ở ngay Bình Tân. Trước đây công ty mua mảnh đất này bên cạnh nhà máy để mở rộng sản xuất, đã được cấp sổ đỏ, trên sổ đỏ có ghi rõ để mở rộng sản xuất. Nhưng hai, ba năm nay cứ kiến nghị tới, kiến nghị lui vẫn chưa có kết quả.

Trong lần gặp gỡ với chính quyền lần này, tôi khẩn thiết kiến nghị, nếu gỡ được nút thắt về các quy hoạch treo kéo dài nhiều năm nay gây ách tắc công việc làm ăn và đời sống dân sinh, thì thành phố có thể phát triển mạnh hơn nhiều. 

Còn nếu nằm trong diện quy hoạch công viên, bệnh viện, phải trả lời rõ cho dân và doanh nghiệp được biết chừng nào tiến hành, chúng tôi sẽ sẵn sàng ủng hộ quy hoạch đó. Và sau khi quy hoạch, phải thông báo rõ cho dân chúng được biết thanh toán trả ngược lại như thế nào, vì đó cũng là tiền vốn đầu tư của dân, của doanh nghiệp.

GDP của Ấn Độ vài năm nay phát triển rất nhanh, vượt qua cả Trung Quốc, nhờ Thủ tướng Ấn Độ rất chú trọng đến lực lượng lao động lớn này. Họ xây các dịch vụ công, dành những tiện tích tốt nhất cho cộng đồng. 

TP. HCM đang chồng chéo nhiều bất cập trong cơ sở hạ tầng, khiến cho năng suất lao động bị giới hạn. Trước đây, từ nhà đến công ty mất chừng nửa giờ, hiện nay mất từ 1 đến 2 giờ, giờ đi làm phải sớm hơn, giờ về lại trễ hơn, khiến cho sức lao động của người dân bị mất mát rất nhiều…

"Hình như trong chính sách, dần dần người ta theo đuổi suy nghĩ 'thành phố công nghiệp, hiện đại, thông minh' mà quên đi những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, giày dép, những ngành đã mang lại thu nhập cho nền kinh tế. 

Các nhà lãnh đạo thành phố cũng đang nghĩ tới 4.0, những chuyện “thời thượng”, mà quên những lực lượng nòng cốt nuôi sống thành phố này. Đây là điểm rất mấu chốt, căn bản, để đi sâu vào ổn định từng gia đình một cách căn cơ, giữ vững an ninh trật tự khi nền kinh tế có đột biến”, Chủ tịch Bitas' nói. 

“Nhiều doanh nghiệp bị các đoàn kiểm tra trừ tới trừ lui sau khi chấp nhận cho vay kích cầu”

Không hẹn mà gặp, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp than thở về những bất cập trong thủ tục hành chính, cơ chế chính sách trong nhiều ngành nghề tại cuộc gặp gỡ đối thoại với lãnh đạo thành phố. 

Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm An Thiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quận 8 kể, sở dĩ ông có thể xây dựng nên Công ty Dược phẩm An Thiên là nhờ gói kích cầu của Nhà nước. Ông vay được 100 tỷ đồng với thời hạn vay 7 năm. 

Thật ra, đây không phải là số tiền mà Nhà nước bỏ ra mà là tiền vay đến từ các Quỹ tín dụng, Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi vay. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp lại hiểu mù mờ về chuyện này.

Ông Dũng cho biết: "Tháng 10/2015: Quyết định 50 quy định những mức hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, với đầu mối là Sở Công thương, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao. Tháng 3/2017, tiếp tục có Quyết định 15 cũng về việc ưu tiên hỗ trợ vốn cho ngành công nghiệp hỗ trợ. 

Tuy nhiên, từ đó đến nay, chỉ có khoảng gần 700 doanh nghiệp được thành phố phê duyệt cho vay vốn từ các gói kích cầu, với 44.400 tỷ đồng được giải ngân, 1 đồng vốn ngân sách sẽ huy động được 15 đồng vốn xã hội. Con số này là quá khiêm tốn so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Vậy, tắc ở chỗ nào?".

Theo ông Dũng, sở dĩ, việc giải ngân ít và chậm là do quá trình tuyên truyền cũng như hỗ trợ chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp đến gặp rồi hỏi ông Dũng, “tại sao anh nhận được vốn vay hay thế?”, trong khi lẽ ra họ phải đến Sở Công thương hoặc Sở Kế hoạch và đầu tư để hỏi. 

Nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không biết bắt đầu từ đâu và với ai, do đầu mối quá tản mạn.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính để nhận được gói vay cũng còn quá rắc rối. Nhiều doanh nghiệp sau khi đã được chấp nhận cho vay, còn bị các đoàn đến kiểm tra, rồi bị trừ lui trừ tới. Hay nhiều công ty, sau khi tiến hành nâng cấp máy móc để kịp đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, phải làm hồ sơ lại từ đầu.

Để giải quyết rốt ráo những điểm yếu trên, ông Dũng đề xuất với thành phố như sau: Đầu tiên, Sở Công thương và Sở Kế hoạch và ầu tư cần ngồi lại cùng nhau, tiến hành sơ kết chương trình để tìm ra lý do tại sao. 

Thứ hai, công tác tuyên truyền cần sâu rộng hơn nữa, có thể thông tin về chương trình đến người phụ trách mảng kinh tế ở phường, để họ không còn mơ hồ nữa.

Thứ ba, phải có một trung tâm đầu mối hay trung tâm chuyên về công nghiệp hỗ trợ, để khi doanh nghiệp cần tìm hiểu chương trình đến một nơi là đủ. Còn hiện tại, các doanh nghiệp đang tự bơi, tự chạy vạy và tìm hiểu theo thông tin mà mình tự thu thập được.