Chủ tịch HĐQT F88: Đối thủ lớn nhất của chúng tôi là thời gian

Việt Hưng - 12:04, 14/06/2019

TheLEADERHệ thống cửa hàng F88 sẽ định vị là dịch vụ tài chính gần nhà với mục tiêu mở 300 cửa hàng vào năm 2021 sau đó tăng lên 1.000 cửa hàng vào năm 2023

Chủ tịch chuỗi cầm đồ F88: Đối thủ lớn nhất của chúng tôi là thời gian

Những quý đầu năm thường là khoảng thời gian khá ảm đạm với thị trường tài chính trong nước, nhất là khi người dân vừa mới “dốc hết hầu bao” để ăn Tết Nguyên Đán truyền thống.

Thế nhưng, năm nay, ngay trong những ngày cuối tháng 2, thị trường này đã ngay lập tức được hâm nóng khi xuất hiện thông tin đại gia Thái Lan muốn nhập cuộc chơi cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.

Đó là công ty TNHH Srisawad Việt Nam – thành viên của Tập đoàn SAWAD Thái Lan – một trong ba địa chỉ được phần lớn người tiêu dùng Thái Lan chọn khi bị ngân hàng từ chối cho vay. Công ty TNHH Srisawad Việt Nam cho biết sẵn sàng chi hơn 523 tỉ đồng để mua lại Công ty cho thuê tài chính Nông nghiệp I (ALC I) của Ngân hàng Agribank.

Thành lập từ cuối năm 2015, đến nay Srisawad Việt Nam có khoảng 40 chi nhánh và phòng giao dịch tại Việt Nam với nghiệp vụ chính là cầm đồ. Thương vụ mua lại ALC I được công ty bắt đầu được tìm hiểu từ giữa năm 2016. Sau khi hai bên thuê đơn vị thẩm định tài sản và ký biên bản ghi nhớ, Agribank trình Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt. Nguyên nhân là công ty Thái chưa đáp ứng điều kiện tổng tài sản của năm liền kề trước đó là 10 tỉ USD, để được cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Đáng chú ý, bên cạnh đề nghị NHNN chấp thuận cho tham gia tái cơ cấu ALC I, Srisawad Việt Nam cũng đề xuất chuyển mô hình hoạt động từ công ty cho thuê tài chính sang công ty tài chính tổng hợp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Rõ ràng, người Thái đã nhắm đến hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam từ lâu, nhưng mãi đến nay vẫn chưa có được cơ hội tham gia thị trường.

“Người Thái hoàn toàn có lý do để quan tâm tới thị trường Việt Nam. Với dân số trẻ, nhu cầu vay tiêu dùng ngày một tăng cao, Việt Nam nghiễm nhiên trở thành miếng bánh ngon trong mắt không chỉ đại gia Thái, mà còn rất nhiều các Tập đoàn lớn khác”, ông Phùng Anh Tuấn – nhà sáng lập & Chủ tịch HĐQT chuỗi cầm đồ F88 cho hay.

Ngay sau khi động thái của Srisawad được phát giác, nhiều con mắt đã đổ dồn về phía F88, khi chuỗi này được xem là một đối trọng lớn với công ty của đại gia Thái trong lĩnh vực cầm đồ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, người đứng đầu chuỗi F88 lại không nghĩa như vậy. Ông Tuấn cho hay, đã biết tới Srisawad Việt Nam và công ty mẹ từ lâu. Thậm chí, SAWAD Thái Lan từng là địa chỉ để F88 học hỏi, cũng như tham khảo về mô hình cầm đồ tại thị trường Đông Nam Á.

“Ở Thái Lan, SAWAD là một thương hiệu mạnh. Điều này không cần phải bàn cãi. Nhưng ở Việt Nam, vị thế này chưa chắc đã có thể duy trì, vì còn nhiều rào cản như: tính bản địa, khả năng am hiểu thị trường… Những yếu tố này, tin chắc F88 làm tốt hơn”, vị Chủ tịch khẳng định.

Khi được hỏi về tương quan giữa Srisawad Việt Nam và chuỗi F88 ở thời điểm hiện tại, ông Phùng Anh Tuấn từ chối bình luận. “Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm, và chưa bao giờ xem ai là đối thủ. Nếu có, đối thủ lớn nhất của chúng tôi chính là… thời gian”, ông Tuấn nói.

Chủ tịch HĐQT F88: Đối thủ lớn nhất của chúng tôi là thời gian 1

Theo kế hoạch mà đội ngũ F88 đặt ra, tới năm 2021, chuỗi này sẽ vận hành khoảng 300 cửa hàng. Tới năm 2023, con số tăng lên 1.000 cửa hàng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, nếu hội tụ đủ các yếu tố, F88 có thể nhanh chóng tiến hành IPO.

Chính vì tính gấp rút của kế hoạch mở rộng chuỗi, nên ông Tuấn cho hay, thời gian là đối thủ lớn nhất với thương hiệu F88 ở thời điểm hiện tại.

“Trung bình, mỗi tháng chúng tôi mở tới 9 cửa hàng. Với tốc độ này, tương lai F88 không chỉ dừng lại ở con số 1.000 điểm, mà 2.000 điểm cũng là điều rất bình thường”, Chủ tịch F88 nhấn mạnh.

Tất nhiên, ông Phùng Anh Tuấn không phủ nhận, ngoài việc giải quyết bài toán chạy đua với thời gian, F88 còn phải giải cả bài toán về mặt nhân sự. Bởi với tốc độ mở mới cửa hàng như hiện tại, chuỗi này còn cần tới một lượng nhân sự khổng lồ, đáp ứng không chỉ về mặt kĩ năng làm việc với khách hàng, mà còn là cả chuyên môn về lĩnh vực cho vay, thẩm định, cầm cố.

Để giải bài toán này, ông Tuấn cho biết, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, đặc biệt là đào tạo từ nội bộ đi lên rất quan trọng. Trong đó, tố chất của nhân sự và văn hóa doanh nghiệp quyết định phần nhiều.

“Ở F88, chúng tôi đặt yếu tố con người lên hàng đầu. Bởi dù công nghệ có tốt, quy trình có chặt chẽ tới mấy cũng không thể quyết định thay con người. Từ khi được tuyển dụng, cho tới lúc trở thành nhân viên chính thức, mọi nhân sự của F88 đều được xây dựng tư duy, tính cách xoay quanh văn hóa: trung thực, tận tâm, lắng nghe và trao đổi thẳng thắn”, Chủ tịch F88 chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT F88: Đối thủ lớn nhất của chúng tôi là thời gian 2

Lấy ví dụ về hai chữ tận tâm, ông Tuấn cho rằng, đây là một trong những tiêu chí mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đặt ra cho nhân viên, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện và quản trị được.

F88 khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp thậm chí đã đặt ra một bộ quy tắc yêu cầu nhân viên phải cười với khách hàng để thể hiện sự tận tâm. Nhưng bộ quy tắc này sẽ không thể phát huy tác dụng, nếu như khâu đào tạo nhân sự chưa tốt, nhân viên chưa thể hiểu hết, cũng như cách áp dụng vào các tình huống thực tế.

“Một ngày, một bạn nhân viên sẽ bắt gặp vô vàn các tình huống khác nhau. Nếu không hiểu, không được giải thích, hay được đào tạo kĩ càng, thì việc ứng xử sai, thiếu chuẩn mực rất dễ xảy ra. Và đó mới là trường hợp của một bạn nhân viên, nếu là một cửa hàng, hay cả một vùng, thì điều đó rất nguy hiểm”, ông Tuấn nói.

Cũng nhờ khâu đào tạo bài bản, chặt chẽ, liên tục thử thách và xếp loại, 90% các vị trí quản lý của chuỗi F88 đều đi lên từ nội bộ. Nhiều trường hợp chỉ sau khoảng 4 tháng bắt đầu từ vị trí thấp nhất tại cửa hàng, nhân sự F88 đã được tin tưởng giao trọng trách quản lý ở cấp cao hơn.

“Chính sách của chúng tôi là không tuyển quản lý từ bên ngoài vào. Bởi con người đi lên từ vị trí thấp nhất sẽ luôn là người hiểu khách hàng nhất. Ở F88, có kĩ năng là một điểm cộng, nhưng quan trọng vẫn là tố chất tốt phù hợp với văn hóa công ty”, Chủ tịch F88 khẳng định.

Bởi theo ông Phùng Anh Tuấn, chiến lược của doanh nghiệp có thể luôn thay đổi để phù hợp với tình hình, hoàn cảnh. Nhưng con người, tố chất, hay văn hóa là yếu tố bất biến. Như thời gian đầu, định hướng của F88 định vị là chuỗi cầm đồ. Nhưng xa hơn, F88 sẽ chuyển mình trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính, vận hành theo mô hình bán lẻ.

“Tương lai, F88 sẽ định vị là dịch vụ tài chính gần nhà. Người dân ra đầu ngõ ghé F88 là có thể sử dụng tất cả các dịch vụ liên quan tới tài chính như: vay tiền, thanh toán hóa đơn, thu hộ chi hộ và thậm chí là bảo hiểm… Cửa hàng F88 sẽ phủ tới từng xã, huyện khi đạt tới quy mô nhất định”, ông Tuấn hé lộ.

Trên thế giới, mô hình F88 hướng đến được gọi là “micro-finance”. Xét về tính bền vững của mô hình này, thì ở các nước phát triển với, mức độ người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cao như: Mỹ, Anh…, mô hình micro-finance vẫn tồn tại. Bởi lẽ, sẽ luôn có một tập khách hàng ưa thích việc vay, mượn nhanh chóng, tiện lợi, với nhu cầu khoản vay nhỏ, không muốn thực hiện các thủ tục rườm rà.

Chủ tịch HĐQT F88: Đối thủ lớn nhất của chúng tôi là thời gian 3