Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu: “Giá tiền ảo mang tính đầu cơ cao”

Quỳnh Anh - 12:29, 07/02/2018

TheLEADERTheo ông Mario Draghi, Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu, tiền ảo có sự biến động rất lớn và giá của chúng mang đặc điểm của sự đầu cơ.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu: “Giá tiền ảo mang tính đầu cơ cao”
Ông Mario Draghi, Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu. Ảnh: AFP

Ông Draghi cũng nhấn mạnh Bitcoin và các đồng tiền ảo khác là một hình thức đầu tư rất rủi ro mà các nhà đầu tư cũng như các ngân hàng nên thận trọng.

Cuối năm ngoái, giá Bitcoin đã nhảy vọt lên mức kỉ lục gần 20.000 USD nhưng sau đó đã suy giảm mạnh mẽ.

Giá Bitcoin hôm nay thậm chí còn mất tới gần 70% giá trị so với mức đỉnh, khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc đưa ra cảnh báo về một đợt siết chặt tiếp theo.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính của Pháp và Đức đều cho biết mong muốn điều chỉnh Bitcoin và dự kiến sẽ đưa ra đề xuất tại cuộc họp bộ trưởng tài chính các nước G20 vào tháng Ba tới.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề tiền ảo được nêu ra ở cấp độ liên quốc gia. Cuối tháng Một vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi một sự phối hợp quy mô toàn cầu liên quan đến thế giới tiền ảo dựa theo những cảnh báo về rủi ro từ việc tăng giá.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng kêu gọi nhóm G20 ngăn chặn các đồng tiền kỹ thuật số trở thành tài khoản số của các tài khoản ngân hàng vô danh. Mỹ muốn đảm bảo rằng "những người xấu không thể sử dụng các đồng tiền này để tạo ra những điều tồi tệ".

Ngân hàng trung ương Đức cho rằng, bất kì nỗ lực điều chỉnh các đồng tiền kỹ thuật số nào cũng nên được thực hiện trên quy mô toàn cầu do các quy tắc tại quốc gia hay khu vực sẽ khó có thể thực thi đối với thế giới tiền ảo không biên giới.

Bên cạnh vấn đề liên quan đến tiền ảo, vị chủ tịch của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) còn đề cập đến chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là nới lỏng định lượng và gọi đó là vĩ khí mạnh mạnh nhất có thể giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong khu vực đồng euro.

Ông đánh giá rằng, những người giàu nhất là những người đầu tiên hưởng lợi từ việc nới lỏng định lượng nhưng đồng thời, đây cũng là công cụ mạnh mẽ nhất giúp giảm sự bất bình đẳng trong dài hạn.

Ngân hàng trung ương châu Âu đã thực hiện nới lỏng định lượng vào tháng 3/2015 để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tăng tưởng kinh tế trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, vào tuần trước, Chủ tịch ngân hàng trung ương Hà Lan đánh giá chương trình này đã hoàn thành sứ mệnh của mình, báo hiệu sự thay đổi chính sách quan trọng, đánh dấu kết thúc cho thời kì lãi suất thấp.

Ông Draghi cho biết, nới lỏng định lượng đã giúp tạo ra 7,5 triệu việc làm cho khu vực đồng Euro so với thời điểm giữa năm 2013 và khu vực này đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Trước những lời chỉ trích của một số nhà lập pháp về việc nới lỏng định lượng gây ra các tác động tiêu cực đến một số thành viên trong 19 quốc gia tại khu vực này, ông Draghi khẳng định "không có bất cứ đất nước nào được hưởng lợi từ chính sách này hơn chính chúng ta".