Chủ tịch VCCI: 'Chàng trai FDI 30 năm không kết hôn nổi với doanh nghiệp Việt'

Thu Uyên - 13:37, 05/07/2018

TheLEADERÔng Vũ Tiến Lộc khẳng định trong những năm qua, việc cải cách môi trường kinh doanh và thực hiện các hiệp định thương mại đã tạo ra những đột phá nhưng sự lan tỏa của nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 8 năm qua.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018. Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, đóng góp 0,45% vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, điểm sáng là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%, cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp 2,63%.

Bên cạnh sự tăng trưởng đáng chú ý của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý II năm nay đã tăng gấp đôi so với cùng kì 4 năm trước. Cùng với đó, số vốn đăng ký tăng gần 3 lần và tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp tăng 1,4 lần.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 26,5% so với cùng kì năm trước, bao gồm số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp cũ.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, những chỉ số tích cực trên cho thấy sự phục hồi nền kinh tế đang bắt đầu và cùng với đó, niềm tin kinh doanh đang được khơi dậy.

Chủ tịch VCCI: Chàng trai FDI và mối nhân duyên bất thành ở Việt Nam
Ông Vũ Tiến Lộc bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018

Trao đổi với TheLEADER, ông Lộc khẳng định đây là đà tốt để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách trong thời gian tới. Nhận định của vị chủ tịch VCCI cũng chia sẻ cùng quan điểm với Ngân hàng Thế giới (WB) hồi giữa tháng 6.

Theo đó, WB cho rằng giai đoạn kinh tế đang vững chắc như hiện nay là cơ hội lớn đẩy mạnh cải cách cũng như đầu tư cho nguồn nhân lực, giải quyết thách thức để duy trì đà tăng trưởng.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng trong thời gian qua, đặc biệt là trong hai năm vừa qua, với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, tạo nên giai đoạn bứt phá mới trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là việc cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng nhất vào tháng 10 năm nay.

Một trong những điểm sáng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là những nỗ lực đàm phán và triển khai thực hiện hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiến hành rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), triển khai thuận lợi hóa thương hại cũng như các FTA khác.

Những FTA này rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra áp lực cải cách thể chế, hướng tới chuẩn quốc tế là mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như cho xuất khẩu của Việt Nam, ông Lộc nhấn mạnh trước báo giới. 

Liên kết nội – ngoại chưa thực sự hiệu quả

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định động lực phát triển mới cho môi trường đầu tư kinh doanh chính là sức phát triển của tư nhân trên cơ sở sự giải phóng bắt nguồn từ cải cách thể chế mạnh mẽ cũng như nỗ lực hội nhập thông qua FTA.

“Cộng hưởng giữa những cải cách thủ tục hành chính trong nước với mở cửa thị trường theo FTA đã tạo ra diện mạo mới, niềm tin mới cho môi trường đầu tư kinh doanh”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tuy vậy, tác động lan tỏa của FDI trong nền kinh tế rất thấp. “Chàng trai FDI có mặt tại Việt Nam đã 30 năm mà vẫn không kết hôn nổi với các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam”, ông Lộc ví von.

Chủ tịch VCCI: Chàng trai FDI và mối nhân duyên bất thành ở Việt Nam 1
CPTPP là hiệp định mới nhất Việt Nam kí kết

Theo ông Lộc, hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI sang Việt Nam rất thấp cũng như công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Trước nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp lớn, điển hình như Samsung phải vận động đưa các nhà cung ứng từ nước ngoài vào Việt Nam, mà đây chính là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ngoài.

Việc cắm rễ sâu FDI vào Việt Nam thông qua kết nối với doanh nghiệp nội địa trở thành yêu cầu quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam và là một trong những yêu cầu phát triển bền vững đầu tư nước ngoài và ngành công nghiệp Việt Nam.

Người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp khẳng định trong thời gian qua, Chính phủ đã tạo ra nhiều thay đổi như nghị định về công nghiệp hỗ trợ nhưng khuôn khổ pháp lý cho thúc đẩy công nghiệp này ở Việt Nam vẫn chưa đủ.

“So với quốc tế, không chỉ môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều điểm cần cải cách để vươn tới chuẩn mực tiên tiến trong khu vực mà ngay cả trình độ quản trị của doanh nghiệp vừa và nhỏ, của khu vực tư nhân cũng còn khoảng cách rất lớn với các nền kinh tế”, ông Lộc cho biết.

Theo Chủ tịch VCCI, cần một chương trình đồng bộ, tổng thể từ khuôn khổ chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến hoạt động hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia cũng như của hiệp đội và cộng đồng.

Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là nâng cấp năng lực quản trị công nghệ, đáp ứng chuẩn mực toàn cầu và trên cơ sở đó, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia.