Chưa cải thiện khâu chế biến thì nông sản Việt vẫn ‘được mùa, mất giá’

Hạ Vũ - 14:14, 06/11/2019

TheLEADERĐể tránh tình trạng "được mùa, mất giá", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngành nông nghiệp cần cải thiện được khâu chế biến và đẩy mạnh thương mại hóa.

Chưa cải thiện khâu chế biến thì nông sản Việt vẫn ‘được mùa, mất giá’
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội hôm nay, trước câu hỏi của đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) về giải pháp chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng bất cập nhất ở Việt Nam hiện nay là khâu chế biến, dẫn đến chưa thể giải quyết được vấn đề được mùa mất giá.

Giá nông sản lên xuống theo nguyên tắc cung cầu của thị trường. Như sản phẩm hồ tiêu, riêng Việt Nam sản lượng đạt 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, do đó dẫn đến thừa cung. 

Bộ trưởng cho biết thời gian tới, Bộ cùng các địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh chế biến, tổng rà soát để phát triển sản xuất ở mức độ nhất định.

“Như đối với hồ tiêu, diện tích trồng đã vọt lên 150.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác”, ông Cường nhấn mạnh.

"Chúng tôi đã mời một số doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp tại Đắk Nông để đưa công nghệ mới nhất vào khâu chế biến, riêng hạt tiêu sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, gồm cả dầu hạt tiêu. Thị trường cần cái gì ta làm cái đó, bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một", theo ông Cường.

Như sản phẩm cá ngừ đại dương, cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho biết đây là sản phẩm chất lượng có giá trị xuất khẩu của Việt Nam, nếu làm tốt khâu bảo quản sẽ nâng cao hiệu quả kim ngạch của sản phẩm này. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh hiện nay cá ngừ là sản vật khai thác ở vùng biển của ta, đã có giá trị xuất khẩu lên đến 650 triệu USD.

Do đó, ông cũng cho rằng đây là sản phẩm rất có giá trị và nếu có giải pháp thì sẽ còn cho giá trị cao hơn gấp 2 - 3 lần. Thực tế một số nơi đã có mô hình tiên tiến như Khánh Hòa, tuy nhiên lại chưa được áp dụng đại trà.

Ông Cường cần tổ chức chuỗi khai thác trên biển, tập trung công nghệ chế biến và phát triển thị trường như ở Khánh Hòa có liên kết của ngư dân với 145 tàu, khi đánh bắt được cá ngừ sẽ có tàu chở về để chế biến ngay.

“Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”, ông Cường nhấn mạnh tới phát triển thị trường tiêu thụ nội địa.

Từ đó, dễ dàng nhận thấy cải thiện khâu chế biến là chìa khóa giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, để làm được, ngành nông nghiệp cần thu hút doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nhằm đẩy mạnh liên kết chuỗi và ứng dụng khoa học công nghệ.

Chưa cải thiện khâu chế biến thì nông sản Việt vẫn ‘được mùa, mất giá’
Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm 60% tổng sản lượng thế giới.

Cụ thể, về tình hình thu hút doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau 3 năm, số lượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp đã tăng gấp 3 lần, từ hơn 3.000 doanh nghiệp đến nay đã đạt 11.800 doanh nghiệp.

Hầu như các doanh nghiệp tư nhân lớn đều đã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp như TH, Vinamilk, VinGroup... tạo nên chuỗi liên kết ứng dụng khoa học công nghệ giúp đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp, phủ rộng từ hoạt động sản xuất trực tiếp, chế biến, thương mại.

Tuy nhiên, ông Cương cho biết ngoài 11.800 doanh nghiệp ở trên, thêm 49.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp thì số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

“Số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”, Bộ trưởng nhận định.

Về giải pháp căn cơ thu hút dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định dù số doanh nghiệp tăng lên 3 lần nhưng số tuyệt đối còn rất thấp.

Bộ trưởng kỳ vọng luật PPP sắp tới được Quốc hội thông qua sẽ giúp đẩy mạnh huy động đầu tư công – tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp đang thiếu điều kiện, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý, vì nông nghiệp dù khó khăn nhưng vẫn còn nhiều dư địa.