Lý do khiến nông sản Việt chưa thoát 'đáy' trong chuỗi giá trị toàn cầu

Hạ Vũ - 09:03, 09/10/2019

TheLEADERCác chuyên gia nước ngoài cho rằng, chuỗi sản xuất nông sản Việt Nam đang thiếu tính liên kết, công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, hơn nữa sự liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản còn thấp.

Lý do khiến nông sản Việt chưa thoát 'đáy' trong chuỗi giá trị toàn cầu
Nông sản Việt đang đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường quốc tế.

Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản; đồng thời các sản phẩm đã có mặt tới gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo…

Với 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, các sản phẩm nông sản của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường quốc tế.

Mặc dù hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp khó, nhưng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay của cả nước vẫn đạt 30,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong đó có 6 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm.

Ngoài ra, "nhu cầu của thế giới về lương thực sẽ tăng từ 70 – 100% cho đến năm 2050 do dân số tăng và do sự thay đổi trong lựa chọn ăn uống của người dân", chuyên gia tới từ Ngân hàng Thế giới, bà Phạm Hoàng Vân Anh cho biết tại Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” diễn ra vào ngày 8/10.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia mạnh về lĩnh vực nông nghiệp do có nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản mà thế giới cần.

Tuy nhiên, "trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô. Đây là khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

"Khi bán ra thị trường thế giới có đến 80% hàng nông sản Việt đến tay người tiêu dùng thông qua các thương hiệu nước ngoài", theo ông Phòng. 

Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài cho rằng, chuỗi sản xuất nông sản Việt Nam đang thiếu tính liên kết, công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, hơn nữa sự liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản còn thấp.

Theo ông Park Hyang Jin, Tổng Giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc), để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo toàn bộ quy trình được kiểm soát đúng quy chuẩn. Như vậy, các doanh nghiệp mới góp phần nâng cao giá trị nông sản và tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Đại diện doanh nghiệp sản xuất gạo theo mô hình cánh đồng lớn trong nước cho biết mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 5 - 7 triệu tấn gạo nhưng hầu hết lượng gạo đó được chế biến từ lúa ngoài mô hình. Đây là điểm bất cập trong thực hiện liên kết chuỗi hiện nay. 

Đáng chú ý, việc nhân rộng mô hình lại đang gặp nhiều khó khăn, diện tích cánh đồng lớn liên kết ở các địa phương ngày càng thu hẹp dần. Nguyên nhân do chuỗi liên kết còn thiếu vốn để thực hiện. Đặc biệt về vốn trung, dài hạn để lắp đặt máy sấy lúa, vốn ngắn hạn để ứng vật tư đầu vụ và thanh toán tiền cho nông dân khi thu hoạch.

Về phía ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay theo chuỗi trong ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn khi vẫn còn trường hợp hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến. 

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có hơn 2.900 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 doanh nghiệp.

Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có hơn 1.200 chuỗi được chứng nhận, với hơn 1.400 sản phẩm (chủ yếu là các loại rau, củ quả, các loại cá biển, trái cây, trứng, nước mắm).

Hơn 3.100 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có hơn 640 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gồm chuỗi liên kết cá tra ba cấp, chuỗi liên kết một ngành hàng lâm sản chủ lực và chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo.