Chương trình phục hồi kinh tế có nguy cơ mất đi ý nghĩa 'phao cứu sinh'

Nhật Hạ - 10:09, 03/06/2022

TheLEADERĐến thời điểm này, khi các bộ, ngành còn đang loay hoay với việc rà soát và dự thảo văn bản, thì có những chính sách trong Nghị quyết 43/2022/QH15 đã ít nhiều mất đi ý nghĩa, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình này với quy mô gần 350.000 tỷ đồng được ví như ‘cú hích’ hay ‘phao cứu sinh’ giúp vực dậy nền kinh tế, tạo niềm tin phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tuy nhiên, trong 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế xã hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra sốt ruột khi nhận định chương trình này đang được triển khai rất chậm.

Có ý kiến cho rằng, mặc dù đã sang tháng 6/2022 nhưng có rất nhiều nội dung công việc vẫn đang dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”. 

"Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phát huy hiệu quả cao nhất", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) nhận định. Đến thời điểm này, khi các bộ, ngành còn đang loay hoay với việc rà soát và dự thảo văn bản, thì có những chính sách trong Nghị quyết 43/2022/QH15 đã ít nhiều mất đi ý nghĩa.

Ví dụ như chương trình sóng và máy tính cho em. Một trong những mục đích trước mắt của chương trình là kịp thời trang bị máy tính cho học sinh có điều kiện để học trực tuyến thì đến nay tất cả học sinh đã trở lại trường học trực tiếp.

Chương trình phục hồi kinh tế có nguy cơ mất đi ý nghĩa 'phao cứu sinh'
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tại phiên thảo luận ngày 2/6. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

Đại biểu Tạ Minh Tâm (tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ khi ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, dòng tiền của các gói hỗ trợ phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc một số chính sách đã có đến nhưng chưa đáng kể.

Đại biểu cho biết trên thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất…

Để đảm bảo phát huy hiệu quả tối ưu của chương trình phục hồi, ông Tâm cho rằng, cần đặt ra mục tiêu cho các gói hỗ trợ là phải giải ngân trong năm nay, đồng thời các thủ tục triển khai phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng xin cho, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Chương trình phục hồi kinh tế có nguy cơ mất đi ý nghĩa 'phao cứu sinh' 2
Đại biểu Tạ Minh Tâm. Ảnh: Trang tin Quốc hội.

“Gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân”, ông Tâm nhấn mạnh và kiến nghị rà soát, cân nhắc các chính sách hỗ trợ của chương trình phục hồi kinh tế.

Theo đó, cần điều chỉnh các nội dung không còn mang tính cấp thiết, tập trung cho các lĩnh vực trọng tâm, then chốt, có tác động lan tỏa; củng cố và phát huy vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp.

Đồng thời, rà soát lại các dự án trong danh mục sử dụng nguồn vốn của chương trình bảo đảm đưa vào danh mục các dự án đáp ứng các nguyên tắc tiêu chí theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 đề ra, có điều chỉnh, thay thế bổ sung vào danh mục các dự án có đủ điều kiện có khả năng giải ngân nhanh và hấp thu ngay vào nền kinh tế.

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị thời gian tới cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu định lượng cụ thể về khối lượng công việc cần hoàn thành để làm cơ sở đánh giá chứ không quy định chung chung.

Tiến độ của chương trình phục hồi kinh tế

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, ngày 2/6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đến nay có 11 trong 14 chính sách, cơ chế của chương trình phục hồi kinh tế được ban hành. Một số văn bản, chính sách ban hành chậm do chương trình, chính sách thuộc gói hỗ trợ phục hồi kinh tế rất phức tạp, cần phối hợp giữa các bộ, ngành.

Hiện còn 3 văn bản hướng dẫn đang được các đơn vị làm gồm văn bản hướng dẫn trình tự thủ tục chỉ định thầu đối với gói thầu được cơ chế đặc thù trong các dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam và hai thông tư hướng dẫn sử dụng quỹ khoa học công nghệ và viễn thông công ích (2 quỹ này khoảng 10.000 tỷ đồng).

Bởi vì trước đây một số chính sách được ban hành làm chưa tốt, còn vướng mắc, nên, trong quá trình xây dựng chương trình lần này Chính phủ rất thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện vì số tiền rất lớn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

Thêm nữa, ông cho rằng, nhiệm vụ này là mới, không có trong kế hoạch dài hạn, thường xuyên, do đó "cũng nảy sinh nhiều công việc mà các bộ, ngành chưa chủ động".

Chương trình phục hồi kinh tế có nguy cơ mất đi ý nghĩa 'phao cứu sinh' 3
Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Về các khoản chi của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, phải phân tích, bóc tách thì mới có thể kết luận "chậm hay không".

Theo đó, khoảng 2 tỷ USD (tương đương 46.000 tỷ đồng) được lấy từ Quỹ tài chính hợp pháp để mua vaccine, trang thiết bị y tế. Dịch bệnh hiện đã được kiểm soát thì khoản tiền này sẽ được dùng tùy theo tình hình sắp tới, nếu cần có thể chi ngay.

Còn lại khoảng 301.000 tỷ đồng, được chia thành hai khoản chi chính 125.000 tỷ đồng (gồm khoản chi cho miễn, giảm thuế, hỗ trợ người lao động thuê nhà, hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại) và 134.000 tỷ đồng cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong đó, đối với gói 64.000 tỷ đồng miễn, giảm thuế, ông Khái cho biết Chính phủ đã ban hành chính sách miễn, giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% từ tháng 2/2022. Gói chính sách này đã được triển khai rất nhanh.

Đối với gói tín dụng thông qua ngân hàng chính sách 38.400 tỷ đồng được thực hiện trong hai năm 2022 – 2023 với 5 chương trình, đến nay cơ bản các cơ chế, chính sách đã được xây dựng xong. Hiện đã giải ngân được 4.586 tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng của năm 2022, tiến độ giải ngân đã được 1/3. Có thể đánh giá, cùng với xây dựng chính sách thì ngân hàng chính sách và các bộ, ngành cũng làm rất nhanh và việc giải ngân rất phù hợp, kịp thời.

Về 6.000 tỷ đồng thông qua gia hạn thuế, tiền thuê đất, Chính phủ đã xây dựng xong 2 nghị định vào tháng 5 về giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô và giảm một số chính sách thuế. Xem như 6.000 tỷ đồng này từ nay đến cuối năm cũng sẽ thực hiện xong.

Còn gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người lao động thuê nhà, hiện đã giải ngân được gần 2 tỷ đồng và cũng đã ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn và giao vốn cho các địa phương cũng chưa rõ nên triển khai còn chậm.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để thống nhất số liệu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, Phó thủ tướng cho biết.

Mặt khác, gói 176.000 tỷ đồng đầu tư công gồm hai khoản là hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách.

Trong đó, về khoản hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại 40.000 tỷ đồng, ông Khái nói chậm vì làm chặt chẽ hơn, rút kinh nghiệm từ triển khai gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng hồi năm 2008 - 2009. Việc này để khi thực hiện chính sách này thông suốt và thuận lợi.

Đề cập tới khoản chi dành cho đầu tư hạ tầng (134.000 tỷ) bị chậm khiến nhiều đại biểu lo lắng, ông Khái thừa nhận, chậm vì phải theo Luật Đầu tư công, bởi thông thường dự án đầu tư công từ thời điểm bắt đầu chủ trương tới khi đưa vào kế hoạch thường mất khoảng 1,5 năm.

“Nhìn chung đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22.000 tỷ đồng. Đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá.