Chuyển đổi số hay chuyển đổi số phận

Trần Bằng Việt - 12:34, 11/10/2021

TheLEADERCông nghệ bây giờ quý hơn tiền vì nó thể in được tiền, rất nhiều tiền!

Mới 4 - 5 năm trước Techcombank chưa phải là một thế lực quá lớn trong mảng ngân hàng bán lẻ. Thế nhưng, chỉ bằng một cái app, họ đã bỏ qua tất cả các ngân hàng khác để ngồi một mình một mâm, hưởng trọn những gì ngon lành thơm tho nhất của thị trường. 

Bằng một cái app tốt, dễ dùng và đúng lúc, họ gắn chặt khách hàng cá nhân vào hệ sinh thái của ngân hàng. Khách hàng rất dễ dàng để quản lý tài sản cá nhân và chuyển dịch chúng qua lại một cách tự do và miễn phí: ví điện tử, thanh toán cá nhân, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu… 

Điều thú vị là hệ sinh thái này lại giúp Techcombank trở nên mạnh hơn nữa trong mảng chiến lược chính của mình là khách hàng doanh nghiệp nhờ làm chủ kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Công nghệ đã là vũ khí hạt nhân trong chiến lược của Techcombank. Lạ lùng là vũ khí chiến lược này lại chẳng đắt mấy tiền!

Hai năm gần đây, ta thấy được sự trỗi dậy của một đơn vị tưởng chừng như rất bảo thủ là MB. Ứng dụng của MB về cơ bản chỉ khá tròn vai chứ không quá vượt trội. Thế nhưng nó lại sở hữu một số tính năng “giết người”: chuyển tiền cho số điện thoại. Ai cũng có số điện thoại. Cũng như số tài khoản thì số điện thoại là duy nhất. Nhưng số điện thoại lại là công khai. Thành ra chỉ cần biết ai đấy có tài khoản tại MB là ta có thể an tâm chuyển tiền đến số điện thoại của họ mà không cần phải lo nghĩ gì. 

Thanh toán, cho mượn, biếu tặng, hỷ hiếu hay thậm chí hối lộ. Tất cả đều rất nhẹ nhàng và an toàn! Và nhờ những tính năng này cùng một vài chương trình đồng bộ kèm theo, MB phăng phăng bỏ qua hàng loạt tên tuổi lớn để lao về phía trước.

Vài tháng trước, Vietinbank cũng gia nhập cuộc chơi app ngân hàng cá nhân này với một sản phẩm khá hứa hẹn. Do thời gian còn khá ngắn, cùng các hoạt động bổ trợ chưa thực sự đồng bộ nên hiệu quả còn khiêm tốn. Tuy vậy, họ cũng khá tiềm năng trong sân chơi này! Hãy quan sát thêm trong tương lai. Mấu chốt là họ phải coi đây là một cuộc chiến bắt buộc phải thắng (a MUST) chứ không chỉ là một lựa chọn có thì tốt, không có cũng chẳng sao (an OPTION).

Vậy nhưng còn những ngân hàng khác không được như vậy, dường như đã chậm chân. 

ACB là ngân hàng ưa thích nhất của tôi suốt 20 năm vừa qua và đến giờ cũng vẫn vậy. Nhưng trong mảng online và ứng dụng ngân hàng cá nhân thì suốt năm mười năm vừa rồi hình như họ chẳng làm gì cả. Giao diện và các tính năng cứ như từ một đề án tốt nghiệp của sinh viên từ thời 20 - 25 năm về trước. Ứng dụng thì chắc là mới để cho có chứ chưa được đủ mức độ quan tâm. Tôi có cảm giác mảng công nghệ thông tin của ACB trong thời gian gần đây không nhận được đủ sự quan tâm hay không kết nối với chiến lược của lãnh đạo ACB.

Còn nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác, trong đó có cả những ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước được xem như người khổng lồ thì dường như đã khá an phận trong sân chơi nhỏ của riêng mình nên thôi tạm không để bàn tới nữa.

Thực ra các ngân hàng đều bỏ quên mất một mảng mà họ là những người có lợi thế lớn nhất để làm chủ nhưng lại đã không nhạy bén đầu tư. Và do vậy, đã tạo cơ hội cho những khởi nghiệp như Momo và VNPay dựng cờ khởi nghĩa và trở thành kỳ lân tỷ đô. Nên nhớ là về đánh giá, hai doanh nghiệp khởi nghiệp mới này đang được định giá cao hơn nhiều ngân hàng. Tất cả những gì họ có thì cũng chỉ là một ứng dụng trong thói quen tiêu dùng của khách hàng. Không hội sở, không chi nhánh, chẳng phòng giao dịch và thậm chí cũng chẳng có mấy tiền hay con người!

Thế nhưng, hiệu quả và thậm chí là siêu hiệu quả!

Chuyển đổi số hay Chuyển đổi số phận
Chuyên gia tư vấn cao cấp Trần Bằng Việt.

Chuyển đổi số là vũ khí chiến lược trong thời đại này

Câu chuyện của Techcombank và MB trong ngành ngân hàng hay Momo và VNPay trong thanh toán điện tử không phải là ngoại lệ. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm được những ví dụ tương tự trong mọi ngành khác.

Trong ngành hàng không, hãng hàng không mà tôi ghét phải đi nhất đã cực kỳ hiệu quả khi sử dụng công nghệ để tiết giảm thời gian và chi phí của nhiều khâu, nhờ vậy phục vụ khách hàng với chi phí rẻ hơn và công suất cao hơn. Và nhờ thế nên đã chiếm được thị phần đa số và có được lợi nhuận kếch xù. Công nghệ mà họ sử dụng không hề mới, không hề xịn, nhưng hiệu quả và dễ dùng. Tôi không thích dùng dịch vụ của họ nhưng rất thán phục cách họ làm.

Trong bán lẻ, Tiki (trên sàn) và Thế Giới Di Động (dưới sàn) đã hạ gục hầu hết các đối thủ khác, ít nhất là về hiệu quả, nhờ việc ứng dụng công nghệ vào kinh doanh và điều hành. Tiki và Thế Giới Di Động cũng vì thế mà trở thành doanh nghiệp tỷ đô dù trước đây 10 năm thì họ chưa hề là một tay chơi quá lớn. Trong thành công của họ, không thể thiếu dấu ấn của công nghệ. Và bất ngờ nhất là trong số những kẻ thua cuộc nổi tiếng, có Sendo (trên sàn) và FPT Retail (dưới sàn) lại đều là con của tập đoàn nổi tiếng nhất trong ngành công nghệ Việt Nam. 

Việc gì đã xảy ra tại doanh nghiệp vốn đi kiếm tiền bằng cách tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ chuyển đổi số này? Tôi không hiểu, chỉ có thể lý giải rằng có thể lãnh đạo đã không có đủ sự quan tâm đến những mảng nội bộ. Vì tôi có biết và rất được thuyết phục về trí tuệ và tầm nhìn của các anh chị lãnh đạo nơi đây.

Trong sự nghiệp sống chung với đại dịch Covid của chúng ta có ba mấu chốt bản lề mà nếu nắm được chúng thì cuộc chiến đã rất khác và rất ngắn rồi. Vaccine là mấu chốt đầu tiên, mấu chốt thứ hai là công nghệ. 

Tôi hoàn toàn đồng ý với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rằng nếu biết cách và quyết liệt ứng dụng công nghệ vào chống dịch thì chúng ta đã không phải chịu thiệt hại lớn đến như vậy, người dân không hoang mang mất niềm tin, và những người điều hành các cấp không phải loay hoay đến thế do thiếu số liệu chính xác hoặc do sự thiếu đồng bộ. 

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, công nghệ đã ghi điểm son vào thành tích chống dịch “không lọt lưới”. Nhưng trong giai đoạn vừa rồi, ứng dụng đã liên tục đá phản lưới nhà, đốn giò hậu vệ đội mình, thậm chí còn chuyền bóng như đặt để cho tiền đạo đối phương.

Zalo đã trở thành kẻ thắng cuộc vĩ đại thứ nhì trong đợt đại dịch này. Trong và sau đại dịch, từ trẻ em cấp 1 đến cụ già 80 đều sử dụng Zalo mỗi ngày. Vì sự đơn giản dễ dùng, sự phổ biến, và sự kịp thời của Zalo khi liên tục đưa ra những tính năng thời sự hữu ích.

Trong những con phố của Sài Gòn, nơi mà xung quanh bị chăng dây, chặn đường kín mít, người ta vẫn có thể đặt hàng từ thế giới bên ngoài thông qua Zalo. Một tính năng của Zalo đã được khai thác rất hiệu quả là tính năng “Tìm quanh đây” để bán hàng cho nhau hay hỏi mượn thực phẩm thiết yếu từ nhau. Một phần nhờ vậy mà người dân sâu bên trong những con hẻm hun hút của Sài Gòn còn trụ được đến sau 4 tháng.

Chuyển đổi số là vũ khí chiến lược trong thời đại này. Thú vị là vũ khí này không nhất thiết phải là của mình. Mượn cũng được, miễn là biết cách dùng!

Trước trong và sau dịch, Le&Associates (công ty dịch vụ nhân sự hàng đầu Việt Nam với hơn 10 ngàn nhân sự) đã thấy được sự khó khăn trong tuyển dụng nhân sự. Vì bản chất của công việc là cung ứng và quản lý lao động cho các doanh nghiệp FDI, không tháng nào không tuyển trên hai ngàn người, mà hiệu quả lại phụ thuộc vào mức độ phù hợp và gắn bó của lao động ấy với công việc nên họ đã buộc phải tìm cách ứng dụng công nghệ vào để bớt trả giá. 

Không sở hữu năng lực phát triển công nghệ, họ tự xác định mình chỉ là đơn vị nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào quản trị nguồn nhân lực để cải thiện năng suất và hiệu quả mà thôi. Họ tích cực chủ động đi tìm mua, mượn và tuỳ biến các tính năng của một nền tảng có sẵn theo các bí quyết mà họ có được trong quá trình phục vụ khách hàng trước đây. Điều này đã giúp hiệu quả của họ tăng lên gấp nhiều lần. Trong hai năm dịch mà doanh thu và lợi nhuận đều tăng đáng kể. Không những vậy, họ còn có thể chia sẻ và cung cấp công nghệ nhân sự này cho khách hàng của mình.

Cũng đừng nghĩ rằng phải là doanh nghiệp lớn mới khai thác được yếu tố công nghệ này. Hãy quan sát xem các cô gái kem trộn livestream và các đại tỷ thổi nến có được bao nhiêu doanh thu mỗi tháng. Các bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng doanh thu của họ có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng trong khi bộ máy chỉ có 4 - 5 người. Hiệu quả gấp cả trăm lần một số doanh nghiệp bán hàng truyền thống khác.

Với số lượng khổng lồ những người dùng sau bốn tháng đại dịch đã rất khác trong các hành vi số, doanh nghiệp nào chưa làm chủ được khâu này thì sẽ hết sức bất lợi.

Chuyển đổi số là con dao nhiều lưỡi

Viết đến đây tự dưng giật mình. Ai cũng thấy chúng hiệu quả rồi lại đổ tiền vào chuyển đổi số thì chết. Vì cũng sẽ không khác gì đốt tiền cả. Không những vậy, nó còn làm cho doanh nghiệp chết nhanh hơn.

Chắc mọi người còn nhớ Liên Xô chứ? Liên Xô có cả trăm ngàn thứ tuyệt vời (dĩ nhiên cũng không ít thứ chưa ổn). Nhưng một trong những nguyên nhân trực tiếp đóng góp vào sự sụp đổ là việc đốt quá nhiều tiền vào cuộc chiến làm chủ không gian mà người Mỹ thời ấy khơi mào để giăng bẫy chờ họ (cuộc chiến giữa các vì sao).

Câu chuyện công nghệ trong đợt dịch vừa rồi cũng là một thất bại to lớn. Dù không phải là ứng dụng nào cũng tệ (tôi có sử dụng và khá ưng ý với một vài trang web và ứng dụng) nhưng việc thiếu tầm nhìn tổng thể, sự cát cứ về thông tin và sự thiếu quyết liệt trong triển khai đã làm tan nát tất cả.

Trong doanh nghiệp cũng như vậy. Có trăm thành công thì cũng có ngàn thất bại. A đây rồi, vật giá, web trẻ thơ... chỉ là vài cái tên nổi tiếng mà mọi người có thể nhớ đến vì nó thất bại khi đã đủ lớn. Còn những trường hợp thất bại khi còn nho nhỏ mà chỉ một nhóm khách hàng hay một ngành nào đó biết thì là vô số. Từ những dự án ERP hay core banking khổng lồ tiêu tốn tiền bạc đến những ứng dụng công nghệ mà sau đấy nội bộ rối tung rối mù mất phương hướng và quay sang chĩa mũi dùi vào nhau.

Công nghệ dùng đúng thì cất cánh bay nhưng dùng không đúng thì đốt tiền vô đối. Không chỉ là mất tiền mà còn vuột mất cơ hội vàng của thị trường. Và quan trọng hơn nữa là mất người, mất sự đoàn kết trong đội ngũ và mất niềm tin nội bộ vào việc sáng tạo đổi mới và thay đổi hướng đến tương lai. Một doanh nghiệp mà mọi người đều cho rằng làm theo cách của 20 năm trước là tốt hơn thì doanh nghiệp ấy đã là của quá khứ.

Làm sao để đầu tư và khai thác thật hiệu quả

Với những cọ xát của mình trong quá trình 23 năm hoạt động (8 năm làm công nghệ và còn lại là làm điều hành doanh nghiệp và tư vấn quản trị) tôi thấy được những nguyên tắc có thể giúp các doanh nghiệp giảm bớt thất bại và tăng thêm mức độ thành công trong chuyển đổi số như sau:

Bắt đầu từ mục tiêu chiến lược

Mọi đầu tư và nỗ lực trong phải được bắt đầu từ, và chỉ nên bắt đầu từ mục tiêu của doanh nghiệp. Đừng bao giờ mua sắm, trang bị hay đầu tư chỉ vì thấy nó hay hay, theo phong trào, theo thầy dùi từ nội bộ hay từ nhà cung cấp. Mục tiêu, đến lượt nó phải bắt đầu từ hiệu quả sản xuất kinh doanh (tăng doanh thu, thêm khách hàng, sâu kết nối, ngắn công nợ, ít lãng phí, không than phiền...). Với mục tiêu đó, cách làm nào, quy trình nào, tư duy nào hữu ích cho việc thực hiện mục tiêu thì ta nên nắm lấy.

Công nghệ nào, hoặc những công nghệ nào bổ trợ cho những thay đổi quản trị ấy thì ta mượn về (ưu tiên một), mua về (ưu tiên hai) hay tự phát triển (chẳng đặng đừng).

Tư duy cần đi trước công nghệ, chứ không phải là ngược lại!

Gần với đối tượng người dùng chính

Nhiều ứng dụng được xây dựng ra mà chỉ quan tâm đến chính mình (đội phát triển triển khai của nội bộ hay của nhà cung cấp) hoặc để một nhóm đối tượng rất nhỏ tự sướng mà lại không đủ quan tâm đến nhóm đối tượng người dùng chính vốn dùng mỗi ngày và trong các hoạt động "tạo ra giá trị" của họ. 

Hàng trăm những dự buổi họp đánh giá hệ thống ERP chỉ toàn các lãnh đạo và quản lý cấp cao vốn chỉ quan tâm đến những dashboard sắc màu mà quên mất độ chính xác của số liệu và hiệu quả của dự án lại đến từ người công nhân tay đầy dầu nhớt hay người mua hàng bình thường không đủ thông minh hoặc không đủ thời gian để tìm hiểu được cái hay của tư duy trác tuyệt của những người phát triển ứng dụng ấy. 

Jaxtina một doanh nghiệp giáo dục trong thời gian giữa hai lần đại dịch đã đầu tư xây dựng một ứng dụng học tiếng Anh trên điện thoại thông minh và viết một quyển sách khá công phu để dùng kèm. Họ quảng bá để bán sách, dùng sách để thuyết phục khách hàng cài ứng dụng và sử dụng các bài học trên app ấy. Để bán được các dịch vụ thuê bao tháng và kết nối với các khoá học và kỳ thi tại trung tâm ngoại ngữ. Tôi đã bất ngờ khi họ tối ưu hoá hệ thống nội bộ đến mức 10 phút sau khi giao quyển sách cho tôi thì họ đã gọi để hướng dẫn cài ứng dụng và hướng dẫn sử dụng ban đầu. Không chỉ vậy, họ còn xây dựng nguyên một hệ sinh thái trên các mạng xã hội thông dụng để tiếp cận thật gần với khách hàng.

Càng gần người dùng cuối, xác xuất thành công càng cao.

Đơn giản nhất có thể

Trong hầu hết trường hợp, khi có nhiều lựa chọn, hãy chọn thứ đơn giản hơn, rẻ hơn hay có sẵn. Chuyển đổi số không phải là mục tiêu, chuyển đổi số là một nỗ lực dài hạn với nhiều chặng khác nhau. Hãy dùng ngay những gì có thể để từng bước "chuyển đổi" khách hàng, đội ngũ và tích luỹ số liệu lịch sử cho những giai đoạn mấu chốt hơn về sau.

Dĩ nhiên, khi lựa chọn như vậy, rất có thể bạn sẽ xao nhãng hoặc bị cuốn theo các nhà cung cấp dẫn đến việc đẽo cày giữa đường hoặc cột xà không nối được với nhau. Do vậy, sẽ cần một tầm nhìn tổng thể đi trước. Thống nhất trong tầm nhìn, linh hoạt trong đầu tư

Đừng nghĩ rằng việc này CIO có thể một mình mà làm được. Những người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp nên ưu tiên để trực tiếp tham gia.

Việc quan trọng đến tương lai sinh tồn của doanh nghiệp mà còn không quan trọng thì việc gì quan trọng?

Đừng quên hai chữ "chuyển đổi"

Ta thường tập trung đến chữ "Số" mà hay quên mất hai chữ "Chuyển đổi" trong khi hai chữ này quan trọng hơn rất nhiều.

Trong mỗi doanh nghiệp, sẽ luôn có một tam giác quản trị quan trọng buộc phải cân bằng. Theo đó, mức độ hiệu quả của doanh nghiệp phụ thuộc vào 3 yếu tố: (i) tư duy lãnh đạo, (ii) chất lượng công cụ & công nghệ và (3) khả năng khai thác của đội ngũ.

Hiệu quả này sẽ được quyết định bởi đỉnh yếu nhất trong 3 đỉnh ấy. Có công nghệ tốt và đội ngũ chất lượng thành thạo, mà tư duy lãnh đạo cổ lỗ thì cũng chẳng đi đến đâu. Có tư duy lãnh đạo tốt và công nghệ vượt trội, mà đội ngũ không biết dùng hay không chịu dùng rồi thì cũng phí tiền. Và có tư duy lãnh đạo, có đội ngũ tuyệt vời mà không có công nghệ phù hợp thì sẽ hạn chế thành công.

Chuyển đổi là một quá trình để làm cho các đỉnh này cao thêm cho bằng nhau. Dĩ nhiên là theo hướng tốt hơn.

Với kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng tư duy của lãnh đạo nói riêng và của hệ thống quản trị nói chung cần đi trước một bước trong chuyển đổi. Công nghệ và con người đồng bộ đi sau như đôi bạn cùng tiến. Có lúc công nghệ bước trước một tí để kéo con người theo. Có lúc con người đi trước một chút và thay đổi hay thay thế công nghệ để cho phù hợp. Quá trình này liên tục lặp đi lặp lại tạo nên vẻ đẹp của chuyển đổi số.

Khi ta chuyển đổi số tốt, ta sẽ thêm tự tin trong việc làm chủ số phận của mình!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Trần Bằng Việt, Chuyên gia tư vấn cao cấp & Tổng giám đốc Đông A Solutions