Chuyên gia hiến kế mượn đất quốc phòng giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất

Trâm Anh - 17:28, 07/11/2017

TheLEADERĐể hạn chế lưu lượng giao thông qua đường Trường Sơn, giảm ùn tắc cho khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP. HCM đề xuất mượn đường qua doanh trại quân khu 7.

Chuyên gia hiến kế mượn đất quốc phòng giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất
Cửa ngõ sân Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị kẹt xe. Ảnh: Trâm Anh

Xây dựng hệ thống giải pháp công trình, hạn chế lượng người đưa đón, điều tiết giao thông ở khu vực tuyến đường xung quanh sân bay, giới hạn phương tiện cơ giới lưu thông qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất giờ cao điểm…

Ách tắc do phá vỡ quy hoạch

Ngày 7/11, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo Giải pháp giải tỏa ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất - chủ đề nóng đang được dư luận quan tâm. 

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra một số nguyên nhân ùn ứ giao thông hiện nay nói chung ở TP. HCM, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng.

Theo ông Nguyên, nguyên nhân chính khiến tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất còn diễn biến phức tạp và điều nan giải đó là tình trạng vỡ quy hoạch, không dự báo được sự tăng số lượng hành khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, cửa ra vào sân bay rất hạn chế, chỉ một lối ra duy nhất trên đường Đường Sơn.

Đáng chú ý, ông Nguyên cho rằng, đường Trường Sơn là tuyến đường độc đạo dẫn vào Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, có đến 70% xe hai bánh và 62% xe bốn bánh lưu thông qua đường này không ra vào sân bay mà chỉ "mượn đường" để di chuyển tới các nơi khác.

“Xây dựng cầu vượt sân bay Tân Sơn Nhất với mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, nhưng thực tế chưa phát huy hết tác dụng vì chưa đúng thời điểm. Xây dựng cầu vượt là cần thiết, tuy nhiên, việc xây dựng cầu vượt hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất là chưa cần thiết lúc này”, ông Nguyên nói.

Các chuyên gia hiến kế giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất tại hội thảo. Ảnh Trâm Anh

Bên cạnh đó, ông Nguyên cũng đề xuất thu phí tạm thời đối với những phương tiện “mượn đường” Trường Sơn để di chuyển trong thời gian chờ đợi thực hiện các dự án giảm tải ùn tắc tại sân bay. Cụ thể, thu phí tất cả các phương tiện xe hơi ở hai đầu đường Trường Sơn. Tuy nhiên, các phương tiện vào sân bay sẽ được hoàn phí khi đi ra đường Trường Sơn hướng về công viên Hoàng Văn Thụ, những phương tiện mượn đường sẽ chịu thu phí khi đi “đường tắt”.

Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia về hàng không, cho rằng nguyên nhân khiến Tân Sơn Nhất đến nay vẫn ùn tắc là do rất nhiều quy hoạch giao thông cho sân bay này đã được quy hoạch, đã được thống nhất nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện hoặc chưa đủ kinh phí thực hiện.

"Nếu làm được nhà ga T3 đã có thể kéo giảm đáng kể tình trạng ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian thực hiện cũng chỉ khoảng 18 tháng. Vì thế, thay vì tìm rất nhiều các phương án khác, cần thực hiện ngay các quy hoạch đã có", ông Nam nói.

Đề xuất mượn đường hoặc đổi đất

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, bày tỏ sự e ngại khả năng sân bay Long Thành không kịp đưa vào khai thác năm 2025. Do đó, việc giải quyết ùn tắc giao thông, nâng khả năng phục vụ của sân bay Tân Sơn Nhất là rất cấp thiết.

Ông Cương cho rằng, giao thông là “bộ xương” đô thị nên đất dành cho giao thông phải được ưu tiên hàng đầu. Song các giải pháp mở rộng đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất phải giải tỏa nhà dân, chi phí rất cao, trong khi nguồn lực tài chính còn hạn chế.

Do đó, ông Cương đề xuất mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay. Việc mở đường song hành với đường Cộng Hòa là rất cấp thiết, không chỉ giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay mà còn giúp đảm bảo nhu cầu giao thông đối ngoại giữa thành phố với khu vực Tây Bắc và nối qua Campuchia.

Để hạn chế lưu lượng giao thông qua đường Trường Sơn, TS. Cương đề xuất mượn đường qua doanh trại quân khu 7. Con đường này nối tuyến Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại rồi ra đường Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng.