Chuyên gia nói gì về việc đưa kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp ra 'ánh sáng'?

An Chi - 10:32, 18/01/2018

TheLEADERNhiều chuyên gia kinh tế uy tín nhìn nhận, việc tính cả khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế để từ đó tăng số lượng nợ công là không khoa học, có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối của nền kinh tế.

Trước đó, để kịp thời triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu một số bộ, ngành khẩn trương xây dựng và báo cáo một số đề án liên quan.

Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Đề án quản lý thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân theo chỉ đạo tại văn bản số 6372/VPCP-KTTH ngày 20/6/2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.

Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự tiêu theo chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.

Được biết, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu, hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Chuyên gia nói gì về việc đưa kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp ra 'ánh sáng'?
TS. Nguyễn Đức Thành.

Bày tỏ sự lo ngại đối với vấn đề nêu trên, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, việc tính thêm quy mô của nền kinh tế, GDP từ những thành phần kinh tế không quan sát được chủ yếu nhằm mục đích khiến GDP "to ra". 

Trên cơ sở đó, nếu vẫn giữ tỷ lệ nợ công 65%, thì sẽ có thể tăng về số lượng nợ công.

Nguyên nhân của đề xuất thống kê thêm khu vực kinh tế ngầm vào GDP, theo TS. Thành, đây là một nỗi ám ảnh của nền kinh tế về GDP và nợ công, đây thực chất là muốn tăng nguồn lực vay nợ để phát triển.

Tuy nhiên, việc này là không đơn giản và phải có sự thảo luận trên cơ sở khoa học rất rõ ràng. Bởi tính nợ công trên GDP có nguyên tắc, GDP được tính dựa trên những hoạt động kinh tế mà Nhà nước có thể quan sát được, thu thuế và quản lý được. Trên cơ sở thu thuế được mới có thể tính toán khoản nợ tương ứng để có nguồn lực trả nợ.

Như vậy, nếu tính cả những hoạt động kinh tế không quan sát được, không thu thuế được để từ đó tăng nợ công là không khoa học, có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối rất lớn của nền kinh tế cũng như khả năng trả nợ.

Ông Thành cho rằng, khu vực kinh tế ngầm, dù có tính toán được cũng khó lòng thu được, việc đưa ra "ánh sáng" của khu vực kinh tế này là không có gì thay đổi. Trong khi đó, nền kinh tế "thực" sẽ phải gánh tác động lớn hơn rất nhiều lần từ việc tăng nợ công.

Đây cũng là nghi ngại lớn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế.

Bà Lan cho rằng, nếu thống kê cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP sẽ khiến mẫu số trong cách tính nợ công/GDP tăng, tử số - ở đây là nợ công có thể được mở rộng thêm. Điều này có thể gây tác động ngược đến nền kinh tế. 

Chuyên gia nói gì về việc đưa kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp ra 'ánh sáng'? 1
Chuyên gia Phạm Chi Lan.

Bên cạnh đó, tình trạng kinh tế ngầm diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới với tỷ trọng từ 16 – 25% GDP của các quốc gia. Tuy nhiên, việc tính toán, thống kê khu vực kinh tế ngầm để có cái nhìn toàn cảnh là cần thiết nhưng không dễ dàng. 

Ngay cả ở những nước có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao, thể chế khá hoàn thiện cũng rất khó khăn trong việc kiểm soát và thu thuế tại khu vực kinh tế này.

Chính vì vậy, theo bà Lan, giải pháp tốt nhất hiện nay là Chính phủ cần kiểm soát tốt hệ thống kinh tế chính thức mà cụ thể là doanh nghiệp nhà nước. Hiện nhà nước nắm trong tay nhưng vẫn chưa thực sự kiểm soát được khối tài sản khổng lồ này.

Chỉ cần kiềm soát tốt những khu vực kinh tế chính thức là Việt Nam đã tăng được hiệu quả kinh tế rất nhiều rồi chứ không phải lôi khu vực kinh tế ngầm vào là có thể thay đổi bộ mặt kinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.