Khởi nghiệp
Chuyên gia quỹ VSV: Startup cần đặt mục tiêu số 1 thị trường
Ông Phạm Ngọc Huy, giám đốc chương trình Accelerator, Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV) cho rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn là một khái niệm tương đối mới so với các quốc gia khác nên cơ hội rất lớn với nhiều vấn đề đang chờ được xử lý.
Từ góc nhìn của VSV, đâu là điểm mạnh của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) Việt Nam, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Huy: Thứ nhất, startup Việt Nam là những người rất trẻ, nhiệt huyết và sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để đi theo con đường mình mong muốn.
Thứ hai, hiện nay startup đang rất được quan tâm, không chỉ trong cộng đồng mà thậm chí từ các cấp Chính phủ, các doanh nghiệp lớn bởi họ nhận thức được rằng startup sẽ là động cơ tăng trưởng cho nền kinh tế của quốc gia, cũng là động cơ đổi mới sáng tạo cho chính những doanh nghiệp lớn. Startup đang có rất nhiều cơ hội và rất nhiều nguồn lực hỗ trợ.
Thứ ba, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn là một khái niệm tương đối mới so với các quốc gia khác. Chính vì thế, chúng ta chưa thấy quá nhiều startup lớn ở Việt Nam nên những startup mới thành lập sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường của mình. Họ đang có một thị trường rất lớn, rộng mở và còn nhiều vấn đề đang đợi xử lý.
Thứ tư, kỹ năng của dân công nghệ Việt Nam tương đối tốt so với thế giới. Chúng ta cũng là một trung tâm gia công của thế giới nên việc thu hút nhân sự công nghệ cũng tương đối dễ dàng.
Vậy đâu là những điểm bất lợi?
Ông Phạm Ngọc Huy: Theo tôi có ba vấn đề các startup trẻ cần lưu tâm. Thứ nhất, những người trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng công ty, xây dựng sản phẩm, không kịp tích lũy đủ tài chính mà phải “tay không bắt giặc”.
Thứ hai, mặc dù trình độ ngoại ngữ đã tốt hơn ngày xưa rất nhiều song vẫn còn là rào cản tương đối lớn. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và startup ra đời sẽ không thể nào đứng lưng chừng, thay vì đó phải đặt mục tiêu đứng số 1 hoặc số 2 trên thị trường. Chính vì thế, để đạt được mục tiêu, họ sẽ phải làm việc với rất nhiều đối tác, tính chất toàn cầu càng phải được tận dụng tối đa. Ngoại ngữ sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho việc có thêm nhiều đối tác nước ngoài, cũng như gọi các nguồn quỹ nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam hiện chưa xuất hiện nhiều startup có công nghệ sâu (deep tech). Đa phần vẫn là những startup về thương mại điện tử hoặc cung cấp các dịch vụ mà những mô hình này lại là những mô hình không có tính rào cản cao, dễ bị sao chép.
Ông có nghĩ nhà sáng lập của startup là du học sinh thì sẽ có lợi thế hơn?
Ông Phạm Ngọc Huy: Kinh nghiệm khi đi đầu tư của VSV cho thấy, đa phần nếu không phải CEO thì cũng phải là một trong những thành viên chủ chốt từng là du học sinh hoặc có khả năng ngoại ngữ xuất sắc. Hơn nữa, lợi thế của du học sinh là có được tư duy của những người đã từng đi nước ngoài với một tầm nhìn rộng hơn rất nhiều.
Đâu phải những người trong nước sẽ không có cơ hội?
Ông Phạm Ngọc Huy: Đúng, nhưng họ yếu thế hơn. Cơ hội có sẵn thì như nhau, nhưng để nắm bắt được cơ hội ngang nhau thì phải nỗ lực hơn. Với các nhà sáng lập của startup, nếu không đi du học thì cũng là những người rất giỏi từ các trường chuyên ngữ, ngoại thương…
Khẩu vị đầu tư của VSV là gì, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Huy: VSV đầu tư vào startup ở giai đoạn rất sớm, rất chú trọng đến con người bởi đó là yếu tố quan trọng nhất để xác định dự án có thành công hay không. Trước hết, chúng tôi sẽ nhìn vào người sáng lập, liệu có phải là một người đam mê, cháy hết mình với dự án. Tiếp theo, đội ngũ sáng lập viên có cam kết đồng hành với dự án của mình hay không, có dành trọn thời gian làm việc cho dự án hay không.
Yếu tố quan trọng thứ hai sẽ là thị trường. Dự án phải được thực hiện ở một thị trường đủ lớn mới có tiềm năng phát triển doanh nghiệp. Nếu họ phát triển một sản phẩm tốt nhưng thị trường quá bé thì cho dù có chiếm được 100% thị trường cũng sẽ không phải một doanh nghiệp có thể tạo ra một nguồn doanh thu khổng lồ. Thứ ba là sản phẩm phải đủ tốt, phải có sự sáng tạo và khác biệt.
Ba yếu tố này được thể hiện như thế nào trong quyết định đầu tư vào startup Okiva có định giá 1 triệu USD mới được công bố gần đây?
Ông Phạm Ngọc Huy: Trong trường hợp của Okiva thì rất thú vị ở chỗ nhà sáng lập Hàng Minh Lợi đã sinh sống ở Australia được mười năm, có cả quốc tịch Úc. Có nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý ở một số công ty lớn của Australia với mức lương rất cao, khoảng 120.000 USD/năm nhưng Lợi đã sẵn sàng từ bỏ điều kiện sống thoải mái đó để về Việt Nam khởi nghiệp. Chưa bàn đến sản phẩm có hay hay không nhưng tôi đánh giá rất cao điều này khi người sáng lập là một nguời rất quyết tâm, sẵn sàng đi cùng dự án đến cuối cùng mà không hề nản chí.
Hàng Minh Lợi cũng có rất nhiều kinh nghiệm tại các công ty lớn ở nước ngoài nên góc nhìn cũng sẽ đa dạng hơn, sẽ có phổ kiến thức rộng hơn, không chỉ gói gọn trong phạm vi vùng miền như ở Việt Nam nữa.
Thứ hai, Okiva đã chọn ra một thị trường rất hợp thời điểm. Hiện đang là thời đại của xu hướng livestreaming (phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội). Okiva kết hợp livestreaming, nhúng vào những nền tảng thương mại điện tử để trao đổi, mua bán hàng hóa. Đó là xu hướng rất lớn, mang tính chủ đạo sau này.
Tôi đánh giá cao tính khả quan và tiềm năng của thị trường Okiva đang tham gia, không chỉ gói gọn ở Việt Nam mà còn được áp dụng cho toàn thế giới. Tất nhiên là có tầm nhìn lớn nhưng các bước đi sẽ nhỏ và chắc chắn, bắt đầu từ thị trường trong nước.
Tuy nhiên, yếu tố thứ ba là sản phẩm thì cũng chưa quá xuất sắc. Khi Okiva tìm đến VSV, sản phẩm vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển. Chính vì thế, chúng tôi cũng không có quá nhiều thông tin cho việc định lượng là sản phẩm của bạn ấy tốt đến đâu. Ý tưởng là một chuyện, nhưng sản phẩm đưa ra là một câu chuyện khác. Tuy nhiên yếu tố con người và thị trường là hai yếu tố rất quan trọng.
Kể từ thời điểm Okiva tìm đến VSV cho đến lúc ký kết hợp tác có mất nhiều thời gian hay không, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Huy: Thực ra, VSV đã đầu tư cho Okiva trước buổi lễ ký kết khoảng nửa năm với định giá 400.000 USD. Đến tháng 11/2019, Okiva đã được một nhà đầu tư rất nổi tiếng của Hàn Quốc đầu tư tiếp với mức định giá 1 triệu USD.
Con người, thị trường và sản phẩm là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến quyết định đầu tư của VSV. Vậy đâu là những yếu tố để hai bên có thể “bắt tay”?
Ông Phạm Ngọc Huy: Ở chiều ngược lại, phải xem startup cần gì từ VSV. Tiền chỉ là một phần, tuy nhiên cái họ cần hơn là sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia VSV. Tiếp đến, họ cần ở VSV các mối quan hệ do với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư vào startup của Việt Nam bảy năm qua, VSV đã xây dựng được một mạng lưới rất lớn và chặt với ban bộ ngành Chính phủ, các công ty, tập đoàn lớn hay các quỹ đầu tư. Đó là những đối tác, khách hàng rất tiềm năng cho startup.
Theo kinh nghiệm của VSV, từ giai đoạn bắt đầu hợp tác đến khi ra mắt sản phẩm, startup có phải chỉnh sửa nhiều hay không?
Ông Phạm Ngọc Huy: Khá nhiều, thường là về mô hình kinh doanh. Thực ra điều kiện tối thiểu để nộp hồ sơ là startup phải có một đội ngũ và sản phẩm đã ra thị trường. Nhưng để tìm ra được một mô hình kinh doanh phù hợp với sản phẩm và thị trường đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật cũng như kiến thức, và phải có rất nhiều phần thử nghiệm. Để trả lời những câu hỏi như “bán sản phẩm cho ai?”, “bán bao nhiêu tiền?”, “bán như thế nào?”, “lãi được bao nhiêu?” đòi hỏi phải có logic và lý do bên trong.
Về cơ bản, đa phần các dự án khi vào VSV thì đội ngũ chuyên môn đều phải cùng làm việc với các startup để thay đổi mô hình kinh doanh.
Gần đây, câu chuyện startup “ngáo giá” được nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng nếu “ngáo giá” thì startup cũng chẳng mất gì vì đó là câu chuyện của tương lai. Anh nghĩ thế nào về điều này?
Ông Phạm Ngọc Huy: Việc startup cứ đưa ra mức định giá quá cao đúng là chẳng mất gì và các nhà đầu tư cũng chẳng mất gì vì hai bên không thống nhất làm việc cùng nhau. Nhưng đứng trên góc độ của nhà đầu tư, tôi nhận thấy việc “ ngáo giá” có một số nguy hiểm.
Thứ nhất, có thể do khá nổi trên truyền thông hoặc không đủ kinh nghiệm, kiến thức nên không biết mình đang ở đâu, dẫn đến thiếu sự cầu thị, không biết lắng nghe và không biết thay đổi.
Thứ hai, vì tự định giá quá cao nên thường không thể thoả hiệp khi đàm phán với các nhà đầu tư, không hợp tác và làm việc được với nhau. Cả hai bên sẽ làm mất cơ hội và thời gian của nhau.
Theo ông, yếu tố nào đóng vai trò quan trọng nhất trong việc định giá startup?
Ông Phạm Ngọc Huy: Việc định giá trong lần đầu tiên thường dựa trên quan sát và kiến thức là những tham số mang tính chất suy luận từ kinh nghiệm và kiến thức của chính các nhà đầu tư. Còn đợt đầu tư thứ hai vào Okiva được định giá cao vì đã làm được một số thứ, đã thể hiện được rằng những giả định trước đó đúng, nỗ lực của startup có thành công, đem lại kết quả tích cực.
Một trong những thứ quan trọng nhất cho phần định giá là họ đã làm được gì, chứ không phải họ sẽ làm được gì trong tương lai.
Nếu nói sản phẩm mới, khác biệt vậy những doanh nghiệp “bắt chước” các dự án đã thành công ở nước ngoài có được gọi là startup?
Ông Phạm Ngọc Huy: Mới là mới ở thị trường Việt Nam. Ở đây mình không nói về phát minh, phát minh là thứ chưa xuất hiện bao giờ còn tính mới ở đây là xét trên yếu tố thị trường, chưa có hoặc có ít đối thủ cạnh tranh trên thị trường đó.
Một ví dụ dễ hình dung như việc bán hàng, nếu bán quần áo thì cả con phố sẽ có hàng trăm cửa hàng bán quần áo; kể cả sản phẩm có đặc sắc đến mấy thì cũng chỉ là bán tốt hơn những người khác chứ không thể thống trị toàn bộ thị trường. Nhưng nếu cả khu phố bán quần áo mà một cửa hàng có sản phẩm khác biệt thì đó là mới vì đó là nơi duy nhất khách hàng tìm đến để mua.
Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng startup trong thời gian tới?
Ông Phạm Ngọc Huy: Xu hướng startup trong thời gian tới sẽ rất tích cực. Trao đổi với rất nhiều đối tác, đa phần đều nhìn nhận rằng Việt Nam đang ở thời kì “vàng” cho startup cũng như cho các nhà đầu tư khi Việt Nam ngày càng có nhiều startup chất lượng hơn, có những chỉnh sửa về luật tiến bộ hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho startup phát triển cũng như cho quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, càng ngày các bạn trẻ càng trưởng thành hơn trong kỹ năng, tư duy xây dựng doanh nghiệp. Chúng ta đang được chứng kiến một bức tranh rất tích cực.
Xin cảm ơn ông!
Cựu chuyên gia Samsung: Việt Nam cần thêm nhiều Vingroup, FPT...
Nhiều cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam
Các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mang lại dịch vụ tiện lợi trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng có nhiều cơ hội phát triển khởi nghiệp.
Bước tiến dài của khởi nghiệp Việt Nam 2019
Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn startup Việt Nam thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á.
Hai nút thắt trong khởi nghiệp
Vốn và con người được xem là những nguồn lực quan trọng nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng việc tiếp cận và phát huy hai yếu tố này vẫn còn là khó khăn lớn với đa số startup ở Việt Nam.
Giải bài toán hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, tuy nhiên khả năng hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo lại thấp hơn rất nhiều.
Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa
Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.
Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh
Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.
Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.