Từ ‘ngáo công nghệ’ đến ‘ngáo giá’, ‘bong bóng’ WeWork xì hơi

Duy Kiên - 08:47, 01/10/2019

Bản chất là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhưng WeWork lại được dán nhãn là một startup công nghệ dẫn đến việc định giá... trên trời. Bong bóng đã bay lên nhưng rồi lại nhanh chóng xì hơi rơi thẳng.

Từng được nhận không ít kỳ vọng khi nổi lên như một hiện tượng của nền kinh tế chia sẻ, công ty khởi nghiệp (startup) WeWork đã rơi vào hỗn loạn và khủng hoảng chỉ trong hơn 1 tháng.

Nhà sáng lập kiêm CEO Adam Neumann từ chức và giá trị của WeWork rơi xuống mức 10 tỷ USD thay vì con số 47 tỷ USD tự định giá ban đầu.

Xuất hiện trong lĩnh vực chia sẻ không gian làm việc và gây dựng tên tuổi bằng những chiến lược khác nhau, WeWork đặt mục tiêu không chỉ là kiếm tiền, cho thuê văn phòng mà tham vọng thay đổi thế giới.

“Chú kỳ lân” này suốt một thời gian dài được xem là biểu tượng sáng chói của thung lũng Silicon với sự táo bạo vô biên và không tuân theo quy luật kinh tế nào.

a
Không gian làm việc của WeWork.

Tiếng chuông báo động bỗng khiến nhiều người bừng tỉnh sau khi bản cáo bạch IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) của WeWork được tung ra, hé lộ nhiều thông tin quan ngại về những tiêu chuẩn quản trị, sự bền vững của mô hình kinh doanh cũng như kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Những lời đề nghị đầu tư trước đây bị hủy bỏ, định giá lao dốc kéo theo chiếc ghế lãnh đạo của Adam Neumann và biến WeWork từ một trong những thương vụ IPO được mong chờ nhất trở thành thương vụ thảm bại nhất trong lịch sử.

Tác giả Alex Sherman trên CNBC nhận định toàn bộ sự thất bại này có thể không diễn ra nếu SoftBank đơn giản định giá WeWork như một doanh nghiệp bất động sản thay vì doanh nghiệp công nghệ sở hữu tốc độ phát triển nhanh.

Được thành lập năm 2010, WeWork là sản phẩm của Neumann sau khi khởi nghiệp thất bại với mô hình kinh doanh giày cao gót nữ và quần áo trẻ em.

Phần lớn hoạt động kinh doanh của WeWork là thuê không gian trong các tòa nhà, chia thành những phần nhỏ hơn và cho thuê lại sau khi tu sửa. Khách hàng chủ yếu là những người làm việc tự do, startup hay các doanh nghiệp khác với thời gian ngắn.

Trong khi WeWork thường đi thuê 15 năm, những khách hàng có thể chỉ thuê 1 tháng. Điều này cho thấy WeWork không hề kiếm tiền từ bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ công nghệ nào mà chỉ đơn giản là “tay chơi” trung gian trong việc cho thuê văn phòng. Yếu tố công nghệ tại startup này không hề tồn tại.

a 1
Việc đánh giá WeWork như một doanh nghiệp công nghệ khiến định giá bị "ảo".

Sự thất bại mới nhất của WeWork cho thấy cuộc đụng độ giữa vấn đề thực tế tài chính với tầm nhìn 300 năm của CEO SoftBank Masayoshi Son cùng quỹ đầu tư 100 tỷ USD Vision Fund của ông.

CNBC cho biết sau khi những người phản đối sự lạc quan và thậm chí đưa lời khuyên không nên đầu tư vào WeWork của ông Masayoshi Son rời đi, gần như không ai còn muốn trái lời người đứng đầu.

Vị CEO ưa thích sự mạnh mẽ của người đứng đầu WeWork và nhận định thương hiệu này có tiềm năng tăng trưởng lớn, là kênh đầu tư phù hợp với tầm nhìn của Vision Fund, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và cần nguồn vốn cho tăng trưởng và mở rộng phạm vi.

Trong bản cáo bạch IPO, từ “Trung Quốc” được WeWork đề cập hơn 170 lần, cho thấy viễn cảnh tươi sáng tại thị trường 1,4 tỷ dân trong bối cảnh công ty này đã sở hữu 115 tòa nhà tại 12 thành phố của Trung Quốc.

Điều này giúp Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 của WeWork và tạo đà để SoftBank định giá ngất ngưỡng đối với WeWork.

Thế nhưng, kết quả kinh doanh ảm đạm không thể khiến giấc mơ của WeWork kéo dài mãi mãi. Hồ sơ tài chính cho thấy năm 2016, WeWork lỗ 430 triệu USD và con số này liên tục tăng lên gấp đôi sau mỗi năm, đạt gần 884 triệu USD năm 2017 và 1,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Điều này đã khiến ông Masayoshi Son dần nhìn ra sự thật, hủy bỏ kế hoạch rót 16 tỷ USD vào startup này năm nay và giới hạn đầu tư ở mức 2 tỷ USD.

Ngoài sự thua lỗ ngay cả khi doanh thu tăng gấp đôi, hồ sơ IPO của WeWork còn phơi bày mâu thuẫn giữa người đứng đầu với doanh nghiệp, cho thấy một bộ máy độc tài tại startup kỳ lân này.

Theo Business Insider, Neumann sở hữu lợi ích trong bốn tòa nhà mà WeWork thuê cùng với các khoản vay cá nhân từ công ty với lãi suất thấp hơn thị trường để phục vụ cho lối sống xa hoa.

Neumann cũng có một khoản tín dụng khác trị giá 500 triệu USD được bảo đảm bằng cổ phiếu của mình.

a 2
Từ người đàn ông tưởng chừng có tất cả, CEO WeWork trở về trắng tay sau khi để sự tư lợi cá nhân nổi lên quá lớn. Ảnh: Cindy Ord/Getty

Không chỉ vậy, nhà sáng lập đã mua bản quyền cho tên “We” thông qua một công ty cổ phần và WeWork phải trả 5,9 triệu USD. Các trích dẫn về “Bên liên quan” trong bản cáo bạch tiết lộ rằng công ty có thể đã làm giàu đáng kể cho giám đốc, các nhân sự cấp cao hay bất kỳ nhân viên nào và con số lên đến hàng trăm người.

Neumann cũng sử dụng tiền của công ty để tài trợ cho những dự án cá nhân, lớn nhất là khoản đầu tư 32 triệu USD vào công ty khởi nghiệp của Laird Hamilton tên Laird Superfood và theo sau là khoản đầu tư 14 triệu USD vào Wavegarden, một công ty sản xuất bể thiết bị lướt sóng.

Quyền kiểm soát WeWork nằm chủ yếu trong tay Neumann khi hai trong 3 loại cổ phiếu của công ty đã trao cho người đàn ông này 20 vote cho mỗi cổ phần.

Việc gần như độc quyền trong các quyết định của người lãnh đạo cùng sự che giấu trong bảng cân đối kế toán đã thổi bùng sự gay gắt của cộng đồng cũng như các nhà đầu tư sau lịch sử không mấy tốt đẹp của những thương vụ IPO trước đây như Uber hay Lyft.

Đây có thể xem là hồi chuông cảnh báo cho những công ty khác muốn lên thị trường đại chúng chỉ để làm lối tắt tăng vốn khi các nhà đầu tư giờ đã thắt chặt hầu bao.