CIEM đặt ra bài toán tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng

Trần Anh - 15:43, 16/12/2021

TheLEADERViệc nới room ngoại tại các ngân hàng có thể tránh việc một số ngân hàng tư nhân được hưởng lợi từ việc nâng giới hạn lên 49% theo cam kết EVFTA.

Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vừa thực hiện báo cáo về “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cố phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng”.

Báo cáo đã đặt lại vấn đề nới room cổ phần tại ngân hàng thương mại cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay khi các ngân hàng liên tục phải tăng vốn nhưng bị hạn chế bởi tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Đồng thời báo cáo cũng nhìn nhận những lợi ích trực tiếp có thể có khi nới room ngoại. Cụ thể, tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II; thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược; chuyển giao kỹ năng quản trị.

Theo CIEM, không phải đến bây giờ vấn đề nới room cổ phần tại ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài mới được đặt ra. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, nhưng kèm theo điều kiện “phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết”.

Trong các điều ước đã ký kết, Việt Nam chưa cam kết tăng giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên cao hơn mức 30%. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, nội dung mở nhất trong EVFTA cũng chỉ là Việt Nam sẽ cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc cho phép nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng thương mại của Việt Nam (trừ BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) trong vòng 05 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về đề xuất như vậy từ phía các định chế tài chính của EU.

Bên cạnh việc thu hút vốn, việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp tránh các tác động khác nhau đến cạnh tranh ngân hàng, ít nhất là giữa các ngân hàng tư nhân, vì một số có thể được hưởng lợi sớm hơn từ việc nâng giới hạn sở hữu theo cam kết EVFTA. 

Tuy vậy, các thách thức và vấn đề phát sinh từ việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cần cân nhắc như có thể ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của các NHTM đối với các chính sách và chủ trương của NHNN, vấn đề hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, ổn định vĩ mô.