Cơ bản hoàn thành đền bù, hỗ trợ người dân bị sự cố môi trường biển
Lê Sơn
Thứ ba, 22/08/2017 - 06:48
Chiều ngày 21/8, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9, Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường các tỉnh miền Trung.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn, đến nay Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách đóng mới tàu cá cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường; tổng số kinh phí đề xuất bổ sung phạm vi, đối tượng thiệt hại của địa phương theo công văn của Bộ là 563,1 tỷ đồng; điều động lực lượng kiểm ngư 3 đợt hỗ trợ và phối hợp với 4 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát, vận động ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ.
Tính đến ngày 18/8/2017, các tỉnh đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân là 5.946 tỷ đồng (đạt 94,3% số tiền thiệt hại và 90,3% số tiền tạm cấp). Hiện cả 4/4 tỉnh đều chưa chi trả hết tiền bồi thường (còn lại khoảng 5%) là do đối tượng được bồi thường không có mặt ở địa phương.
Về kết quả xử lý hải sản lưu kho, tính đến nay, theo báo cáo của các tỉnh, tổng số hải sản lưu kho tại 4 tỉnh là 11.751 tấn, tăng 6.382 tấn, gấp 2,2 lần so với báo cáo của Bộ Y tế ngày 8/11/2016 (5.369 tấn). Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Nguyễn Thế Phương bày tỏ băn khoăn “không hiểu nguyên nhân vì sao theo báo cáo của địa phương thì càng về sau số hải sản tồn kho lại cứ tăng lên gấp 2,2 lần, mặc dù đã có nhiều đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương vào các tỉnh kiểm tra?”.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng và Ban Chỉ đạo giao Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức đoàn công tác liên bộ kiểm tra để kiểm chứng hải sản tồn kho phát sinh của 4 tỉnh so với số báo cáo ban đầu của Bộ Y tế ngày 8/11/2016.
Đối với dự án hỗ trợ đóng mới 400 tàu cá cho ngư dân, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đề xuất không thực hiện dự án vì đề xuất của các địa phương là dành kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá cho cộng đồng ngư dân ven biển được hưởng lợi chung, đến nay số tàu cá khai thác xa bờ đã đạt theo quy hoạch, người dân các tỉnh thắc mắc vì cho rằng không công bằng…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, "đến nay, việc bồi thường thiệt hại cơ bản đã xong, bây giờ chỉ còn tồn đọng do một số vấn đề phát sinh như tổng hợp lại đối tượng và phạm vi còn tồn đọng, gần 600 tỷ đồng. Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành trở về, chúng ta sẽ xử lý dứt điểm vấn đề này".
Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương phát biểu, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: "Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì việc bồi thường và hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại do sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung về cơ bản đã hoàn thành. Số bà con chưa nhận được bồi thường do bà con không có mặt ở địa phương và vướng mắc một số thủ tục khác mà thôi.
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung, nhất là các huyện ven biển cơ bản ổn định, nhân dân đã không nghe các phần tử xấu kích động, lôi kéo. Công ty Formosa đã khắc phục cơ bản các lỗi vi phạm, bước đầu sản xuất thép để xuất khẩu. “Chúng ta vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa, nếu có vi phạm chúng ta kiên quyết xử lý. Đồng thời, giám sát chặt chẽ lò cao số 2, khi hoạt động không được xảy ra sự cố nào”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đề nghị các bộ, ngành tiếp tục thực hiện Kết luận 12 và 349, chúng ta khẳng định bồi thường cơ bản đã xong, một số tồn đọng sẽ giao cho Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết tiếp trong thời gian tới. Kiên quyết không mở rộng phạm vi và đối tượng được bồi thường, hỗ trợ.
Việc số hải sản tồn kho theo báo cáo của địa phương ngày càng tăng, nếu đúng thì bồi thường cho bà con, muốn vậy phải chứng minh rõ ràng, minh bạch, căn cứ nguồn gốc theo hướng dẫn của bộ, ngành, được cộng đồng xác thực chứ không thể mua gom ở đâu đó mang về để kê khai nhận đền bù, hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương vào kiểm tra thực tế trong tháng 8/2017, cùng chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả kiểm tra của mình.
Bên cạnh đó, cần tiến hành khảo sát lại một lần nữa môi trường biển tại 4 tỉnh bị sự cố, nếu ở nơi nào môi trường biển bị huỷ hoại mà chưa được tái tạo hoặc tái tạo chậm thì cần khôi phục lại ngay, việc này giao cho đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trực tiếp thực hiện.
“Mọi hoạt động phải công khai, minh bạch, dân chủ với sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng và cấp trên, kiên quyết không để sót lọt các đối tượng chính đáng được hưởng, đồng thời cũng không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong quá trình đền bù, hỗ trợ cho người bị thiệt hại”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, có thể xem xét kiến nghị của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn về việc không hỗ trợ ngư dân đóng thêm tàu khai thác hải sản xa bờ bởi số lượng tàu đã vượt quy hoạch, số tiền này các tỉnh xem xét đầu tư phát triển các công trình phục vụ cho nghề cá của địa phương.
Để xử lí lượng xỉ khổng lồ lên đến hàng chục triệu m3 trong quá trình luyện thép, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hoàn tất được việc xây một hệ thống kè lấn biển để chôn lượng xỉ thải lên tới hàng chục triệu tấn.
Sáng 24/7, trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát nhà máy, làm việc với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), doanh nghiệp đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung cách đây hơn 1 năm.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.