Cơ chế đánh thuế khí thải thu về 53 tỷ đô trong năm 2020

Phạm Sơn - 19:01, 26/05/2021

TheLEADER29 quốc gia, bao gồm Việt Nam đã thể hiện nỗ lực trong việc thực thi Thỏa thuận Paris bằng cách luật hóa các mục tiêu cắt giảm khí thải.

Cơ chế đánh thuế khí thải thu về 53 tỷ đô trong năm 2020
Các quốc gia đang nỗ lực cắt giảm khí thải để ngăn ngừa biến đổi khí hậu.

Hầu như mọi quốc gia trên thế giới, bất kể là phát triển hay đang phát triển đều tiến hành những kế hoạch riêng để cắt giảm lượng khí thải các bon, thực hiện cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh những diễn biến cực đoan của thời tiết đang dần trở thành “bình thường mới”.

Trong đó, việc áp giá lên mức phát thải các bon hoặc ban hành cơ chế mua bán hạn ngạch khí thải (ETS) được xem là giải pháp tương đối hiệu quả.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong năm 2020, khoảng 53 tỷ USD là số tiền các quốc gia trên thế giới thu được thông qua việc đánh thuế lên khí thải các bon đối với doanh nghiệp, tăng khoảng 18% so với năm 2019.

Mức gia tăng này chủ yếu đến từ sự tăng 30% giá khí thải các bon tại EU. Tuy nhiên, theo WB, giá các bon tại hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn chưa đạt được mức cần thiết để tạo ra những thay đổi quan trọng trong thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải theo Thỏa thuận Paris.

Năm 2021 hứa hẹn sẽ là mốc thời gian chứng kiến những bước tiến vượt bậc về cắt giảm khí thải, với 64 công cụ áp giá các bon đang được áp dụng, tăng thêm 6 công cụ so với năm 2020. Các công cụ này đóng vai trò điều chỉnh khoảng 21,5% lượng phát thải nhà kính trên toàn cầu.

Sự thay đổi mang tính bước ngoặc năm 2021 đến từ cơ chế ETS mới được ban hành của Trung Quốc, biến quốc gia tỷ dân này trở thành thị trường mua bán hạn ngạch khí thải quy mô lớn nhất trên thế giới. Động thái này nằm trong kế hoạch đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 của Trung Quốc.

Tháng 11/2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, với một chương riêng về biến đổi khí hậu cũng như trách nhiệm thực hiện mục tiêu đặt ra tại Thỏa thuận Paris.

Qua đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 tạo ra hành lang pháp lý cho thị trường các bon tại Việt Nam. Dự kiến, các công cụ điều chỉnh thị trường các bon tại Việt Nam sẽ được phát triển trong giai đoạn 2021 – 2025, thử nghiệm kể từ năm 2025 và đi vào hoạt động với cơ chế hoàn thiện vào năm 2027.

Bên cạnh thị trường các bon trong nước, các quốc gia phát triển, bao gồm EU, Mỹ và Canada đang nghiên cứu xây dựng cơ chế điều chỉnh các bon xuyên biên giới. 

Vương quốc Anh, với vai trò Chủ tịch luân phiên nhóm G7 cũng đang có kế hoạch xây dựng một liên minh về thuế quan các bon. Đây là một trong những chủ đề ưu tiên của hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới.

WB bình luận, mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những khó khăn cho nền kinh tế, các quốc gia vẫn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phương án cắt giảm khí nhà kính. Tính đến tháng 4 năm nay, 29 quốc gia đã luật hóa các mục tiêu cắt giảm khí thải bằng các văn bản chính sách, luật cũng như dự thảo luật, trong đó có Việt Nam.