Cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Việt Hưng - 15:35, 12/10/2020

TheLEADERShark Dzung Nguyễn - nhà đồng sáng lập Do Ventures từng chia sẻ, dù đang có khá nhiều doanh nghiệp đang khai thác thị trường y tế, song họ đều đang ở trong giai đoạn sơ khai nên tiềm năng của lĩnh vực này còn rất lớn.

Khảo sát dựa trên phản hồi của hơn 50 quỹ đầu tư mạo hiểm tại 6 thị trường trọng điểm của Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines), thực hiện bởi quỹ đầu tư Do Ventures cho thấy, Việt Nam đang được xem là thị trường trọng tâm đầu tư về khởi nghiệp trong giai đoạn 2020-2021.

Bất chấp những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, giới quan sát kì vọng sẽ chứng kiến thêm ít nhất 117-200 thương vụ rót vốn thành công vào các startup Việt Nam trong khoảng 12 tháng tới. Gần 80% đại diện các quỹ đầu tư cho biết, họ đang lên kế hoạch rót vốn từ 1-5 thương vụ tại Việt Nam.

Trong đó, giáo dục, dịch vụ tài chính là chăm sóc sức khỏe là 3 lĩnh vực cho thấy rất nhiều tiềm năng. Cụ thể, lĩnh vực sức khỏe tiếp tục đứng đầu trong các mối quan tâm của người tiêu dùng trong năm nay, theo số liệu thống kê từ Nielsen - công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu.

Sau khi trở thành mối quan tâm hàng đầu với tỷ lệ kỷ lục trong lịch sử 10 năm khảo sát vào Q3/2019, mối lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ mức cao nhất trên toàn cầu với 45% người khảo sát.

Cơ hội chia đều cho các startup trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam
Cơ hội chia đều cho các startup trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Chuyên trang E27 từng đưa ra nhận định, 2020 sẽ là cuộc chơi của những người đương nhiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hàng loạt startup trong mảng y tế thành lập giai đoạn trước khi dịch bệnh diễn ra đã có thể tự tin với khả năng tài chính, hoặc một số khác có thể liên doanh với những gã khổng lồ công nghệ để phát triển.

Theo báo cáo Startup Health Insights về thị trường vốn các startup y tế trên thế giới, Q3/2020 ghi nhận mức đầu tư kỉ lục lên tới 6,6 tỷ USD bao gồm đầu tư vốn mạo hiểm và đầu tư tư nhân. Kỉ lục trước đó xảy ra vào Q1/2020 với 4,5 tỉ USD - đây là mức cao nhất trong 10 năm qua, tăng tới 41% so với cùng kỳ.

Báo cáo này cho thấy, lượng vốn kỉ lục được rót vào các startup y tế trước khi các quốc gia công bố những ca tử vong do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đến nay, khi nền kinh tế nói chung đều chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, lượng vốn đầu tư vào các startup giảm, nhưng các startup công nghệ y tế vẫn có thể duy trì ứng phó với đại dịch.

Khi so với dữ liệu cùng kỳ năm ngoái, việc rót vốn cho các startup trong lĩnh vực y tế từ xa (telemedicine) và theo dõi sức khỏe bệnh nhân (patient monitoring) đã tăng trưởng đáng kể, lần lượt tăng 1.818% và 168% so với Q1/2020.

Shark Dzung Nguyễn - nhà đồng sáng lập Do Ventures từng chia sẻ, dù đang có khá nhiều doanh nghiệp đang khai thác thị trường y tế, song họ đều đang ở trong giai đoạn sơ khai nên tiềm năng của lĩnh vực này còn rất lớn.

"Hiện tại, chưa công ty nào dẫn đầu thị trường nên cơ hội chia đều cho mọi doanh nghiệp. Muốn thành công, doanh nghiệp phải có nguồn lực đủ lớn và những chiến lược hợp lý", Shark Dzung Nguyễn bình luận.