Cơ hội khởi nghiệp với kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 05:09, 24/08/2022

TheLEADERTheo bà Diana Torres, Trưởng phòng Chính sách công Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, kinh tế tuần hoàn là chìa khóa cho sứ mệnh phục hồi kinh tế xanh hậu Covid-19, đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia, các doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp.

Cơ hội khởi nghiệp với kinh tế tuần hoàn
Thành công của Equo cho thấy cơ hội đang rộng mở với startup về kinh tế tuần hoàn

Thành lập vào năm 2020, Equo, một startup chuyên sản xuất các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường, mới đây đã công bố nhận gói đầu tư 1,3 triệu USD từ các quỹ Nextgen Ventures, Techstars, East Ventures và nhà đầu tư cá nhân là nữ vận động viên golf chuyên nghiệp Michelle Wie-West.

Equo cũng là 1 trong 9 startup giành chiến thắng trong cuộc thi khởi nghiệp UNOPS S3i Global Innovation Challenge do Liên hợp quốc tổ chức. Các sản phẩm của Equo, bao gồm những vật dụng tiện ích hàng ngày được làm từ vật liệu thay thế nhựa, hiện đang được phân phối không chỉ ở Việt Nam mà còn cả Mỹ, Úc và Canada.

Bên cạnh Equo, nhiều startup với những sáng kiến đột phá đang được triển khai và bước đầu đạt được kết quả tích cực, có thể kể đến như Green Connect ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học vào thiết lập vòng tuần hoàn nông nghiệp; mGreen sử dụng công nghệ 4.0 để phân loại rác tại nguồn…

Đây là những minh chứng rõ nét cho thấy sức hút của khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hướng đến thiết lập những mô hình, giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Diana Torres, Trưởng phòng Chính sách công Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, bước ra từ sau đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế xanh đang được các quốc gia hướng tới. Đây là cơ hội cho các quốc gia chuyển dịch từ mô hình cũ sang những mô hình mang tính bao trùm và bền vững.

Những mô hình này không chỉ tạo ra lợi ích cho môi trường, cộng đồng, xã hội mà còn giúp giảm thiểu rủi ro của chính doanh nghiệp. Cụ thể, phục hồi xanh giúp tránh khủng hoảng do sản xuất dư thừa, tạo ra động lực cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, từ đó tiết giảm chi phí và tăng cường sức chống chịu của chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn được xem là một trong những giải pháp phục vụ cho công cuộc phục hồi xanh. Kinh tế tuần hoàn hóa giải mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, tạo ra một sân chơi mới đầy cạnh tranh đi kèm với không ít những cơ hội.

Tại Việt Nam, chính sách và khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn đang dần được hoàn thiện, với những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và nghị định hướng dẫn luật; Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn; Chiến lược tăng trưởng xanh… Những chính sách mới sẽ mở ra sân chơi rộng lớn cho cả những doanh nghiệp lớn lẫn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại Khóa tập huấn giảng viên nguồn: Kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững trong khởi nghiệp tạo tác động, bà Torres tiết lộ, với mong muốn hỗ trợ tích cực cho các startup triển khai những giải pháp sáng tạo phục vụ công cuộc phục hồi xanh, chương trình Youth Co: Lab năm 2022 sẽ tập trung vào chủ đề chính là kinh tế tuần hoàn.

Youth Co: Lab 2022 sẽ triển khai 3 hoạt động chính.

Thứ nhất, đào tạo doanh nhân trẻ, cố vấn khởi nghiệp và giảng viên nguồn về khởi nghiệp tạo tác động xã hội, khởi nghiệp kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, tổ chức cuộc thi và chương trình ươm tạo dành cho các startup được khởi xướng bởi thanh niên. Năm nay, các dự án liên quan đến kinh tế tuần hoàn sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Cuối cùng, tổ chức chuỗi đối thoại quốc gia và quốc tế để kết nối doanh nhân trẻ với cộng đồng và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Youth Co: Lab là sáng kiến do UNDP và Quỹ Citi đồng sáng lập, với mục tiêu đầu tư và trao quyền cho thanh niên để thúc đẩy phát triển bền vững. Youth Co: Lab đã được triển khai tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, Youth Co: Lab được triển khai từ năm 2018, cho đến nay đã đào tạo được hơn 500 doanh nhân trẻ, hơn 100 cố vấn khởi nghiệp và hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 35 công ty khởi nghiệp.