Cơn bĩ cực của doanh nghiệp xây dựng

Hứa Phương - 19:33, 23/03/2023

TheLEADERThị trường khó khăn, doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt với tình trạng, càng làm càng lỗ, bị nợ đọng, trả dự án, thậm chí tạm ngừng kinh doanh…

Cạn tiền

Các doanh nghiệp xây dựng đang trải qua một giai đoạn khó khăn khi hoạt động trong tình trạng "ăn đong", chạy vạy thu xếp dòng tiền để thanh toán công nợ cho đối tác, trả lương nhân viên.

Nguồn cơn của tình trạng này là thị trường bất động sản sụt giảm khiến dòng tiền của chủ đầu tư dự án cạn dần trong bối cảnh thị trường vốn, đặc biệt là kênh trái phiếu ách tắc. Do đó, chủ đầu tư dự án thanh toán bằng sản phẩm là căn hộ, bất động sản hoặc giam nợ, nợ xấu…đặt doanh nghiệp xây dựng vào thế bị động.

Trong bối cảnh đó, để tự cứu lấy mình doanh nghiệp xây dựng buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương, dừng thi công.

Đơn cử như vụ việc nhóm nhà thầu phụ đang thi công các dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình làm tổng thầu gửi công văn yêu cầu thanh toán công nợ từ tháng 7/2022 đến nay. Nếu không được thanh toán các nhà thầu phụ sẽ tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao và tạm dừng thi công các dự án đang xây dựng.

Sự việc doanh nghiệp tổng thầu xây dựng lớn như Hòa Bình bị đòi nợ đã gây xôn xao thị trường nhưng với những người am hiểu thì đây là một phần hệ quả khi thị trường rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài.

Cụ thể, trong phúc đáp nhóm nhà thầu phụ, ông Lê Viết Hải, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thừa nhận dù luôn nỗ lực giải quyết các vấn đề tài chính nhưng chính sách về hạn mức tín dụng bị thắt chặt nên chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đề nghị nhóm nhà thầu phụ nhận thanh toán bằng bất động sản hoặc các thiết bị xây dựng.

Cơn bĩ cực của doanh nghiệp xây dựng
Doanh nghiệp xây dựng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như tình trạng càng làm càng lỗ, trả dự án, thậm chí tạm ngừng kinh doanh

Thực ra, khó khăn của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đã từng được ông Lê Viết Hải nêu ra trong tâm thư gửi cán bộ công nhân viên không lâu trước đó. Ông Hải thừa nhận tập đoàn bị mất cân đối về tài chính nên không thể thanh toán lương đúng như kỳ hạn.

Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang làm mọi cách, trong đó bao gồm cả việc đem toàn bộ tài sản của cá nhân, gia đình như nhà cửa, cổ phiếu…của chủ tịch HĐQT đi làm tài sản đảm bảo cho việc vay vốn ngân hàng.

Khó khăn của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh năm 2022 khi doanh nghiệp lỗ 1.140 tỷ đồng, đây là năm đầu tiên Hoà Bình lỗ kể từ khi niêm yết. Tổng nợ phải trả tăng lên 14.280 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 5.100 tỷ đồng.

Bi đát hơn Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, HĐQT Công ty Licogi 166 (doanh nghiệp có 60% doanh thu đến từ xây lắp) vừa công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15/3/2023 đến ngày 14/3/2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Việc ngừng kinh doanh nhằm mục đích tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2023, cổ đông đã đồng ý cho công ty tạm dừng hoạt động, thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.

Licogi 166 cho biết, công ty không có tiền để hoạt động, người lao động đã nghỉ việc, không thể triển khai được hoạt động kinh doanh.

Được đánh giá là doanh nghiệp quản trị dòng tiền, mở rộng lĩnh vực khá tốt trong bối cảnh thị trường bất biến tuy nhiên Coteccons cũng đối mặt với tình trạng kinh doanh đi lùi từ năm 2020 trở lại đây.

Cụ thể, năm 2020, Coteccons đạt 14.597 tỷ đồng doanh, lãi sau thuế 463 tỷ đồng nhưng năm 2022 doanh thu thuần dù vẫn đạt 14.537 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 21 tỷ đồng.

Càng làm càng lỗ

Năm 2023 được dự báo khó chồng khó với ngành xây dựng khi thị trường bất động sản vẫn gần như đóng băng do vấn đề pháp lý.

Hiện nay, thị trường lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng khiến các doanh nghiệp xây dựng tạo ra “cuộc đua xuống đáy” để thắng thầu, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận làm dưới giá vốn. Điều này dẫn đến hậu quả các doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ.

“Nhiều công ty đã cố gắng hạ giá để có được dự án, điều này đã dẫn tới những ảnh hưởng về chất lượng, sự an toàn và nhiều điều khó lường khác”, ông Bolat Duisenov, chủ tịch Coteccons nói.

Hậu quả “cuộc đua xuống đáy” đã khiến một số doanh nghiệp dù thắng thầu nhưng đã không thủ tiềm lực để thi công dẫn đến phải bỏ dự án. Đơn cử như mới đây, Coteccons đã tiếp nhận công việc từ một doanh nghiệp xây dựng tại TP.HCM.

Dù có thêm đơn hàng nhưng ông Bolat Duisenov, chủ tịch Coteccons lại không tỏ ra hào hứng. Ông Bolat Duisenov cho rằng đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ và việc Coteccons tiếp nhận công việc là một hành động “chung tay hỗ trợ lẫn nhau”.

Ngành xây dựng đang tồn tại thách thức nghiêm trọng là sự thiếu tin tưởng. Thị trường có quá nhiều nghi ngờ, mánh khóe và quan hệ giữa các doanh nghiệp xây dựng đang đi xuống.

Do đó, theo ông Bolat Duisenov điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp xây dựng phải tin tưởng nhau, kết nối và hỗ trợ nhau. Nếu làm được như vậy, thì ngành xây dựng sẽ trở nên đoàn kết và ngăn chặn được cuộc đua xuống đáy về giá.

Nguy cơ phá sản 

Vướng mắc chính của ngành xây dựng là vấn đề nợ đọng được ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu ra.

Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng chiếm tới 90%. Các doanh nghiệp được coi là lớn trong ngành quy mô vốn cũng chỉ từ 500-1.000 tỷ đồng và chưa tới 10 doanh nghiệp vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tất cả doanh nghiệp gồm cả các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ, trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm.

Do đó, các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng hiện có hai loại nợ. Thứ nhất là nợ công trình vốn đầu tư công. Đây là các khoản nợ từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm nhưng chưa quyết toán và thanh toán được.

Thứ hai là nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách, đây là các khoản nợ do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán. Đặc biệt là phần 25% cuối, dù dự án đã đưa vào khai thác sử dụng.

Do đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất với Chính phủ một số giải pháp nhằm gỡ vấn đề nợ cho các doanh nghiệp xây dựng.

Cụ thể, đối với các khoản nợ từ công trình có vốn đầu tư công, ông Hiệp đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Còn đối với các dự án nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách, ông Hiệp kiến nghị cần có chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc.