Công cụ trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc có vai trò gì?

08:00, 07/11/2021

TheLEADERTheo bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) không chỉ là công cụ chính sách mà còn là bước ngoặt về cải cách phương thức quản lý chất thải rắn.

Công cụ trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc có vai trò gì?
PRO Việt Nam - cái bắt tay của những đối thủ cạnh tranh để cùng giải quyết vấn đề chung.

Năm 2019, có 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã bắt tay nhau cùng thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Hiện nay, thành viên của PRO Việt Nam đã lên đến con số 19, bao gồm những cái tên lớn như Coca-Cola, Pepsico, tập đoàn TH, tập đoàn TTC…

Lý giải về “cái bắt tay của những đối thủ cạnh tranh”, ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam cho biết, tổ chức này được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, các thành viên tự kết nối lại với nhau do “đều tin tưởng rằng các nhà sản xuất phải có trách nhiệm trong việc xử lý rác thải”.

Quan điểm này cũng chính là tinh thần của công cụ chính sách EPR, điểm đột phá đặc biệt quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực kể từ năm 2022.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, việc đưa EPR vào luật là phù hợp với xu thế hiện nay, khi các văn kiện của Đại hội Đảng, các phát biểu của lãnh đạo Nhà nước cấp cao đều nhắc đến chủ trương xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Hùng, EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ gắn bó mật thiết và “không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có chính sách EPR”. Cụ thể, công cụ này giúp tái cấu trúc việc quản lý chất thải rắn, từ đó đạt được các lợi ích lan tỏa.

Kỳ vọng đầu tiên vào EPR là giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa thải ra môi trường, trong bối cảnh Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia xả thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất trên thế giới.

Mặt khác, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội kéo theo nhu cầu sử dụng tài nguyên ngày càng tăng cao. Do đó, việc áp dụng EPR đê hướng tới kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để Việt Nam đảm bảo lượng tài nguyên đầu vào cho phát triển mà không phải tăng cường khai thác, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

EPR cũng là cơ sở cho ngành tái chế hiện đại, đóng vai trò tích cực trong việc điều hướng luồng rác thải, qua đó chia sẻ đồng đều lợi ích cho các bên, từ doanh nghiệp, khu vực chính thức, phí chính thức cho tới mỗi người dân.

Vụ trưởng Hùng khẳng định, dù đặt ra yêu cầu mới, cam kết mới, mức phí đóng góp mới, doanh nghiệp không nên coi EPR là gánh nặng mà chính là cơ hội kinh tế mới.

Nhìn từ phía góc độ doanh nghiệp, với vai trò Giám đốc La Vie Việt Nam và đại diện cho liên minh doanh nghiệp tiên phong triển khai EPR, ông Fausto cho biết, EPR cần được hiểu rộng hơn là trách nhiệm của nhà sản xuất.

Cụ thể, ý tưởng đặt trọng tâm trách nhiệm lên nhà sản xuất trong công cụ EPR xuất phát từ việc các nhà sản xuất này nằm ở đoạn giữa của chuỗi cung ứng, có thể tác động tới tất cả các thành phần còn lại trong chuỗi, từ đơn vị khai thác tài nguyên, cung ứng nguyên vật liệu cho tới nhà bán lẻ và khách hàng.

Như vậy, EPR thực chất có thể hiểu là trách nhiệm mở rộng của các bên liên quan (ESR). Để EPR phát huy hiệu quả, toàn bộ chuỗi cung ứng cần có trách nhiệm, bao gồm việc khai thác tài nguyên bền vững, thiết kế sản phẩm thân thiện, tăng tỷ lệ thu gom, tái chế, hạn chế xả rác và thực hành phân loại tại nguồn.

“Các doanh nghiệp, người tiêu dùng, khu vực công và tư nhân đều có vai trò và năng lực lớn để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý rác thải”, Phó chủ tịch PRO Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với đại diện cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật bổ sung, EPR thực chất là một mối quan hệ hợp tác công tư, qua đó huy động nguồn lực tư nhân cùng tham gia đóng góp giải quyết vấn đề chung.

Bà Phượng khẳng định, EPR sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn đối với việc cải cách công tác quản lý chất thải rắn. Cụ thể, thông qua EPR, vai trò quản lý của Nhà nước sẽ trở nên minh bạch hơn, đồng thời tận dụng được sự linh hoạt của hệ thống tư nhân, tạo ra thay đổi lớn cho toàn bộ hệ thống.

“Lấy ví dụ là một vấn đề tồn đọng rất lâu là việc phân loại rác thải tại nguồn, nhiều năm nay Nhà nước vẫn chưa thể giải quyết được. Do đó sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua EPR sẽ là yếu tố rất quan trọng”, bà Phượng giải thích.