Covid-19 cản trở kế hoạch 'đón đại bàng'

Phạm Sơn - 10:10, 21/08/2021

TheLEADERĐợt bùng phát dịch Covid-19 cũng như sự thiếu hụt về nhân lực chất lượng cao đang cản trở kế hoạch thiết lập dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam của nhiều tập đoàn lớn.

Covid-19 cản trở kế hoạch 'đón đại bàng'
Nhà máy của Luxshare, một nhà cung ứng của Apple tại Việt Nam. Ảnh: Dân Việt.

Trước diễn biến của dịch Covid-19 tại Việt Nam dẫn đến hạn chế trong hoạt động di chuyển, theo Nikkei Asia Review, chiếc điện thoại thông minh Pixel 6 của Google sẽ được sản xuất tại Trung Quốc để kịp tiến độ ra mắt vào mùa thu sắp tới, thay vì sản xuất tại Việt Nam như thông tin trước đó.

Kế hoạch đưa dây chuyền sản xuất một số dòng Macbook và iPad sang Việt Nam của tập đoàn Apple cũng bị tạm hoãn lại bởi Covid-19 cũng như một số hạn chế về trình độ tham gia chuỗi cung ứng, theo một nguồn tin từ Apple.

Các sản phẩm chuông cửa thông minh, camera an ninh và loa thông minh của Amazon được sản xuất tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự đình trệ kể từ tháng 5 khi Covid-19 tấn công vào các công xưởng tại Bắc Ninh và Bắc Giang.

Trong thời gian qua, với nền kinh tế năng động, nguồn nhân lực trẻ dồi dào và vị trí địa lý sát với Trung Quốc, Việt Nam được xem là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư quốc tế trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng Trung Quốc+1.

Nhiều nhà sản xuất thuộc các chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới như Apple, Google, Amazon và Dell đã xây dựng các nhà máy ở Việt Nam để tránh những tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ - Trung cũng như dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Apple, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng nhà cung ứng cho tập đoàn này, nhờ sự xuất hiện của một loạt các dự án đến từ Foxconn, Luxshare hay GoerTek.

Tuy nhiên, hiện nay xu thế đó đang vấp phải cản trở lớn khi nhiều địa phương của Việt Nam rơi vào tình trạng thực hiện lệnh giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan ngày một gia tăng của Covid-19. Theo ước tính, các tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội chiếm tới 64% GDP của Việt Nam.

Dịch bệnh bùng phát cũng khiến Việt Nam thắt chặt kiểm soát việc di chuyển xuyên biên giới, gây khó khăn cho các tập đoàn trong việc đưa lao động sang Việt Nam. Đồng thời, nhiều nhà máy cũng phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp. Một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản là Công ty TNHH Máy Brother Việt Nam vào đầu tháng 7 thậm chí đã phải tuyên bố tạm ngừng hoạt động trong vòng 1 năm.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, đại diện Intel Việt Nam và nhiều doanh nghiệp FDI cho biết, thực hiện giãn cách xã hội khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Nhóm doanh nghiệp FDI cũng đề xuất TP.HCM nên dừng giãn cách sau ngày 15/9 để tránh dẫn đến tình trạng dòng vốn FDI rời khỏi thị trường.

Bên cạnh vấn đề về dịch bệnh, một nguyên nhân nữa khiến dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam bị chậm lại là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia Review, giám đốc điều hành một nhà cung ứng cho Apple và Google nhận xét, chính điều này khiến việc thiết lập dây chuyền sản xuất các sản phẩm mới ở Việt Nam là khó khả thi.

Ông Annabelle Hsu, chuyên gia thuộc công ty nghiên cứu IDC nhận định, trở ngại đối với dòng vốn dịch chuyển sang Việt Nam chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, Việt Nam cần hết sức cẩn trọng bởi chính quyền Trung Quốc “sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn một số lượng lớn chuỗi sản xuất rời khỏi nước này”.