'Cú đấm bồi' từ làn sóng Covid thứ 4 đối với nhà phố cho thuê

An Chi - 09:00, 13/06/2021

TheLEADERSau những ảnh hưởng nặng nề qua ba lần đối diện Covid-19, đợt bùng dịch thứ tư với tốc độ lây lan nhanh đã trở thành cú đấm bồi gây thương tổn mạnh hơn đến thị trường nhà phố cho thuê.

'Cú đấm bồi' từ làn sóng Covid thứ 4 đối với nhà phố cho thuê
Hàng loạt nhà phố cho thuê vắng khách, trả lại mặt bằng

Thị trường nhà phố cho thuê đang đối diện với một thử thách chưa bao giờ có khi đối diện với làn sóng thứ 4 của Covid-19 vào tháng 5/2021. 

Nhiều nhà phố cho thuê dù đã dựng vách thi công cũng đã chấp nhận chịu lỗ và tiến hành trả mặt bằng. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng chậm trên thị trường bất động sản bán lẻ nhà phố.

Trừ những căn góc tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao có tỷ lệ được thuê tốt hơn, còn lại, những khu vực khác, ngay cả những mặt bằng sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi (Quận 1), TP.HCM, tỷ lệ lấp đầy cũng bị ảnh hưởng không ít.

Sự chênh lệch cung cầu đang tăng theo diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch. Đa số chủ nhà phố đồng ý hợp tác đàm phán để hỗ trợ giảm từ 20-40% cho thời gian giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 15 và 16 nhằm giữ được hợp đồng thuê.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM cho rằng, thị trường nhà phố cho thuê đang do khách hàng dẫn dắt thị trường. Các chủ nhà cho thuê đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng.

Bên cạnh đó, giá nhà phố cho thuê tiếp tục lao dốc. Những khảo sát của Savills gần đây cho thấy, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê. Với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20% đến 40% giá chào thuê hiện tại.

Mặc dù thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng. Một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất bởi hai bên, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.

Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí từ các khách thuê hiện tại và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong, thay vào đó, khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Họ có thể lựa chọn các trung tâm thương mại để mở các cửa hàng vật lý tận dụng sự tác động tương hỗ và nguồn khách mua sắm cao, hoặc tăng cường chiến lược tiếp thị và bán hàng trực tuyến khi lưu lượng khách tiêu dùng trên các kênh kinh doanh trực tuyến tăng mạnh trong thời qua và dự báo tiếp tục trong thời gian tới.

Để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát lớn nhất từ trước đến nay đa số các thương hiệu đang làm khá tốt những giải pháp để đối phó như nắm bắt thay đổi hành vi tiêu dùng và áp dụng chuyển đổi số là một trong những hành động chuyển mình cấp thiết để nắm giữ và mở rộng nguồn khách hàng.

Thực tế cho thấy một số nhà hàng cao cấp đã phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà, với những menu giá tốt, đóng gói đẹp để giữ chân người tiêu dùng; các dịch vụ vui chơi, giải trí cũng chào mời những gói hội viên với giá hấp dẫn chỉ áp dụng trong thời gian dịch bệnh bùng phát, và bảo lưu quyền sử dụng không tính vào thời kỳ giãn cách.

Ngay cả với những nhà bán lẻ khi ký hợp đồng thuê cũng chú ý thêm vào điều khoản tự bảo vệ chính mình nếu mặt bằng thuê không thể sử dụng, hoạt động, kinh doanh được theo chỉ thị của Chính phủ.

Mặt khác, bà Trang cho rằng, tùy thuộc vào khả năng về tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tạm dừng hoạt động để cắt lỗ hoặc giảm diện tích thuê/ số lượng mặt bằng thuê để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu qua các trang mạng thương mại điện tử, tăng các dịch vụ giao hàng, tăng các dịch vụ chăm sóc và hậu mãi đến khách hàng.

Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính đánh giá lại kết quả kinh doanh các cửa hàng vật lý và có thể thay đổi các mặt bằng tốt hơn với giá thuê tương đồng hoặc thuận lợi thuê được các nhà phố với các điều khoản thuê tốt.

Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, song theo bà Trang, trong dài hạn, thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. 

Các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại; doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP.HCM đã có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng cao 12% trong năm 2020 so với năm 2019 và kể cả quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước.

Các thương hiệu quốc tế hạng sang vẫn tìm kiếm các mặt bằng thương mại tại khu vực trung tâm thành phố cho kế hoạch mở rộng/ thâm nhập thị trường Việt Nam bởi thành phố là trung tâm kinh tế, có mức độ đô thị hóa cao, tiêu thụ nội địa ngày càng tăng, cũng như những kết quả tích cực từ vắc xin Covid-19.