Một nhà quản trị tài ba không chỉ quản trị công ty giỏi mà còn phải biết xây dựng sự sống cho chính mình và cho những người xung quanh.
Thăm gia trang ông Nguyễn Lâm Viên ngày cuối năm, gặp những gương mặt trẻ măng do ông đích thân đào tạo, tận mắt thấy những em bé khuyết tật với nụ cười tươi rói, mới cảm hết tấm lòng mà chủ tịch Vinamit dành cho quê hương, cho thế hệ trẻ và cho sức khoẻ con người.
Họ tự nguyện tìm đến ông Viên. Và ông tự nhận vào mình trách nhiệm tạo cho các em một môi sinh hạnh phúc, các em được quan tâm, đối xử công bằng, được ăn uống lành mạnh để cải tạo sức khoẻ và mang lại hạnh phúc cho người khác bằng chính sản phẩm của mình. Sản xuất hữu cơ hay organic đã thay đổi chính họ, cho họ niềm tin để sống. Triết lý sống tối giản của organic cho các em biết lấy hạnh phúc làm sự sống, biết buông bỏ, sống đời sống giản dị, hoà nhập với thiên nhiên.
Trong gia trang còn có nhóm trẻ tự kỷ và đao ông nuôi từ tấm bé, chăm sóc như con ruột của mình. Dù các em không làm được gì, nhưng ông luôn giúp các em có cơ hội để hoà nhập. Còn với thế hệ trí thức trẻ, trồng được vườn rau ra nhiều hoa trái, theo được phương pháp mới, tạo ra sản phẩm khác biệt khiến các em cảm thấy hưng phấn hơn. Điều đó chuyển tới người tiêu dùng, được tiếng thơm, sự tuần hoàn hoàn chỉnh đó tạo ra giá trị.
“Trách nhiệm của mình là thay đổi tư duy của cả một thế hệ. Các em phải học lại những gì khác với điều đã dạy trong trường, vì cách các em học là bảo vệ thực vật, là nông pháp hoá học. Tôi cũng dạy các em giá trị sự sống để chính các em có thể quản trị được sức khoẻ của mình, tươi trẻ hơn. Tôi hy vọng các em sẽ trở thành chuyên gia giúp cho nhiều nông dân khác. Các em sẽ trở thành những nhà doanh nông trong tương lai, du lịch canh nông sẽ phát triển, đất nước sẽ có sự bùng nổ lớn hơn”, ông Viên tâm sự.
Hết lòng vì một thế hệ nông dân trí thức trẻ khởi nghiệp
Khi tôi hỏi Nông Thị Quý, phụ trách vườn rau muống, rau lang và rau má gần 200ha ở Bình Dương, về những đổi thay mà em nhận được khi tham gia hành trình organic nhọc nhằn với thầy mình là ông Viên, mắt em sáng lên. Quý cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ mất công sức hơn nhiều so với nông pháp hoá học. “Nông dân chủ yếu là các cô chú lớn tuổi, mình phải luôn động viên các cô chú, qua quá trình làm việc tự các cô chú thấy sức khoẻ được cải thiện nhiều so với bên ngoài nên đã gắn bó với nông trang, họ nhận ra mình góp phần tạo ra sản phẩm sạch”, Quý nói.
Trải nghiệm đáng nhớ nhất của Quý khi làm việc trên cánh đồng là thấy sâu quá nhiều, đi bắt sâu từng bịch. Sâu khoang ăn tạp rất khó trị, phải quan sát từ lúc còn nhỏ, phải bắt bằng tay, rồi trị bằng nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn có lợi để cân bằng môi trường, gây ức chế với con sâu, về lâu dài mới có tác dụng chứ không phải tác dụng ngay như thuốc hoá học.
Tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học của Đại học An Giang, cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Diễm Huyền giờ đã trở thành một chuyên gia khá tự tin của phòng nghiên cứu. Huyền thổ lộ chính chú Viên đã cho em niềm tin để cống hiến. “Năm 2016, em về Vinamit, làm ở bộ phận vi sinh, ủ phân làm phân xanh, vi sinh vật cố định đạm, quá trình nghiên cứu khó khăn, vì mình là người đi đầu… thất bại thì nhiều lắm. May mắn chú Viên là người trực tiếp chỉ đạo, cung cấp mọi kiến thức cho tụi em. Chú hiểu được nỗi khó khăn của một sinh viên mới ra trường, sẵn sàng nhận vào làm ở đây và tạo mọi cơ hội, truyền đạt mọi kiến thức cho mình”.
Tốt nghiệp Đại học Lạc Hồng, khoa công nghệ sinh học, Trần Ngọc Bính ra làm thuỷ canh thuê trước khi chuyển về Vinamit. “Về đây, trước mắt thấy mình không phải tiếp xúc với thuốc hoá học, sức khoẻ tốt hơn nhiều rồi, môi trường xung quanh sẽ được cải thiện. Nghề nông chủ yếu làm ngoài đồng, nhưng đa số thanh niên trẻ thích vào phòng máy lạnh. Mình phải chỉ ra được những mặt tốt của sản xuất hữu cơ sẽ lôi kéo được nhiều bạn trẻ hơn vào nông nghiệp.”
Bính là nhân viên kỹ thuật chuyên sản xuất cây đậu bắp và còn giữ nguyên vẻ chân chất của người làm nông. “Đậu bắp ưu điểm sâu bệnh ít, năng suất cao, mỗi tầng lá có tầng bông, nếu có điều kiện kỹ thuật tốt sẽ cho ra năng suất ổn định. Khó khăn nhất ở giai đoạn cây con do gieo hạt trực tiếp xuống đất, không phun xịt thuốc nên độ nảy mầm thấp. Mình phải phun dầu nêm chiết xuất từ tinh dầu cây nêm để xua đuổi sâu bệnh, ngoài ra phun thêm một số vi sinh vật có lợi để cải tạo đất”, Bính cho biết.
Mai Thị Xuân Nga tốt nghiệp khoa Nông học, đại học Nông Lâm, ra trường cuối năm 2017 và từng làm ở một công ty chuyên trồng dưa lưới thộ lộ: “Ở đó người ta phun thuốc ghê lắm, mình không dám bước vô vườn. Về đây, khó nhất là không được dùng bất cứ loại thuốc nào, chỉ có máy xới nhỏ nhẹ cầy lớp mặt để trộn giá thể cho đều, chủ yếu dùng sức người là chính. Sẽ vất vả hơn, nhưng bảo đảm tốt cho sức khoẻ, công nhân họ làm cũng thấy khoẻ, không bị chóng mặt, xây xẩm, buồn nôn nữa.”
Cái khó của làm nông nghiệp hữu cơ là sản lượng bấp bênh, gặp nhiều sâu bệnh, phải có nhiều kinh nghiệm mới đúc kết được cho bản thân. Nga tâm niệm phải học nhiều nữa mới gánh vác được trách nhiệm. “Chú Viên có kiến thức hữu cơ rất tốt, nhiều người không có can đảm làm hữu cơ, chú đã làm được vậy thì mình dại gì không theo để học hỏi”, Nga nói.
Chiêm nghiệm về chính mình
Là người theo đuổi sản xuất và chế biến các loại nông sản đặc trưng, gắn với đời sống của người nông dân, của nền nông nghiệp suốt bao năm qua, ông Viên hiểu hơn ai hết những trả giá đau thương mà người nông dân phải gánh chịu khi sống cùng với phân bón hoá học, thuốc trừ sâu.
Lặng lẽ âm thầm suốt 10 năm qua để làm một cuộc cách mạng hữu cơ cho đồng ruộng, cho tư duy người nông dân, ông Viên bắt đầu từ việc cải tạo nông trại tiềm năng, bảo quản, khai thác, chế biến… để có thể đưa đến người tiêu dùng một sản phẩm hữu cơ trọn vẹn.
Cùng với đó, ông gầy dựng thế hệ trí thức mới có hoài bão, kiên định với lý tưởng hữu cơ, để cùng đồng hành với người nông dân trong cuộc cách mạng này. Rồi kiên trì từng ngày truyền thông đến toàn xã hội, nhằm thay đổi lối sống hướng đến sức khoẻ. Từng bị nghi ngờ, từng phải trả giá cho không ít những dèm pha, từng phải vượt qua bao thách thức khi chỉ có đầu tư mà không có lãi trong nhiều năm để cải tạo cánh đồng, làm tăng lượng vi sinh cho sự sống. Ít ai biết trong cuộc cách mạng đồng ruộng ấy ẩn chứa cuộc cách mạng về quản trị của chính ông.
Ông chủ Vinamit tâm niệm, muốn quản trị doanh nghiệp tốt, trước tiên phải quản trị được chính mình. Những thập niên trước, không ít nhà quản trị giàu có, tài ba, nhưng chưa giàu đã già, chưa già thì đã mất vì bệnh tật quá nhiều. Điển hình là câu chuyện bi thương về Steve Jobs. Bức thư nhà sáng lập của Apple để lại trước khi chết khiến ông Viên suy nghĩ rất nhiều. Nằm trên giường bệnh, ông ấy đã nghiệm ra rằng, sự giàu có mà mình mất công theo đuổi nhiều năm tháng tuổi trẻ dần trở nên vô nghĩa khi đối mặt với cái chết.
“Hãy trân trọng tình yêu cho gia đình bạn, tình yêu dành cho người bạn đời của bạn, tình yêu cho bạn bè… Hãy đối xử tốt với bản thân. Hãy trân trọng những người khác”. Những lời gan ruột ấy của một người thiền định suốt nhiều năm khiến ông nghiệm ra rằng, lỗi của nhà quản trị là không hiểu biết để chăm sóc, quản trị sức khoẻ của mình.
“Ngày hôm nay, nhà quản trị kiểu mới là phải biết quản trị sức khoẻ cho bản thân, luôn tươi trẻ, mạnh khoẻ, giàu sức sống, từ đó mới lan toả ra cộng đồng giá trị kinh doanh của mình. Nhà quản trị kiểu mới là phải kinh doanh hướng đến sự bền vững, không hại môi trường, tôn trọng sự sống của muôn loài. Và triết lý của hữu cơ đã thực sự mang lại cho tôi sự bình an trong tâm hồn”, ông Viên chia sẻ.
Ông ưu tư rất nhiều về sai lầm của không ít doanh nhân khi cả một thời gian dài kinh doanh bằng mọi giá, khai thác tài nguyên cạn kiệt để làm giàu, khiến cho đất đai nhiễm độc, không khí nhiễm độc, mối quan hệ giữa con người với con người bị nhiễm độc.
Nhìn lại bạn bè và chính mình, ông Viên càng có động lực theo đuổi cuộc cách mạng hữu cơ. Chính ông đã từng phải gánh chịu những căn bệnh như sốt rét, viêm phổi, đau bao tử, mỡ trong máu, huyết áp cao, tiểu đường, trào ngược. Bạn bè ông có người đột quỵ, nhiều người có dấu hiệu ung thư. Lẽ ra đời doanh nhân bắt đầu có dư giả, gặt hái thành công sau 50-60 tuổi, nhưng đã ngã rồi!
“Cuộc đời mình lao vào kinh doanh đến bất chấp thời gian, sức khoẻ, bất chấp ngày đêm, hao tổn bao nhiêu tiền của, bất chấp mất mát tình cảm… để cuối cùng phần mình nhận là án tử do chính mình làm nên. Người bạn doanh nhân của tôi bị ung thư phổi, gan, hầu hết hậu quả từ hút xách, ăn nhậu thâu đêm, làm việc bất chấp ngày đêm. Đó là di chứng của đam mê kinh doanh sao?” ông tự dằn vặt.
Ông tự hỏi, tới tuổi này, chọn sự nghiệp hay chọn trở thành nhà quản trị sức khoẻ hoàn hảo? Đó là lý do ông lao vào xây dựng lối sống hữu cơ, xây dựng thực phẩm hữu cơ, trên hết cho mình và cho xã hội. “Vì mình thấy xấu hổ khi đang sống trên một quốc gia nông nghiệp trời ban, tại sao không biết cách chăm sóc sức khoẻ cho chính mình, cho toàn bộ người dân của chúng ta?”
Đường dài và rất gian nan
“Nếu ghét ai, hãy nói họ đi theo con đường canh tác hữu cơ đi”, câu nói này ông Viên đã nghe đầy hai lỗ tai. Nhiều người thậm chí còn chống đối ông, cho rằng Việt Nam không thể theo con đường hữu cơ. Nhưng ông không nản chí. Năm 2016, khi ông ra cửa hàng Vinamit hữu cơ đầu tiên, còn bị công an phường đến kiểm tra cửa hàng, hỏi tại sao ghi organic? Ông bực bội hỏi lại: “Tại sao các anh quan tâm tới vấn đề này, họ mới cho biết: “Có người thưa anh không thể làm được organic!”
“Mình không vi phạm về mặt thương hiệu, đều đăng ký sở hữu trí tuệ, có chứng nhận hữu cơ của nước ngoài. Nhưng người ta vẫn không tin được mình làm được điều đó. Thực sự organic rất khó, nhưng điều đó không có nghĩa là người Việt không thể làm, đó là những dấu hiệu xấu, nhưng cũng nói lên người làm organic khó khăn thế nào.
Khó khăn đầu tiên là tìm ra nông pháp của sự sống. Với nông pháp hoá học, khi bị bệnh gì, chỉ dùng thuốc phun tiêu diệt sâu cho hết bệnh. Ngược lại organic phải đi tìm vi khuẩn có lợi để cộng sinh, tránh được bệnh tật đó. Có sâu đục thân thì phải tìm ra loại vi khuẩn ăn ấu trùng sâu đục thân mới sinh ra ba ngày để tránh không còn con sâu nào nở ra hết. Đó là cả quá trình khám phá, ngày xưa là câu chuyện không tưởng. Khi quyết liệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phải tìm ra một tổ hợp vi sinh vật để cộng sinh với các loại vi khuẩn đó”, ông Viên chia sẻ.
Nhưng khó khăn hơn là ông còn bị rất nhiều yếu tố bên ngoài tác động tiêu cực, đôi khi bị nản lòng, như việc Vinamit phải giải thích với xã, huyện, tỉnh lý do vì sao để đất 2-3 năm không canh tác. “Họ không hiểu mình đang cải tạo mảnh đất bị hoá học bao năm, phải có thời gian trả lại độ màu mỡ cho đất. Nhưng đối với nhà nước thì đó là đang lãng phí đất. Những câu chuyện tưởng chừng nói chơi nhưng là giải pháp hữu cơ để cải tạo hệ sinh thái, cho đất giàu vi sinh hơn, chăm sóc cho hệ sinh thái cân bằng.
Để nuôi và bảo vệ muôn loài, phải xây dựng ngôi nhà vi sinh vật, phải cho nước uống, thức ăn, oxy để các vi sinh vật sống. Đó là điều căn bản của sự sống. Phải xây dựng hệ sinh thái cho muôn loài, vì nếu mất cân bằng sẽ xảy ra khủng hoảng về bệnh tật. Biết cẩn trọng với những nguy cơ có thể gây mất cân bằng, nếu không chắc chắn nguy cơ sẽ xảy ra. Đó là điều mà những nhà làm hữu cơ phải thấu hiểu. Nhiều người chưa hiểu một cách thấu đáo về những nguyên tắc này, nên khả năng thực hiện khó thành công. Đâm ra người canh tác nông pháp hữu cơ sau một thời gian quá khó khăn lại quay về NPK, cuối cùng thất bại, cuối cùng quay về thuỷ canh, khí canh, cho đó là nông sản sạch là sai rồi”, ông Viên khẳng định.
Nhiều sinh viên làm thuỷ canh nói đó là thực phẩm sạch nhưng ông Viên cho rằng đó là dùng chất hoá học nên ai sẽ chứng nhận organic ở đây? Sự phân định giữa nông pháp sạch và nông pháp hoá học vẫn còn nhập nhèm.
Theo ông Viên, organic mới là cứu cánh của tương lai nông nghiệp. “Mình đi quá sớm, nhưng nếu mình không đi sớm thì Việt Nam đâu còn là đất nước nông nghiệp. Chúng ta đã được trời ban cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên quá tuyệt vời, nếu không theo đuổi kiên định với nông pháp organic thì người canh tác bị bệnh rất nhiều, mắc bệnh nan y.”
Ông thổ lộ từ đáy lòng: “Tôi mong mỏi doanh nhân phải tươi trẻ, khoẻ mạnh. Thật đau buồn khi doanh nhân ngã xuống mà sự nghiệp chưa bàn giao. Tôi nhớ mãi sự ra đi của anh Vượng - Giám đốc Ba Son, anh Huy - Giám đốc bệnh viện Phụ sản quốc tế. Người bạn thân tưởng mạnh khoẻ, cuối cùng bị ung thư, còn Huy bị đột quỵ, ám ảnh mình không cho phép coi thường sức khoẻ để rồi bị trả giá quá đắt, để lại sự đau đớn cho quá nhiều người xung quanh mình. Đó thực sự là cú sốc với bạn bè, nhất là người thân, nhân viên mình, không thể quên được.”
Đến một ngưỡng mới của cuộc đời, suy nghĩ về các giá trị sống, Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên lại hướng tâm nguyện của mình về đất nước, để gầy dựng lại một lối sống, một cách canh tác, cách ăn uống hữu ích nhất cho người Việt.
Doanh nghiệp Việt Nam đơn độc vì quá nhỏ bé, chúng ta đang tự phải bán mình và bị người khác bán. Doanh nghiệp đang bị xâm phạm rất nhiều về quyền bảo mật thông tin, ngay cả các bí mật của doanh nghiệp cũng bị bán vì cơ quan chức năng, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit cho biết.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực
LPBank nhận giải "Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc" từ JPMorgan Chase, khẳng định vị thế dẫn đầu thanh toán quốc tế với giao dịch USD 3 năm liền (2022-2024).
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đặt tại Quảng Ninh có công suất 120.000 xe/năm, sẽ đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025.