Cuộc chiến giành chủ quyền trong giới công nghệ thông tin 2019

Phạm Hồng Phong* - 15:54, 29/01/2019

TheLEADERTrong năm 2019 này, loại công nghệ nào - trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự động hoá, dữ liệu và blockchain sẽ vươn lên ngôi vô địch?

Nhìn ở một góc độ nào đó, bối cảnh công nghệ trong năm 2018 có thể được ví như sê-ri phim truyền hình Chiến binh Ninja với sự xuất hiện của hàng loạt công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự động hoá, dữ liệu và blockchain, và các đối thủ đều đang cố gắng vượt qua những trở ngại và thách thức theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, cũng giống như chương trình TV trên, dù cho đến nay các công nghệ này đều đã “chơi" hết mình và gặt hái được cũng nhiều thành tựu, thế nhưng, chưa ai có thể giành được phần thưởng lớn nhất và trở thành người chiến thắng chung cuộc.

Trong năm 2019 này, loại công nghệ nào trong danh sách trên sẽ vươn lên ngôi vô địch? Hay liệu rằng, ngôi vô địch đó thậm chí có tồn tại hay không? Sau đây là những tiên liệu của chúng tôi.

AI len lỏi trong mọi ứng dụng

Trí tuệ nhân tạo có thể được xem như là một chiếc chìa khóa thành công - tuy nhiên, chỉ khi các công ty có thể “chinh phục" được “ông trùm dữ liệu" này và biết cách ứng dụng nó trong phạm vi của một doanh nghiệp. Theo Khảo sát Thông tin Chuyên sâu về Doanh nghiệp Công nghệ Thông tin (CNTT) của Ovum, có tới 60% các tổ chức sẽ xây dựng chiến lược toàn doanh nghiệp cho AI vào năm 2019. 

Theo đó, nhiều khả năng sẽ có thêm vô số các công ty tìm kiếm những giải pháp thiết thực để tận dụng AI trong phát triển kinh doanh; và một trong những phương thức để hiện thực hóa điều này là tích hợp AI vào các ứng dụng của họ. Tại sao?

Ước tính trong năm 2019, con người sẽ còn kích hoạt một lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với tổng dữ liệu được tạo ra trong vòng 5.000 năm qua. 

Thực tế cho thấy, các công ty đã và đang đối mặt với những thách thức về vấn đề khai thác và ứng dụng dữ liệu một cách thông minh phục vụ các quy trình hoạt động trong doanh nghiệp, cung cấp thông tin chuyên sâu để doanh nghiệp vận hành một cách nhanh chóng, hiệu quả và linh hoạt hơn.

Bằng cách này, AI không chỉ được ứng dụng rộng rãi trên những nền tảng vốn đã khá quen thuộc với các doanh nghiệp, giúp họ loại bỏ nỗi quan ngại về “sự trỗi dậy của robot", mà hơn thế nữa, nó còn đồng nghĩa với việc, AI cuối cùng cũng sẽ “thẩm thấu” vào cơ sở hạ tầng và trở nên phổ biến trong tất cả các hệ thống của một doanh nghiệp.

Như một lẽ dĩ nhiên, chúng ta đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi của các ứng dụng trong cuộc sống. Các ứng dụng back office truyền thống nay đã trở thành quá khứ. Chúng đã được “tái phát minh” với những cải tiến giao diện sáng tạo và tính năng tự động hoá mạnh mẽ. Trong tương lai, sự thay đổi này sẽ phủ sóng khắp mọi nơi.

Cuộc chiến giành chủ quyền trong giới công nghệ thông tin 2019
Ông Phạm Hồng Phong, Tổng Giám đốc Điều hành Oracle Việt Nam

Năng suất gấp đôi

Một trong những động cơ then chốt khiến các doanh nghiệp ứng dụng AI đến từ khả năng mạnh mẽ của công nghệ này trong việc hỗ trợ nâng cao năng suất con người và hiệu quả doanh nghiệp. Một khảo sát gần đây của Oracle cho thấy có tới 42% các nhà lãnh đạo cấp cao trên thế giới đang kỳ vọng trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện hiệu quả làm việc trong tổ chức của họ. Và, với những cải tiến liên tục đối với khả năng nhận thức của AI, những lợi ích này sẽ ngày càng trở nên lớn hơn.

Trên thực tế, nhiều khách hàng đã ứng dụng thành công AI trong phát triển doanh nghiệp, điển hình như Câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha RCD Espanyol. Đội ngũ tài chính của họ đã ghi nhận mức tăng trưởng 20% về hiệu quả công việc sau khi ứng dụng AI và dựa vào đó để giúp đưa ra những quyết định kinh doanh mà không cần tới sự can thiệp của con người.

Dự đoán vào năm 2025, mức tăng năng suất tạo nên bởi AI và các trải nghiệm tăng cường có thể chạm mốc 50% so với hiện tại.

“Tự động hoá” giúp dịch chuyển núi (dữ liệu), không chỉ ô tô

Gartner dự đoán rằng vào năm 2022, 90% chiến lược của các công ty sẽ tập trung vào việc coi thông tin như một tài sản doanh nghiệp quan trọng, với khả năng phân tích dữ liệu là một năng lực cạnh tranh thiết yếu. Khi mật độ dữ liệu hiện tại đang quá lớn để có thể xử lý bởi con người, doanh nghiệp sẽ cần đến một cách tiếp cận mới. Trên thực tế, đây là một yếu tố sống còn khi các doanh nghiệp dần nhận ra họ cần phải cải thiện khả năng xử lý dữ liệu nếu muốn tận dụng chúng một cách tối ưu với những khoản đầu tư cho AI và Mạng lưới Vạn vật Kết nối Internet (IoT).

Điều gì sẽ xảy ra nếu những hệ thống quản trị dữ liệu phức tạp - thứ chịu trách nhiệm chuyển đổi dữ liệu thành thông tin chuyên sâu - được trang bị khả năng tự hành, tự sửa chữa và tự bảo mật? Nói cách khác, trở nên dễ dàng như những chiếc xe tự lái?

Oracle đã đi trước một bước trong công nghệ tự động toàn diện khi ra mắt Cơ sở Dữ liệu Tự động của Oracle (Oracle Autonomous Database). Trong tương lai gần, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với những tính năng tương tự trong mọi mặt của quản lý dữ liệu.

Trên thực tế, công nghệ tự động hóa được kỳ vọng lan tỏa rộng rãi trong giới doanh nghiệp. Với 70% các chức năng công nghệ thông tin được vận hành hoàn toàn tự động, các công ty có thể cắt giảm được tối đa nguồn nhân lực cần thiết để thực hành các tác vụ máy móc - tiêu tốn tới hàng tỷ giờ đồng hồ mỗi năm - để có thể tập trung vào những cải tiến và phát triển kinh doanh.

Đồng thời, trong bối cảnh số lượng các sự cố bảo mật được dự đoán sẽ tăng lên gấp 100 lần, những tác vụ bảo mật cũng sẽ cần được tự động hoá. 

Báo cáo Ứng dụng Điện toán đám mây và Thống kê Rủi ro 2019 của McAfee cho thấy chỉ 1 trong số 100 triệu sự cố được xem là mối đe dọa thực sự, nhưng với mật độ dày đặc như hiện tại, việc “mò kim đáy bể” sẽ chỉ có thể thực hiện được với sự trợ giúp của công nghệ tự động hoá.

Hơn thế nữa, trải nghiệm khách hàng và công nghệ tự động hoá được cho là sẽ không thể tách rời, khi có tới 70% các tương tác của khách hàng được tự động hóa và các "chatbots" tích hợp AI đang mở ra một kỷ nguyên mới về trải nghiệm. Thống kê đã cho thấy ngày nay, 89% người dùng sử dụng trợ lý giọng nói cho các dịch vụ khách hàng, và 69% các chức năng dịch vụ khách hàng của doanh nghiệp sử dụng chatbots cho một trải nghiệm tương tác dễ dàng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi. Dần dần, công nghệ tự động hoá sẽ không còn là một tính năng hỗ trợ bổ sung, mà sẽ trở thành một yếu tố tiên quyết trong mọi trải nghiệm khách hàng trong các ngành công nghiệp. Do đó, có lí do để chúng ta tin tưởng rằng, 85% các tương tác này sẽ được tự động hóa trong tương lai.

Blockchain trở thành nền tảng của niềm tin

Từ một “kẻ” không được công nhận do “dính dáng” tới bitcoin, blockchain không chỉ sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới kinh doanh, mà còn vươn lên ngôi vị “đế vương" về tính minh bạch và độ tin cậy trong năm 2019. Điều này đặc biệt đúng khi thực tế cho thấy blockchain hoạt động hiệu quả hơn hẳn các giao dịch tiền tệ có hiệu lực.

Hiện nay, công nghệ này đã được sử dụng để kiểm chứng nguồn gốc sản xuất dầu ô liu nguyên chất, trong đó theo dõi hoạt động sử dụng năng lượng mặt trời và cung cấp một nguồn thông tin xác thực duy nhất vào quy trình xử lý tài liệu, làm nền tảng cho ngành vận tải toàn cầu. Trong năm 2019, chúng ta sẽ còn thấy được sự ứng dụng rộng rãi hơn của công nghệ blockchain; từ việc kiểm chứng nguồn gốc của những loại đá quý, cho tới việc theo dõi nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm và đảm nhận dược phẩm được sản xuất theo đúng những quy định nghiêm ngặt trong ngành.

Giống như AI, blockchain cũng sẽ len lỏi trong mọi hoạt động thường nhật của doanh nghiệp khi được tích hợp vào các ứng dụng - và dần dần trở thành một lẽ dĩ nhiên.

Vậy, câu hỏi còn lại là, chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về loại hình công nghệ nào? 2019 chắc chắn sẽ là một năm “viên mãn" cho các “chiến binh" của thế giới công nghệ, nhưng chỉ khi chúng thực sự chứng minh được giá trị của mình khi được công nhận trên thị trường. Đã xa rồi cái thời AI hay blockchain được coi như là những thực thể độc lập trong một cơ sở hạ tầng. Thay vào đó, chúng sẽ được tích hợp trong các ứng dụng của các tổ chức để giúp họ gặt hái được những thành quả thiết thực.

Do đó, những gì mà AI, Blockchain, hay Công nghệ Tự động hoá thực sự cần là một cộng sự vững chãi, giúp phát huy thế mạnh và gia tăng giá trị thực của bản thân các công nghệ này. Những “chiến binh Ninja” này sẽ cần một “huấn luyện viên”, ở đây là một hệ thống điện toán đám mây tích hợp toàn diện, đảm bảo cả ba tính năng tự kiểm soát, bảo mật và cải tiến trong một thể thống nhất. Chúng cho phép các tổ chức vận hành hoàn toàn trên điện toán đám mây, dù khối lượng công việc lớn đến đâu hay những xu hướng trong tương lai có thay đổi như thế nào, mang đến cho doanh nghiệp những cơ hội cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, giữ vững vị thế cạnh tranh cao. 

*Bài viết thể hiện quan điểm của ông Phạm Hồng Phong, Tổng Giám đốc Điều hành kiêm Giám Đốc dịch vụ Nền tảng Đám mây, Tập đoàn Oracle Việt Nam