Cuộc chuyển đổi số và tham vọng xây dựng ‘Made in Vietnam 4.0’ của FPT

Hương Xuân - 10:25, 28/08/2019

TheLEADERChuyển đổi số không phải bắt đầu từ số hoá hay tin học hoá một doanh nghiệp cũ mà là sự tham gia của công nghệ vào phần hồn sản phẩm với hạt nhân là dữ liệu để định nghĩa lại một công ty.

FPT sau 31 năm đã chuyển đổi số như thế nào?

Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc phát triển Kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho biết, Việt Nam có 4 cuộc chuyển đổi số thần kỳ: Chính phủ số, thành phố thông minh, công nghiệp 4.0/ doanh nghiệp 4.0 và chuyển đổi số của xã hội trong đó có mỗi con người. Để đồng hành với mục tiêu xây dựng Việt Nam thành cường quốc, với sự dẫn dắt của Chính phủ kiến tạo, hành động.

FPT đã cam kết đóng góp cho hành trình chuyển đổi số tại Việt Nam với viện tham gia Liên minh chuyển đổi số, bắt đầu bằng những công ty trụ cột là các công ty công nghệ hàng đầu trong nước như FPT, VNPT, Viettel, và cả các doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia như Samsung SDS …

Ông Sơn cho biết, quá trình chuyển đổi số của FPT đi từ cấp độ nhận thức của người lãnh đạo, từ quy trình, điều đó quan trọng hơn rất nhiều công nghệ. Hơn 3 thập kỷ trước, tập đoàn bắt đầu bằng ngành công nghệ thực phẩm với 13 nhà khoa học, hơn một nửa trong đó xuất thân từ người lính. Sau hơn 1 năm, ông Trương Gia Bình đã chuyển toàn bộ công ty sang lĩnh vực công nghệ thông tin bởi ông cho rằng tương lai của thế giới, của Việt Nam sẽ dựa vào dữ liệu, vào thông tin. Hiện tại, FPT đã có 36 ngàn nhân viên trên 45 quốc gia.

Cuộc chuyển đổi số và tham vọng xây dựng ‘Made in Vietnam 4.0’ của FPT
Với 25 năm kinh nghiệm về quản lý kinh doanh, phát triển thị trường, tư vấn, kỹ thuật và điều hành trong ngành ICT, tháng 4/2017, ông Phan Thanh Sơn trở thành Giám đốc công nghệ của FPT IS

Cả thế giới đang chuyển đổi số với tốc độ rất lớn, trên mọi lĩnh vực khác nhau. Chiến lược của FPT trong thời gian tới làtham gia quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức trên toàn cầu, với mục tiêu Top 50 công ty chuyển đổi số toàn cầu trong 10 năm tới. Song song với việc này tại Việt Nam FPT cam kết và mong muốn cùng các tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp đi đầu trong các lĩnh vực thực hiện các chương trình chuyển đổi số trong chiến lược chung về chuyển đổi số quốc gia. 

Tập đoàn đã mời ông Phương Trầm, Giám đốc công nghệ thông tin của Tập đoàn Dupont trong hơn 20 năm về làm Cố vấn trưởng về chuyển đổi số cho Tập đoàn FPT. Dupont là tập đoàn hoá chất và các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp có doanh số trên 80 tỷ USD.

Ông Trầm đã đưa ra lời khuyên cho lãnh đạo FPT: Hãy nghĩ lớn nhưng làm từng bước nhỏ một cách thông minh. Cơ hội chuyển đổi số tại Việt Nam và FPT rất lớn nhưng muốn cung cấp giải pháp cho Việt Nam và thế giới, FPT phải chuyển đổi số chính mình trước. FPT ngoài năng lực công nghệ mạnh, còn sở hữu hệ thống giáo dục tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, hiện thực tham vọng trở thành tập đoàn toàn cầu. Đây là mô hình để các doanh nghiệp khác hướng tới, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới.

FPT đã nghe theo lời khuyên của ông Trầm và thành lập một ban chuyển đổi số gồm 90 người giỏi nhất lựa chọn từ các ban trong tập đoàn. Từng công ty thành lập một ban chuyển đổi số riêng, làm việc cùng nhau trên một loạt chương trình chuyển đổi số. 

Cùng sự tư vấn của ông Trầm, FPT tuyên bố sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp số, trở thành một trong những doanh nghiệp hiếm hoi vận hành dựa trên dữ liệu gần với thời gian thực (Near- Real time Data- Driven Enterprise), nâng cao năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ 4.0.

Từ đầu 2019, FPT đã thực hiện chuyển đổi số và chia sẻ cách mình làm. Với 36 ngàn nhân viên, với 6 công ty thành viên trong các lĩnh vực như công nghệ, viễn thông, giáo dục …

Ông Sơn cho biết: FPT ngay từ đầu đặt mục tiêu vừa chuyển đổi số cho mình, vừa đóng gói thành những giải pháp chia sẻ với doanh nghiệp để cùng nhau tạo ra nền tảng cho các công ty có cùng hệ sinh thái, từ đó tạo ra làn sóng chuyển đổi số trên cả Việt Nam.

Trao đổi với ông Sơn tại sự kiện kỷ niệm 3 năm chương trình Cafe doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức, ông Lê Trí Thông, CEO PNJ đặt ra dấu hỏi lớn: “Theo thống kê, chỉ khoảng 11% doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, rất nhiều công ty đã thất bại. Ở PNJ, đây thực sự là quá trình lột xác, tiến hoá, luật đào thải xảy ra. Nhiều doanh nghiệp không có kỹ thuật số, phải cấy ghép vào, rất nhiều người đã thất bại với dự án này vẫn phải phục hồi, đứng lên, để tiếp tục thực hiện dự án khác… Chuyển đổi số là cuộc lột xác, thay da đổi thịt đầy đau đớn, FPT đã vấp phải nhiều đau đớn chưa?”

Trả lời câu hỏi của ông Thông, ông Sơn cho biết, FPT có chương trình thành công, cũng có chương trình phải thực hiện với rất nhiều nỗ lực. Cần lường trước được phần quan trọng của chuyển đổi số không phải ở công nghệ mà là quản lý sự thay đổi về nhân lực và thời gian, nếu không sẽ tốn rất nhiều tiền. Thành phố thông minh là câu chuyện chuyển đổi số mà không một công ty cung cấp nào có thể làm, phải có sự đóng góp của rất nhiều nhà cung cấp để tạo ra nguồn dữ liệu lớn. Điều đó đã thôi thúc những con người của FPT học hỏi rất nhiều.

“Đề cập đến mặt sáng, cũng phải nói đến mặt tối, đến nguy cơ thường gặp phải, khó khăn lớn nhất là sự cưỡng lại của con người toàn hệ thống. Bản thân mỗi lãnh đạo cấp trung, thậm chí cấp cao có thể cưỡng lại, đơn thuần là do thói quen, sự bảo thủ nên thất bại rất nhiều”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, cần phải tập trung vào những điểm có thể tạo nên hiệu ứng domino thay đổi như các vấn đề liên quan đến nhiều bộ phận (cross functions). Giải toả được những điểm nghẽn trong doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn là chỉ tập trung say sưa vào công nghệ. Quan trọng nữa là phải tập trung vào con người bởi con người là quan trọng nhất. 

Lãnh đạo ban chuyển đổi số cần ít nhất 3 lãnh đạo gồm một người giỏi về công nghệ có am hiểu kinh doanh, một người giỏi quy trình kinh doanh và một người giỏi về quản lý thay đổi. Nếu không chuyển đổi số dễ thành cái bẫy tạo ra sự thất vọng.

Nhìn vào thực tế doanh nghiệp mình, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cũng cho biết, PNJ cũng “lên bờ xuống ruộng” với chuyển đổi số. Nhìn vào thực tại, doanh nghiệp Việt Nam mới chuyển đổi số ở bước đầu. PNJ đã mời tư vấn vào tái cấu trúc công ty nhưng phần chưa số hoá được là cản ngại rất lớn. Cách đây 10 năm PNJ đã chuyển đổi về quản trị.

“Chuyển đổi quản trị đã mệt rồi, câu hỏi đặt ra là nếu chưa dám mạnh dạn chuyển đổi trong quản trị, có nên làm chuyển đổi số ngay không?”, bà Dung nói.

Băn khoăn của bà Dung theo ông Sơn, chuyển đổi số doanh nghiệp nên làm và có thể làm ngay được nhưng thứ tự phải khác nhau. Đầu tiên phải chuyển đổi chuẩn hoá quy trình, tổ chức doanh nghiệp trước, chuẩn hóa những cái chưa chuẩn hoá, sau đó mới làm chuyển đổi số thì cơ hội thành công mới cao. Điều này không hạn chế những khởi xướng chuyển đổi số nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo có thể tiến hành song song không nhất thiết phải chờ quá trình chuẩn hóa, tái cấu trúc toàn diện hoàn thiện xong. 

Cơ chế thứ hai là phải tạo ra được một bộ phận tiên phong làm trước và khiến các bộ phận khác tiệm cận dần với cái mới. Ví dụ như một số ngân hàng thiết lập bộ phận Ngân hàng số độc lập với bộ phận ngân hàng truyền thống. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số kịp có khả năng mất vị trí trong tương lai. Cần định hình lại nên làm gì trước, chuyển đổi số là đưa tất cả nguyên liệu lên bàn để thiết kế lại thành một doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới. Tương lai nền tảng của ngành là gì, ai sẽ là đối tác của chúng ta, nước nổi thì thuyền cũng nổi.

Ở FPT nhờ ứng dụng giải pháp FPT.uService, có tới 90% dịch vụ liên quan giấy tờ đã chuyển đổi thành số, tiết kiệm được 50% thời gian, quá trình xử lý dịch vụ bằng robot phần mềm (RPA) tự động hoá ở mức 15%, tiết kiệm hàng triệu USD. Giải pháp này đang FPT thực hiện áp dụng cho một số doanh nghiệp sản xuất đồ uống, bất động sản… tất cả dịch vụ nội bộ đi qua 1 cổng dịch vụ duy nhất.

“Các doanh nhân hãy xem đây là sứ mệnh của ngành, của quốc gia chứ không chỉ của một doanh nghiệp. Ban lãnh đạo hãy mời thêm các chuyên gia hiểu biết về công nghệ và cơ hội, đầu tiên phải có chiến lược thống nhất, sau đó sẽ có lộ trình và cách giải quyết. Hãy làm ngay và hành động, bắt đầu từ những việc nhỏ, tỷ lệ thành công sẽ tăng lên rất nhiều thay vì ngay lập tức làm quá lớn”, ông Sơn nhấn mạnh.

"Các công ty sẽ không thể sống sót nếu không có công nghệ"

Theo ông Phan Thanh Sơn, một siêu đô thị (MegaCity) theo định nghĩa của Frost & Sullivan là đô thị có hơn 8 triệu dân và GDP hơn 250 tỷ USD vào năm 2025. TP. HCM đang có cơ hội trở thành một MegaCity trong tương lai, 2025 chưa đạt được nhưng có thể sau 2030 sẽ được nếu giữ được mức độ tăng trưởng GDP liên tục 10% mỗi năm, trong đó, phải kể đến vai trò của chuyển đổi số.

“Chúng ta vừa nói đến 4.0, giờ lại là chuyển đổi số, đó không phải là từ khoá mới của giới marketing, công nghệ thổi phồng lên mà là câu chuyện có thật của mỗi doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ 2016. Những nhà tương lai học đã dự báo về làn sóng này trước đây cả trăm năm. Thế giới đã thay đổi rất nhiều, ngay cả Trung Quốc từ rất sớm cũng đã xác định sẽ trở thành cường quốc công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ ba, chứ không cạnh tranh với phương Tây trong luật chơi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Họ đã làm được chiến lược đó từ khi Việt Nam còn chưa thấy con đường khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba hình thành.

Trước đây “Made in China” thường khiến nhiều người hiểu tương đương với hàng chất lượng thấp, dịch vụ kém nhưng Trung Quốc có tham vọng rất lớn trong chiến lược “Made in China 2025”. Họ muốn đến 2025 hơn 70% vật liệu trong hàng hóa “Made in China” do người Trung Quốc làm chủ, Made in China sẽ là biểu tượng cho chất lượng cao, dịch vụ tận tình, ... Các nước khác cũng đều có chương trình hành động quốc gia 4.0 rất quyết liệt như “Make in India” ở Ấn độ, “Thailand 4.0” ở Thái lan, …

Với Việt Nam, đầu 2017, Chỉ thị 16 của Chính phủ xác định rõ Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư là có thật và các bộ, ngành, lãnh đạo từ địa phương và doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu đúng đắn cũng như chiến lược ứng phó với nó. Dần dần hàng loạt chương trình hành động ứng phó Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã ra đời. Để làm chuyển đổi số, đằng sau nó cần có nền tảng của cuộc cách mạng lần thứ tư nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn vận hành theo kiểu cũ. Ngay cả trong giáo dục, cũng chưa có định nghĩa rõ ràng cho học sinh về cuộc cách mạng công nghiệp mới này.

Việt Nam đã để vuột mất cơ hội trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba, vẫn vận hành ở giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ hai, không theo kịp kể cả trong nhận thức và mô hình. Thế giới đã thay đổi rất nhiều cả về tốc độ và phạm vi sự thay đổi, ảnh hưởng mang tính hệ thống, sự thay đổi từ lượng thành chất.

Một chiếc điện thoại thông minh chỉ khoảng vài trăm gram nằm gọn trong lòng bàn tay có chức năng tương đương với chức năng của rất nhiều thiết bị cọng lại nặng hơn một tấn vào những năm 1980.

Chi phí chuyển đổi số trước đây rất đắt do chi phí cho các các công nghệ mới (drone, cảm biến, giải mã DNA, điện thoai thông minh, …) lúc đó còn rất đắt nhưng hiện giờ theo thời gian đã rẻ đi rất nhiều. Ví dụ như vào năm 2000 để giải mã DNA mất khoảng 2,7 tỷ USD, đến 2007 chỉ còn 7 triệu USD, năm 2014 còn 1.000 USD (theo báo cáo của WEF năm 2016). Thế giới đang kỳ vọng sắp tới nó sẽ chỉ còn vài trăm USD, thậm chí trên thiết bị có thể cầm tay người ta cũng có thể thực hiện được giải mã gen, đưa ra những thông số của DNA.

Các doanh nhân cần phải nhìn thế giới hoàn toàn khác, một chiến lược trước đây từ 3-5 năm, giờ làm chiến lược chỉ 1 năm đến 3 năm vì thế giới thay đổi quá nhanh. Nếu chuyển đổi số thành công, cơ hội sẽ ở mọi nơi, có thể thu hàng tỷ USD trong mọi ngành nghề, trên toàn thế giới.

“Chúng ta cần phân biệt ba từ Số hoá, Tin học hoá và Chuyển đổi số. Đây tạm gọi là ba quá trình trưởng thành của một khái niệm chuyển đổi số. Thời kỳ thứ nhất, số hóa dữ liệu chuyển từ Analog sang Digital (tiếng Anh là digitization), quá trình thứ hai là số hoá quy trình trong công việ tạm dịch là tin học hóa (từ tiếng Anh là Digitalization. 

Thứ ba là quá trình bắt đầu tận dụng được việc số hoá, tin học hoá trên diện rộng và với các công nghệ tiềm năng - emerging để thay đổi hoàn toàn một doanh nghiệp, mô hình kinh doanh, thiết kế, lắp ghép, engineer lại thành một công ty, doanh nghiệp, mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Chuyển đổi không chỉ số hoá hay tin học hoác một doanh nghiệp hiện hữu, mà còn là sự tham gia của công nghệ vào phần hồn sản phẩm với hạt nhân là dữ liệu để định nghĩa lại một công ty”, ông Sơn nói.

Hiện tại nhiều doanh nghiệp đã hình thành các ngành công nghiệp mới như Fintech, Medtech, Edutech, Logitech, Insutech… Nếu không có công nghệ, các công ty sẽ không thể sống sót trong tương lai. Khi được số hoá, tin học hóa, tự nhiên sẽ có cơ hội giao thoa giữa các ngành, ví dụ như chiếc giày Nike có thể kết nối với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Cả một hệ sinh thái được kết nối với chiếc giày qua một cảm biến được cài đặt, khiến cho một sản phẩm biết nói, biết cảm nhận. Dữ liệu khi được kết nối, nó sẽ trở thành tri thức, trí tuệ.

Những công nghệ mang tính chất đột phá sẽ làm thay đổi doanh nghiệp và cả một nền kinh tế. Phân tích dữ liệu lớn (Big Data/ Analytics), Internet vạn vật… giúp cho chuyển đổi số, nâng cao giá trị một quốc gia, một doanh nghiệp, mỗi cá nhân qua cơ sở hạ tầng của từng thành phần xã hội.

Từ đó, đòi hỏi mỗi doanh nhân, nhà lãnh đạo cần có nhiều kỹ năng, năng lực mới để hiểu về các mô hình mới, nắm được các xu hướng công nghệ có thể áp dụng vào doanh nghiệp của mình.