Đã đến lúc mở cửa du lịch không cần thí điểm

Phạm Sơn - 11:36, 25/01/2022

TheLEADERViệt Nam đang ở thời kỳ đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, do đó cần tận dụng để nhanh chóng mở cửa du lịch quốc tế sớm hơn.

Đã đến lúc mở cửa du lịch không cần thí điểm
Các doanh nghiệp du lịch đang kiệt quệ sau 2 năm chống chọi với Covid-19

Nói về ngành du lịch, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, doanh nghiệp ngành du lịch đang “vượt ngưỡng chịu đựng” sau 2 năm chống chọi với Covid-19, hoạt động du lịch gần như bị đình trệ. Sự sinh tồn của doanh nghiệp du lịch còn liên quan trực tiếp đến công ăn việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tạo tác động tiêu cực lan tỏa tới nhiều ngành nghề khác.

Nói cách khác, đóng cửa du lịch quốc tế là đang “đi ngược với chủ trương phục hồi kinh tế” của Nhà nước.

Theo Trưởng ban IV, Việt Nam cần phải mở cửa theo thông lệ quốc tế giống như nhiều quốc gia trên thế giới. “Hãy mở cửa vì quyền lợi của người dân, vì tương lai đất nước”, ông Bình nhấn mạnh.

Điều trăn trở nhất khi mở cửa du lịch quốc tế là nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thí điểm đón khoảng 9 nghìn du khách quốc tế trong 2 tháng qua không hề tác động tiêu cực tới công tác kiểm soát dịch.

Ông Bình lý giải, bản chất của vấn đề kiểm soát dịch bệnh là tiêm vaccine và các biện pháp hạn chế cần thiết, không liên quan tới việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Như vậy, “thật vô lý” nếu không mở cửa du lịch hoàn toàn.

Đứng trên góc độ ngành y tế, TS. Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock nhận xét, Việt Nam đang có độ phủ vaccine ở mức cao, là điều kiện phù hợp để mở cửa du lịch.

Đồng quan điểm với ông Bình, bà Thu Anh cho rằng các giải pháp phòng chống dịch trong giai đoạn hện nay như tiêm phủ vaccine, giãn cách hẹp, tập trung vào điều trị… đều không ảnh hưởng đến quyết định mở theo đóng cửa du lịch. Việt Nam cần mở cửa du lịch trước ngày 30/4 để tận dụng giai đoạn miễn dịch cộng đồng đang ở mức đỉnh cao.

Không cần thí điểm

Cuối năm 2021, ngành du lịch đã được tái khởi động thí điểm tại một số điểm đến hấp dẫn như Phú Quốc, Vũng Tàu. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chương trình thí điểm này đã đạt được một số kết quả khả quan.

Trong đó, thành công đầu tiên phải ghi nhận là đảm bảo được an toàn cho du khách. Ngoài ra, chương trình thí điểm cũng giúp du lịch Việt Nam xuất hiện trở lại, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách quốc tế.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Du lịch, chương trình thí điểm vẫn còn nhiều hạn chế như chính sách nhập cảnh phức tạp; quy định du khách phải cách ly 7 ngày; chưa đón khách bằng đường bộ và đường biển…

Tổng cục Du lịch đề xuất tiếp tục triển khai chương trình thí điểm, tiến đến mở cửa hoàn toàn cho khách quốc tế kể từ ngày 1/5, bên cạnh việc miễn thị thực cho khách quốc tế, phối hợp với Bộ Y tế để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Nói về kế hoạch mở cửa với quốc tế, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đưa ra quan điểm “mở cửa du lịch không cần thí điểm”, bởi “mở cửa du lịch là vấn đề sống còn của nền kinh tế Việt Nam”.

Ông Bình đề xuất các giải pháp như miễn visa cho khách du lịch; yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính 72 giờ trước khi lên máy bay. Những quy định này sẽ được chính doanh nghiệp thực hiện và chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp có đủ điều kiện đón khách quốc tế được yêu cầu đăng ký với Tổng cục Du lịch.

Song song với đó, các biện pháp xúc tiến du lịch cũng cần được triển khai, có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.

Đồng quan điểm với ông Bình, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhấn mạnh, cần phải bỏ quy định cách ly y tế đối với du khách. Đồng thời, các điều kiện phức tạp cũng cần được lược bỏ bớt, ví dụ như điều kiện về thị thực, hạn chế di chuyển…

Miễn visa, bỏ thủ tục cách ly cũng là đề xuất của ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines. Ông Quang kiến nghị Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công bố đón khách quốc tế ngay từ đầu tháng 2.