Đã triển khai đến đâu chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội?

Hoài Anh - 10:56, 19/06/2022

TheLEADERĐại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, đến nay, một số cơ chế, chính sách cơ bản thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn tất rà soát, bước đầu giải ngân, đưa nguồn lực vào nền kinh tế, nhất là về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đã triển khai đến đâu chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội?
Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư. Ảnh: VGP.

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư, mới đây đã thông tin về tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (chương trình).

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14/19 văn bản pháp luật, cơ bản hoàn thành việc ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện.

Tính đến tháng 5/2022, các chính sách thuộc chương trình đã giải ngân khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm thuế, phí đạt 22,6 nghìn tỷ đồng – đạt khoảng 35% kế hoạch.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân gần 4,9 nghìn tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách, bao gồm cho vay giải quyết việc làm; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách nhà ở xã hội; và cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

6 nghìn tỷ đồng tác động dự kiến từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP và Nghị định 32/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Về đầu tư công, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình; phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.

Cùng với đó là chủ trương đầu tư ba dự án quan trọng quốc gia thuộc chương trình, bao gồm cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Biên Hòa – Vũng Tàu.

Ông Trung cho biết thêm về danh mục nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình, chỉ trong hơn bốn tháng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có chín văn bản gửi các bộ, cơ quan và địa phương đề nghị rà soát, đề xuất danh mục, và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình.

Trên cơ sở đề xuất, rà soát của các bộ, cơ quan, địa phương, bộ đã có 8 văn bản báo cáo về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc chương trình.

Theo ông Trung, các giải pháp trong thời gian tới sẽ tập trung vào tiếp tục rà soát danh mục và khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, trình Chính phủ, dự kiến đầu tháng 7 báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để phân bổ vốn cho từng nhiệm vụ, dự án, và bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện.

Tuy nhiên, để có thể khởi công các dự án, trong điều kiện triển khai tích cực cơ chế đặc thù về chỉ định thầu và phân cấp, thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan cũng phải mất khoảng 5 – 6 tháng, dự kiến cuối năm 2022 mới bắt đầu thực hiện và giải ngân.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành văn bản tổ chức thực hiện; theo dõi sát sao, thường xuyên cập nhật tình hình, chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Ngoài ra, chủ động rà soát, bảo đảm các điều kiện để triển khai dự án (mặt bằng, nhân công, mỏ vật liệu…) ngay sau khi được phân bổ vốn để thực hiện.

Các mục tiêu chủ yếu của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chương trình xác định năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tổng quy mô nguồn lực thực hiện (nguồn lực tài khóa, tiền tệ và các nguồn lực khác) tối đa là 347 nghìn tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển tối đa là 176 nghìn tỷ đồng (bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng tối đa 136 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại tối đa 40 nghìn tỷ đồng).