Cân bằng 4 chân bàn khi khởi nghiệp

Quỳnh Chi - 11:18, 11/03/2022

TheLEADERTheo Tổng giám đốc Talentnet Tiêu Yến Trinh, bốn chân bàn bao gồm chuyên môn để tạo sản phẩm, xây dựng văn hoá doanh nghiệp ngay từ đầu, xây dựng hệ thống quản trị chuyên nghiệp và chiến lược thị trường.

Cân bằng 4 chân bàn khi khởi nghiệp
Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch kiêm CEO Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet)

Ngoài vai trò làm Chủ tịch kiêm CEO Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet) do chính mình sáng lập, bà Tiêu Yến Trinh còn đầu tư và làm đồng sáng lập cho một số công ty khởi nghiệp. Bà thường xuyên nhận được những câu hỏi như “các kỹ năng cần thiết mà người trẻ cần có để thành lập công ty thành công”.

Theo quan sát của bà, những người làm khởi nghiệp ngày nay rất "máu lửa", tham vọng và đặc biệt rất chú trọng chuyên môn, cụ thể là tập trung đầu tư cho các giải pháp công nghệ, tạo sản phẩm.

“Đó là điều tốt nhưng nó bị lệch. Chiếc bàn có bốn chân nhưng ba chân còn lại ít được chú ý trong khi rất quan trọng”, bà Trinh nói.

Ba chân bàn còn lại mà những người làm khởi nghiệp cần lưu ý là xây dựng văn hoá doanh nghiệp ngay từ đầu; định hướng xây dựng quản trị cho tốt; xây dựng chiến lược thị trường.

Nhớ lại giai đoạn đầu khởi nghiệp, bà Trinh và những người cùng thời nhìn nhận, cơ hội với người trẻ giờ đây lớn hơn rất nhiều. Nguồn lực trong xã hội hiện nay rất lớn, từ các nhà đầu tư và chuyên gia cũng như những người có kinh nghiệm trong cùng ngành nghề, chỉ chờ người trẻ chủ động hơn để tiếp cận.

Một gợi ý khác dành cho người trẻ được CEO Talentnet đưa ra là làm việc cho các tập đoàn lớn trong vài năm để học hỏi, có tầm nhìn quản trị chuyên nghiệp để biết cách dẫn dắt công ty hiệu quả hơn khi quyết định ra riêng.

Năm 1996, ngay sau khi tốt nghiệp, bà Tiêu Yến Trinh đã quyết định đầu quân cho PricewaterhouseCoopers (PwC) và hai năm sau đó tiếp quản vai trò trưởng phòng cao cấp bộ phận nhân sự của công ty (ESS) trong suốt mười năm liền.

Năm 2007 do mâu thuẫn về lợi ích toàn cầu, PwC buộc phải bán ESS. Bà Trinh đã thuyết phục PwC chuyển giao lại cho mình để thành lập Talentnet với 12 thành viên đầu tiên của công ty chính là những con người trong đội ngũ do bà Trinh quản lý ở công ty trước đó.

Từ người làm thuê với vai trò quản lý sang làm CEO là một sự thay đổi rất lớn, đòi hòi rất nhiều kỹ năng đặc biệt. Bà Trinh cho biết đã phải đi học lớp CEO chuyên nghiệp để nhìn tổng quan cách thức lãnh đạo, thiết lập hệ thống quản trị, xây dựng văn hoá doanh nghiệp…

“Ngay từ những ngày đầu tiên, tôi đã xây dựng tầm nhìn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã có khát khao, hoài bão và ước mơ về một doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt đóng vai trò dẫn dắt, có uy tín trên thị trường, không thua kém doanh nghiệp nước ngoài”, bà Trinh nói.

Bên cạnh thế mạnh chính về việc cung cấp các giải pháp nhân sự, bà Trinh cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của các yếu tố chính liên quan đến tầm nhìn, chiến lược và văn hoá doanh nghiệp. Nhờ là người làm trong nghề nhân sự lâu năm nên bà đã xây dựng được hệ thống năng lực, văn hoá doanh nghiệp, quản trị nhân sự… ngay từ đầu.

Xác định “lãnh đạo phải có tư duy nâng tầm bản thân thì mới có thể nâng tầm doanh nghiệp”, CEO Talentnet luôn tìm kiếm những CEO xuất sắc trên thị trường trong nước, khu vực và cả toàn cầu để học hỏi kinh nghiệm.

Lãnh đạo phải có tư duy nâng tầm bản thân thì mới có thể nâng tầm doanh nghiệp
Tiêu Yến Trinh
Chủ tịch kiêm CEO Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet)

Nhờ cùng đội ngũ xây dựng được tầm nhìn, chiến lược rõ ràng mà Talentnet thu hút được người tài tham gia. Từ 12 thành viên ban đầu, đến nay, số lượng nhân sự ở Talentnet đã đạt con số 300 người, cung cấp toàn bộ giải pháp nhân sự cho khoảng 1.000 doanh nghiệp.

Bà cũng tư duy, làm kinh doanh không chỉ để kiếm tiền mà còn là để tạo ra giá trị lớn cho cộng đồng và xã hội. Nhờ thực hiện trao quyền cho 50 lãnh đạo trong công ty, bà Trinh có thể yên tâm dành tới 50% thời gian cho các hoạt động cộng đồng, cho những thứ bà đam mê mà nổi bật trong đó là làm thành viên của các hiệp hội trong và ngoài nước.

Cân bằng cuộc sống - công việc

Dù ở vai trò nào, bà Trinh cho rằng cũng cần quay trở về từ bản thân trước, dành 20% thời gian và nguồn lực cho đam mê và sở thích của bản thân để liên tục tái tạo năng lượng và 80% còn lại cho các hoạt động khác liên quan đến công ty, cộng đồng, gia đình và các mối quan hệ khác. Mọi thứ đều được bà Trinh lên kế hoạch và mục tiêu rất rõ ràng hàng năm với các hoạt động cụ thể, coi đó là kim chỉ nam cho cuộc đời.

“Trong cuộc đời con người có hai khoảnh khắc quan trọng là lúc được sinh ra và lúc xác định được mục tiêu sống, hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời. Khám phá ra được bản thân thì rất hạnh phúc”, CEO Talentnet nói.

Tuy nhiên, hành trình mục tiêu đó còn có sự xuất hiện của yếu tố cảm xúc nên bà cho rằng phải cân đối, hài hoà ở từng thời điểm khác nhau cho phù hợp.

“Có những lúc nhiều dự án và hoạt đọng cộng đồng dồn lại thì tôi phải chia sẻ với chồng con để tìm kiếm sự thấu hiểu cho những việc mình đang làm, dành việc đi du lịch kết nối gia đình ở thời điểm khác. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn đặt mục tiêu nói chuyện với con về các triết lý sống quan trọng, kết nối với con như người bạn”, bà Trinh chia sẻ.

Theo bà Trinh, sự kết nối giữa cuộc sống và công việc cũng như những lúc lên cao và xuống thấp của nhịp tim. Việc lắng nghe và thấu hiểu bản thân là điều hết sức quan trọng. Thậm chí, có những lúc phải biết nói “không” với các dự án để tránh kiệt sức.

“Dù ở cấp độ nhân viên, quản lý hay lãnh đạo cấp cao thì đều nên kết nối với bản thân và điều tiết trên hành trình mục tiêu để tự có được năng lượng cao nhất, truyền cảm hứng cho bản thân trước rồi truyền cho người khác”, bà Trinh nói.