Dân số vàng nhưng vẫn 'khát' nhân lực công nghệ cao

Việt Hưng - 08:45, 15/09/2023

TheLEADERSo với các quốc gia định hướng công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam khá thấp, chỉ ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động.

Với việc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất chọn công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột mới của quan hệ hai nước, đặc biệt là hoạt động thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số lượng hạn chế các kỹ sư có kinh nghiệm sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp chip tại Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam có ưu thế cao nhờ cơ cấu dân số vàng với 69% trong độ tuổi lao động, nhưng vẫn đang gặp tình trạng thiếu hụt nhân lực đáng kể.

Không riêng ngành chip bán dẫn, mà tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ cao đang trở thành bài toán chung của rất nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước.

Báo cáo "Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số" phát hành bởi FPT Digital đã chỉ ra, Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm.

Tuy vậy, chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự công nghệ thông tin này đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc.

Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động. Tỷ lệ này được cho là khá thấp so với các quốc gia định hướng công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ.

Cụ thể, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin của Ấn Độ là 1,78% trên tổng số lao động quốc gia, của Hàn Quốc là 2,5% và của Mỹ là 4%. Tuy nhiên, tỉ lệ này của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 2% và cùng với đó là nâng cao chất lượng kỹ thuật trong thời gian tới.

Dân số vàng nhưng vẫn 'khát' nhân lực công nghệ cao
Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam khá thấp

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT từng đề xuất Chính phủ Mỹ đầu tư đào tạo từ 30.000 đến 50.000 chuyên gia bán dẫn cho Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành này, cam kết nỗ lực góp phần vào mục tiêu này.

Phía FPT cũng mong muốn Đại học FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và AI, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.

Điều này cho thấy, nhu cầu về nhân lực công nghệ cao hiện rất lớn. Nhất là khi Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ cao. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) có nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á.

Những gã khổng lồ công nghệ như Samsung, Apple, LG, Foxconn, Cisco, Toshiba… đã hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam, bao gồm cả mảng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Không chỉ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, mà cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng nóng lòng tìm kiếm nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam.

Near Foundation - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thuỵ Sĩ quản lý nền tảng Near Protocol - công ty blockchain kỳ lân hàng đầu thế giới tin rằng, Việt Nam sẽ sớm trở thành hình mẫu toàn cầu về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Near Foundation hiện coi Việt Nam là một trong những thị trường được ưu tiên hàng đầu cho công nghệ blockchain và Web3, với nhiều ứng dụng được chính minh đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lẫn người dùng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, phía Near Foundation cho biết đã và đang đầu tư rất nhiều vào nguồn lực nhân sự tại Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin được xem là cốt lõi của hệ sinh thái.

"Trước hết, doanh nghiệp phải hiểu rõ mình cần những công nghệ gì, và công nghệ đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào. Sau khi đã hiểu rõ được bản thân, doanh nghiệp sẽ xây dựng cho mình một đội ngũ phù hợp với lộ trình phát triển rõ ràng", đại diện Near Foundation Việt Nam nhấn mạnh.

Dân số vàng nhưng vẫn 'khát' nhân lực công nghệ cao 1
Nhu cầu về nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam hiện rất lớn

Là một fintech hàng đầu tại Việt Nam, MoMo đã liên tục chuyển mình từ khi thành lập đến nay, từ một doanh nghiệp chú trọng vào phân tích dữ liệu và hiện là tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân.

Nhưng cũng giống như FPT, hay Near Foundation, MoMo cũng "khát" nguồn nhân lực công nghệ cao, dù liên tục đầu tư mạnh vào AI hay công nghệ dữ liệu.

"Chúng tôi mong muốn tìm kiếm những đồng đội để cùng nhau làm sâu và sát nhất, gắn với kinh doanh", ông Thái Trí Hùng - Phó Tổng Giám Đốc và CTO MoMo khẳng định.

Tính đến hiện tại, MoMo có gần 600 kỹ sư công nghệ trong đó nhân sự cho AI chiếm khoảng 20%. Đội ngũ này đang làm việc trực tiếp cùng các đơn vị kinh doanh để đưa ra những lời giải cụ thể về các vấn đề nóng và hóc búa như tăng trưởng kinh doanh cho công ty, hỗ trợ các đối tác và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Trong chiến lược phát triển trung và dài hạn, công nghệ được xác định sẽ là "động cơ lõi" cho tăng trưởng của MoMo và AI chính là thành phần cốt yếu.

Ngoài việc ứng dụng các công nghệ mới, nguồn nhân lực công nghệ cũng được công ty tập trung đầu tư và đang tăng trưởng mạnh cùng với tốc độ phát triển của MoMo.

Bên cạnh các trung tâm công nghệ hàng đầu tại TP. HCM, Hà Nội (thành lập năm 2019), MoMo đã thành lập Trung tâm công nghệ thông tin tại Đà Nẵng và có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn lên đến vài trăm người cho cả 3 trung tâm này.

Trong thời gian tới MoMo có kế hoạch hợp tác các trường đại học để có những chương trình nhằm hỗ trợ, đào tạo và phát triển nhân sự trong lĩnh vực AI.