Đánh rơi 58 tỷ USD vì ít chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu

Lan Anh - 16:14, 11/04/2019

TheLEADERNội địa hóa thấp đang khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều lợi ích từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như xuất khẩu đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Trình bày tại hội thảo xúc tiến đầu tư “Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án liên kết USAID cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nhận định mức độ nội địa hóa thấp và ít tham gia của DNVVN trong chuỗi giá trị toàn cầu đang cản trở lợi ích từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế.

Hiện chỉ có khoảng 21% DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn nhiều của Thái Lan (trên 30%) và Malaysia (46%).

Ông Ron Ashkin nhấn mạnh mức độ nội địa hóa ở Việt Nam còn thấp khi tỷ lệ nhập khẩu đầu vào so với giá trị sản phẩm phần lớn trên ngưỡng 50%.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, nội địa hóa dưới mức trung bình khi tới 77% giá trị của sản phẩm điện tử được nhập khẩu. Con số này ở sản phẩm điện thoại thông minh và dược thậm chí còn cao hơn khá nhiều, lần lượt ở mức 79% và 85 – 90%.

Đối với lĩnh vực công nghiệp với nhiều ngành nghề là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, nội địa hóa cũng kém hơn mức trung bình. 67% giá trị sản phẩm dệt may và 47% giá trị sản phẩm giày dép đến từ nhập khẩu đầu vào.

Chỉ tính riêng mức nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam cũng đang đi sau rất nhiều địa điểm đầu tư khác. Nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đạt hơn 33% năm 2017, chưa bằng một nửa con số 67,3% của Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều Thái Lan (56,8%) hay Đài Loan (55,4%).

Dựa vào mức xuất khẩu gần 244 tỷ USD năm 2018 cùng mức độ đóng góp của doanh nghiệp FDI (70%), Việt Nam hiện đạt được khoảng 57 tỷ USD giá trị nội địa hóa qua chuỗi giá trị toàn cầu với mức nội địa hóa trung bình 33%.

Trong khi đó, Việt Nam có thể đạt mức nội địa tiềm năng là 67%, tương đương giá trị khoảng 115 tỷ USD, đồng nghĩa với 58 tỷ USD tiềm năng phát triển thông qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Ron Ashkin phân tích.

58 tỷ USD bị đánh rơi vì ít chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu
Sản xuất chưa tinh gọn là một trong những nguyên nhân khiến DNVVN khó chen chân vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Ảnh: baodauthau

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) tại hội thảo cho rằng DNVVN Việt Nam gặp phải một số khó khăn khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu như không đáp ứng được giá hay đơn hàng theo yêu cầu.

Thực trạng này xuất phát từ chi phí đầu vào cao (bao gồm thuế, phí, chi phí không chính thức), sản xuất chưa tinh gọn nên giá thành cao, doanh nghiệp nhỏ chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ và thiếu các công đoạn gia công có chất lượng.

DNVVN còn thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp, từ yêu cầu bắt buộc tới yêu cầu chung và khuyến khích thực hiện của các doanh nghiệp nước ngoài như ISO 9001:2015, ISO 13495, CE, ISO về an toàn lao động và trách nhiệm xã hội.

Ngoài ra, những doanh nghiệp này còn thiếu kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế cũng như thiếu thông tin về xu thế, công nghệ, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp, bà Bình nhận định.

Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) khuyến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu lựa chọn sản phẩm dự kiến cung ứng phù hợp năng lực cạnh tranh của Việt Nam, có sự phù hợp/cam kết với định hướng của các công ty đầu chuỗi.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cung ứng trong nước theo từng giai đoạn, ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài và nội địa vào sản xuất cũng như hỗ trợ chuyển giao sang các doanh nghiệp nội địa được lựa chọn.