Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh: Nguồn lực cần được phát huy

Nhật Hạ - 08:56, 09/10/2022

TheLEADERVì sao mỗi lần iPhone mở bán thì nhiều người xếp hạng mua? Đây phải chăng là chữ tín, đạo đức và văn hóa kinh doanh của họ. Nhận thấy, doanh nghiệp Việt cũng cần quan tâm đến vấn đề đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, bởi đây là nguồn lực to lớn, tạo ra sức hấp dẫn của sản phẩm, mang tính cấp bách để cạnh tranh thành công trong bối cảnh hiện nay, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

Nền kinh tế nước ta hội nhập rất sâu rộng với kinh tế thế giới, sức ép cạnh tranh và sự đào thải doanh nghiệp, lao động ngày càng gia tăng. Trong bối cạnh cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu và ngay trong lãnh thổ Việt Nam, mọi nguồn lực của doanh nghiệp đều phải phát huy, vì nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng là sự thắng thua.

Doanh nghiệp các nước, đặc biệt các nước phát triển, đang phát huy rất tốt nguồn lực đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt rất tiếc trong giai đoạn vừa rồi chưa quan tâm tới nguồn lực này, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết tại tọa đàm “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 8/10.

Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh: Nguồn lực cần được phát huy
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công. Ảnh: Nhật Bắc

Theo ông Công, Việt Nam mới bước sang kinh tế thị trường được mấy chục năm và vẫn đang trong giai đoạn ‘học bài’ nên phải nhìn sang các nước và cần thấy rằng đạo đức doanh nhânvăn hóa kinh doanh là nguồn lực to lớn và uy tín sẽ tạo ra sức hấp dẫn của sản phẩm.

Đơn cử như Tập đoàn Apple, mỗi lần iPhone mới mở bán thì nhiều người xếp hàng chờ mua. Đây phải chăng cũng là chữ tín, đạo đức và văn hóa kinh doanh của họ.

Vì vậy, giai đoạn sắp tới, để cạnh tranh trong bối cảnh ‘khó khăn nhiều hơn thuận lợi’ như Thủ tướng Phạm Minh Chính hay nói trong các cuộc họp Chính phủ năm nay, doanh nghiệp Việt phải quan tâm đến vấn đề đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh. Đây vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Nhìn xa hơn, để trở thành quốc gia phát triển văn minh, sánh vai các cường quốc mà chúng ta đang hướng tới thì phải xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh xứng tầm với một quốc gia phát triển và ngang tầm với các nước văn minh nhất trên thế giới.

Chính vì vậy, VCCI mới đây đã công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam bao gồm tạo giá trị cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Chủ tịch VCCI cho rằng, đây là câu chuyện không chỉ một con người, một tổ chức có thể làm được mà toàn bộ xã hội, toàn bộ hệ thống, trong đó đầu tiên là giới doanh nhân Việt Nam phải tiên phong thực hiện.

Ông mong rằng ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tham gia thực hành đạo đức kinh doanh chuẩn mực, mang bản sắc văn hóa Việt Nam nhưng đồng thời có tinh hoa của quốc tế để tạo ra sức mạnh mới cho doanh nghiệp Việt trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay.

Đồng thời, ông cũng kỳ vọng về mặt thể chế sẽ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày càng quan tâm đến câu chuyện này và sẽ có những chính sách, thể chế kịp thời khích lệ việc thực hành đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần tham gia, từng doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong câu chuyện này.

Về lâu dài, đây là câu chuyện rất lớn, rất quan trọng và quyết định đến sự thành công của quốc gia trong hội nhập quốc tế cũng như trong khát vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, theo Chủ tịch VCCI.

Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh: Nguồn lực cần được phát huy 1
Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC. Ảnh: Nhật Bắc

Đồng quan điểm, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC cũng cho rằng đạo đức kinh doanh là một trong những yếu tố mà tất cả doanh nghiệp cần phải đặt lên hàng đầu.

Liên quan đến toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Việt cần khẳng định 2 vị thế gồm khẳng định thành công ở chính thị trường Việt Nam, bởi vì doanh nghiệp nước ngoài giờ đây cũng tham gia cạnh tranh trực tiếp ở thị trường trong nước; đồng thời khẳng định vị thế của chúng ta trên thị trường quốc tế.

Như CMC, để khẳng định 2 vị thế trên, ông Tùng cho biết “chúng tôi xác định rõ ràng về tư tưởng từ ban lãnh đạo đến toàn thể cán bộ nhân viên”.

Đầu tiên là luôn khẳng định về cam kết hướng tới khách hàng và mang lại giá trị cho khách hàng. CMC mong muốn và phải xây dựng nhiều các giá trị mà có thể cạnh tranh với đối thủ ngay tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn mong muốn khẳng định tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế.

CMC đã tham gia trong toàn bộ chuỗi công nghệ. Hiện nay, tập đoàn có 10 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, công nghệ và phát triển phần mềm công nghệ thông tin cũng như các giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin cho khách hàng quốc tế. Gần đây nhất, CMC đã mở ra lĩnh vực giáo dục và đào tạo qua trường đại học CMC Uni.

Tất cả những việc này đều phải thống nhất về đạo đức kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp, cũng như uy tín và cam kết của CMC cho tất cả các lĩnh vực, ông Hồ Thanh Tùng nhấn mạnh.

Đối với CMC, mỗi công ty thành viên đều có khó khăn nhất định trong việc khẳng định vị thế cũng như cạnh tranh trong các lĩnh vực hẹp. Nhưng đều sẽ phải thống nhất về tư tưởng trong toàn bộ tập đoàn. Đấy là cách của CMC đang xây dựng và tổ chức, theo ông Tùng.