Đạo đức doanh nhân: Khi sức mạnh mềm thành trụ cột

Phương Anh - 18:16, 06/10/2022

TheLEADERXây dựng văn hóa kinh doanh cần bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân, trong đó, đạo đức là gốc, là nền tảng.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá việc xây dựng đạo đức doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế cho thấy hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã phát triển với tư duy, tầm nhìn dài hạn, nhờ đó đã vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ, trở thành trụ cột cho các ngành kinh tế, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài, ông cho biết tại buổi họp báo của VCCI về các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 mới đây.

Dữ liệu công bố từ VCCI gần đây cho biết tính đến hết năm 2021, Việt Nam có gần 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp, và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế). Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hàng triệu người.

Việt Nam đã có 7 doanh nhân lọt vào tốp tỷ phú USD toàn cầu năm ngoái, có 124 doanh nghiệp với hơn 280 sản phẩm là thương hiệu quốc gia.

Trong số đó, một số thương hiệu gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, gạo ST25.

Đạo đức doanh nhân: Khi sức mạnh mềm thành trụ cột
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi họp báo mới đây của VCCI.

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, chưa như kỳ vọng. Mục tiêu số lượng 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn.

Không chỉ vậy, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hoá truyền thống và cả quy định pháp luật.

Chia sẻ về chủ đề này, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, nhấn mạnh đạo đức, văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm, là nguồn lực to lớn của mỗi doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp các nước có văn hoá kinh doanh cao như Nhật Bản, Đức, Mỹ… luôn chiếm được niềm tin nơi khách hàng, và có giá cả cao hơn, đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp.

Theo bà, văn hoá kinh doanh có ba tầng gắn với ba chủ thể chính là doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, doanh nhân là chủ thể có vai trò hạt nhân, là cốt lõi để hình thành văn hoá doanh nghiệp và văn hoá kinh doanh quốc gia.

Do đó, trong xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, cần bắt đầu từ xây dựng từ con người doanh nhân Việt Nam, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng, bà nhấn mạnh.

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/9/2011 của Bộ Chính trị, và văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đều yêu cầu “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ…”.

Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nhân, cũng như vinh danh các doanh nhân tiêu biểu để thúc giục, truyền cảm hứng cho cộng đồng càng trở nên cấp thiết, đặc biệt khi nhiều vụ việc không lành mạnh diễn ra gần đây.

Trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, VCCI cho biết hai hoạt động quan trọng là Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”, và công bố danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là danh hiệu cao quý quốc gia được trao tặng cho các doanh nhân tiêu biểu Việt Nam. Năm nay là năm đầu tiên có sự đổi mới toàn diện, hướng đến mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững.

Đây cũng là năm đầu tiên các tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong xem xét, bình chọn.

VCCI cho biết chương trình cũng có biểu trưng mới với các cánh hướng lên cao, lấy cảm hứng từ vương miện của vua Hùng, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước và ý chí vươn lên của doanh nhân Việt Nam.

Biểu trưng có sáu cánh, biểu tượng cho sáu tiêu chuẩn quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố, bao gồm tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.