Dấu hiệu trở lại 'đường đua' của Hòa Phát

Trần Anh - 13:18, 06/03/2024

TheLEADER2 tháng đầu năm, tập đoàn Hòa Phát sản xuất 1,38 triệu tấn thép thô, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023.

Dấu hiệu trở lại 'đường đua' của Hòa Phát
Công nhân nhà máy thép Hòa Phát. Ảnh: Hoàng Anh

Trong tháng 2/2024, tập đoàn Hòa Phát ghi nhận sản xuất 690.000 tấn thép thô, tương đương tháng trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép cung cấp ra thị trường đạt 518.000 tấn, giảm 19% so với tháng đầu năm nhưng tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tiêu thụ thép Hòa Phát giảm chủ yếu do rơi vào đợt nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, kết hợp với nhu cầu thị trường chung chưa được cải thiện. 

Thép xây dựng, thép chất lượng cao ghi nhận 212.000 tấn, giảm 42% với tháng 1/2024. Hòa Phát còn cung cấp hơn 38.000 tấn phôi thép cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó xuất khẩu đóng góp 25.000 tấn.

Thép HRC đạt 266.000 tấn, giảm 3% so với tháng 1 vừa qua, chủ yếu do thị trường xuất khẩu giảm so với tháng đầu năm. Thị trường nội địa vẫn ghi nhận tăng sản lượng ở cả 3 miền.

Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp ra thị trường 41.000 tấn ống thép, 32.000 tấn tôn mạ, giảm lần lượt 15% và 5% so với tháng đầu năm

Lũy kế 2 tháng vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 1,38 triệu tấn thép thô, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 1,15 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ.

Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 575.000 tấn, giảm 2% so với 2 tháng đầu 2023. Thép HRC đóng góp 542.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Với các sản phẩm hạ nguồn HRC, Ống thép Hòa Phát ghi nhận 88.000 tấn sau 2 tháng, giảm 17%. Tôn mạ các loại đạt sản lượng 66.000 tấn, tăng 39%, chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu tôn 2 tháng qua tốt hơn so với cùng kỳ 2023.

Theo báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam, Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép với lần lượt là 36% và 25,27%, tại thời điểm cuối tháng 1/2024.

Thời gian gần đây, tập đoàn Hòa Phát liên tiếp có những động thái mở rộng đầu tư. Năm ngoái, tập đoàn đã rót thêm 13.000 tỷ đồng vào dự án Dung Quất 2, nâng tổng chi phí xây dựng cơ bản dở lên khoảng 1 tỷ USD.

Vào đầu tháng 3, Hòa Phát ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên), với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD).

Các dự án này bao gồm Cảng Bãi Gốc (khoảng 24.000 tỷ); Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (13.300 tỷ); Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (86.000 tỷ).

Lãnh đạo tập đoàn này tin rằng các dự án sẽ tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên, đóng góp ngân sách cho địa phương mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Các công ty phân tích nhìn nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong thời gian gần đây của Hòa Phát là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp này đang bước vào một chu kỳ kinh doanh mới.

SSI Research tin rằng lợi nhuận của Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tăng hơn 30%/năm trong giai đoạn 2025 - 2027 nhờ việc khởi công dự án Dung Quất 2 vào năm 2025 - 2026. Dự án Dung Quất 2 tính tới cuối quý IV/2023 đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch.

Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép/năm, đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Theo kế hoạch, dự án KLH Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.

Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.

Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Shinhan dự phóng lợi nhuận sau thuế của Hòa Phạt có thể tăng trưởng 135% trong năm 2024 lên 15.973 tỷ sau đó tiếp tục tăng 47% lên mức 23.407 tỷ trong năm 2025.