Dấu hỏi về chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán

Trần Anh - 13:59, 26/12/2019

TheLEADERChủ sở hữu của các công ty thành lập tại các thiên đường thuế như Cayman Islands, British Virgin Islands có thể đến từ bất cứ đâu trên thế giới và hoàn toàn có thể từ Việt Nam.

“Bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài” là thông tin luôn được các nhà đầu tư, cổ đông của các công ty đại chúng, đặc biệt công ty niêm yết quan tâm. Một công ty Việt Nam nhận được đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài thường được đánh giá cao về một hoặc nhiều yếu tố như mô hình kinh doanh, triển vọng thị trường, lợi thế đặc thù trong ngành….

Đặc biệt, thông qua giao dịch đầu tư, một mức định giá cổ phiếu công ty sẽ được xác lập là cơ sở để các nhà đầu tư cá nhân tham khảo. Không ít đợt phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra những “con sóng lớn”, đẩy giá cổ phiếu tăng cao và mang lại lợi ích cho những nhà đầu tư, bằng cách nào đó biết trước những thông tin về đợt phát hành.

Trong lịch sử gần 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, hàng trăm đợt phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đã được thực hiện. Nhà đầu tư có thể là các quỹ danh tiếng từ các thị trường tài chính Âu, Mỹ và Châu Á đến các công ty đầu tư vô-danh ở thiên đường thuế Cayman Islands, British Virgin Islands.

Dù vậy, những năm gần đây, không phải đợt phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài nào cũng được đánh giá cao và nhà đầu tư trong nước tỏ ra khá bình thản khi doanh nghiệp công bố các thông tin này. Một phần vì khi thông tin đến được các nhà đầu tư đại chúng thì giá cổ phiếu đã tăng đáng kể.

Lý do còn nằm ở chỗ nhiều thương vụ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thuần túy mang ý nghĩa giao dịch tài chính mà không mang lại giá trị hợp lực, giúp doanh nghiệp phát triển. Có những giao dịch luôn kèm theo các cam kết bên ngoài phạm vi phải công bố thông tin, khiến nhà đầu tư cá nhân, có thể đánh giá sai và thực hiện các giao dịch dẫn đến thua lỗ.

Tháng trước, một cổ đông của Ngân hàng Á Châu (ACB) đã huy động 1.400 tỷ đồng bằng trái phiếu từ nhà đầu tư nước ngoài với lãi suất công bố lên đến 20%/năm. Cổ đông này là Công ty Hồng Hoàng đã thế chấp gần 61 triệu cổ phiếu ACB cho một công ty tại Cayman Islands.

Thông qua một số công ty trung gian khác và các giao dịch đặc biệt, công ty tại thiên đường thuế có thể đã có quyền nắm giữ toàn bộ lợi ích từ việc sở hữu số cổ phiếu ACB trên của công ty Hồng Hoàng, thay vì nắm giữu trực tiếp do hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Nhưng điều đặc biệt là chủ sở hữu của các công ty thành lập tại các thiên đường thuế như Cayman Islands, British Virgin Islands có thể đến từ bất cứ đâu trên thế giới và hoàn toàn có thể từ Việt Nam.

Việc thành lập các pháp nhân này hiện nay được thực hiện bởi các công ty dịch vụ pháp lý, với thủ tục nhanh gọn và phần lớn được thực hiện qua mạng. Ở một số nước, vùng lãnh thổ, chủ sở hữu công ty, hoặc người được ủy quyền, chỉ cần khoảng 1 ngày có mặt tại cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất các giấy tờ cần thiết, trước khi pháp nhân đi vào hoạt động.

Bảng tóm tắt các điều kiện thành lập pháp nhân tại một số khu vực dưới đây của công ty dịch vụ pháp lý cho thấy, các yêu cầu tối thiểu như chỉ cần 1 cổ đông, 1 giám đốc, số vốn khoảng 50 ngàn USD, thậm chí không cần báo cáo thường niên…

Dấu hỏi về chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán
Tóm tắt điều kiện thành lập pháp nhân ở BVI, Cayman, Hongkong và Singapore

Sử dụng dịch vụ này phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán là các Công ty quản lý quỹ đầu tư như VinaCapital hay DragonCapital. Để nắm giữ các khoản đầu tư, các công ty này thành lập hàng chục pháp nhân ở các thiên đường thuế như một giải pháp trung gian sở hữu. Hãng hàng không VietJet cũng lập 4 công ty tại British Virgin Islands, Singapore và Ireland để thực hiện việc kinh doanh và cho thuê tàu bay.

Trong dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam những năm qua, nhiều tập đoàn cũng sử dụng các pháp nhân tại Cayman Islands, British Virgin Islands để đăng ký vốn đầu tư vào Việt Nam. Kết quả là 2 cái tên này thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu những đối tác đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam, bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc.