'Đây là thời cơ vàng để Việt Nam có thể bứt phá trở thành một cường quốc'

Kim Yến - 14:09, 09/09/2020

TheLEADERĐó là cơ hội để Việt Nam có thể bứt phá, nên chúng ta phải làm thật nhanh. Vì điều kiện để một quốc gia bứt phá trở thành một cường quốc là phải thực hiện trong giai đoạn cơ cấu vàng của dân số. Nếu không thực hiện nhanh thì điều kiện tích luỹ cho sản xuất qua rất nhanh.

Đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội trên khắp thế giới và có thể kéo dài 2 năm nữa với nhiều kịch bản khác nhau đang đặt chúng ta trước những thách thức chưa từng có. Bên cạnh những hệ quả nặng nề về sinh mạng, về kinh tế, chính trị, văn hoá… con người đang chịu sự tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, nhất là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo một khảo sát của giáo sư trị liệu Michael Freeman tại Đại học Califonia, San Francisco, một phần ba số doanh nhân phải chịu đựng trạng thái trầm cảm. Trầm cảm đang len lỏi tới mọi ngõ ngách của cuộc sống. 

Tại Việt Nam, một đất nước mà nhiều thế hệ đã phải gánh chịu quá nhiều những mắc kẹt sâu thẳm từ các cuộc chiến tranh liên miên như Việt Nam, những kết uất từ nhiều thế hệ chưa được giải toả chồng chất lên nhau, khiến cho những căng thẳng, lo âu, trầm cảm ngày càng phát lộ, nhất là trong đại dịch, khi những hoang mang, lo lắng về tương lai mờ mịt của cả loài người đang bị đẩy đến cực điểm.

Với doanh nhân, người đang chịu trách nhiệm nặng nề về số phận của chính mình, của gia đình mình, và cả hàng ngàn nhân viên mình, áp lực ngày càng đè nặng trên vai khiến cho không ít người đã bị đổ vỡ, mất phương hướng, có người đã tìm đến tôn giáo như một cứu cánh, hoặc các khoá huấn luyện tinh thần, các trường đào tạo doanh nhân… Nhưng thật đau xót khi đã có người điên vì thiền, hoặc lại rơi vào một mê cung khác… Trong bối cảnh thực giả lẫn lộn, những triết lý kinh doanh quá coi trọng đồng tiền đang làm mất đi nhân tính của cả người thầy và người trò, ngay cả trong môi trường tâm linh…

Làm thế nào để nhận diện được sức mạnh và yếu kém, sợ hãi trong tâm thức, trong một thời đại mới đầy tính bất trắc và bất định, nhưng cũng hứa hẹn cho sự sáng tạo và chuyển hóa…? Làm thế nào để mỗi người có thể tự bào chế “vaccine tinh thần” cho bản thân và cả doanh nghiệp mình để vượt qua khủng hoảng, mở ra thời kỳ mới với nhiều đột phá…?

Những câu hỏi đầy trăn trở đó đã được các doanh nhân hàng đầu trong nhiều ngành nghề khác nhau, các chuyên gia tâm lý, giáo dục… trao đổi đầy thú vị trong cuộc toạ đàm “Quản trị sức khoẻ tinh thần của doanh nhân thời đại dịch” do TheLEADER tổ chức tại TP. HCM.

Không chỉ đề cập đến những chiến lược cụ thể để vượt qua khủng hoảng của mỗi doanh nghiệp, toạ đàm còn đi sâu phân tích sức mạnh nội lực của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp, giúp cho mỗi người có thể soi rọi lại chính mình, để củng cố niềm tin, lẽ sống, như những neo giữ bền vững nhất giữa bao giông bão của cuộc đời.

Bài 1: “Đây là thời cơ vàng để Việt Nam có thể bứt phá trở thành một cường quốc”

Thật bất ngờ giữa cơn sóng trùng điệp của những khó khăn với ngành xây dựng ngay cả trước và trong đại dịch khiến cho giá cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chao đảo, số phận thương hiệu có lúc tưởng chừng như phải đối diện với nguy cơ một mất một còn… ông chủ tập đoàn hàng đầu trong ngành xây dựng Việt Nam lại có thể bình tĩnh được để viết với một tốc độ chưa từng có, và kịp cho ra mắt cuốn sách “Thập kỷ vàng, trang sử mới”.

Điều bất ngờ hơn nữa là cuốn sách không chỉ nói về cá nhân ông, về Tập đoàn Hoà Bình, mà đề cập đến điều lớn lao hơn, đó là cơ hội có một không hai để Việt Nam có thể bứt phá, viết nên một trang sử mới cho nền kinh tế

“Điều chắc chắn phải đảm bảo công ty sống sót sau đại dịch”

Trong ngành xây dựng, thuyền càng lớn thì sóng càng lớn. Là doanh nghiệp đang thực hiện rất nhiều công trình trọng điểm cho các thương hiệu bất động sản lớn, bối cảnh Covid-19 đang đặt nhiều doanh nghiệp bất động sản và nhất là ngành xây dựng trước một tương lai đầy bất định, tồn tại hay không tồn tại quả thực là câu hỏi nhức nhối, điều ấy cũng đang xảy ra với Hoà Bình. 

Làm thế nào để giữ được sự bình tĩnh cho chính mình để tìm ra những lối thoát trong khung cửa hẹp, giữ được tinh thần vững vàng cho anh em toàn đội ngũ, và cả những nhà đầu tư quả không dễ dàng…

“Đây là thời cơ vàng để Việt Nam có thể bứt phá trở thành một cường quốc”
Toạ đàm “Quản trị sức khoẻ tinh thần của doanh nhân thời đại dịch” tuần qua tại TP.HCM.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình tỏ ra rất thâm trầm: “Đúng là sức khoẻ tinh thần của những doanh nhân trong ngành xây dựng đang bị giảm xuống rất nhiều, bởi rất nhiều chủ đầu tư không thanh toán và giảm thanh toán vì họ là nạn nhân của Covid-19, nhất là các chủ đầu tư trong ngành du lịch, nghỉ dưỡng...

Ngành bất động sản đã khó rồi, nhà đầu tư còn khó hơn vì không có nguồn thu, trước đây họ luôn thanh toán đúng hạn, giờ cũng không còn thanh toán đúng hạn nữa. Cách đây 2 năm, quý nào doanh thu của chúng tôi cũng đạt từ 4.000 đến 5.000 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến giờ doanh thu không bằng một quý so với trước đây, có lúc giá cổ phiếu giảm gần một nửa so với trước đó, rất đau đầu.

Làm thế nào cân đối để có thể duy trì nguồn vốn cho hoạt động lâu dài? Chúng tôi có một loạt giải pháp, có thể nói tạm thời khắc phục được khó khăn, nhưng có thể cầm cự được bao lâu rất khó đoán, đó là vấn đề. Điều chắc chắn phải đảm bảo công ty sống sót sau đại dịch với tất cả giải pháp mình đưa ra, làm thế nào để tồn tại.

Trong khó khăn, cá nhân tôi không tránh khỏi lo lắng, nhưng tôi luôn tỏ ra bình thường trước anh em. Bài toán đặt ra với riêng tôi là hãy xem tất cả những khó khăn trong kinh doanh chỉ là nước cờ trong một ván cờ. Nếu xem thách thức chỉ là trò chơi thì thấy bình thường, còn quá căng thẳng không lợi ích gì”.

Hỏi ông nếu đối diện với tình huống xấu nhất là công ty có thể phá sản, liệu ông có giữ được sự bình tĩnh ấy không? Ông Hải nói: “Tôi rất tâm đắc với cách nghĩ 'quẳng gánh lo đi mà vui sống', khó khăn không buồn lo, và tìm lời giải, nên tôi vẫn lạc quan hướng về phía trước. Nhưng nếu công ty không vượt qua được đại dịch thì mình cũng phải coi đó là bình thường trong cuộc sống, sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất và cho đó là chuyện bình thường.

Quy luật cuộc sống là có sinh có diệt, khi không đủ sức tồn tại thì mất đi là bình thường. Với tinh thần đó mình sẽ đủ bình tĩnh để đưa ra chính sách mới, mạnh dạn triển khai những giải pháp, trong đó có tranh thủ thời gian để viết lách, tôi viết cuốn sách này trong bối cảnh đó”. 

Thời cơ vàng cho Việt Nam

Thổ lộ về động lực giúp ông có thể tĩnh tại ngay giữa tâm bão, để nhìn được sáng tỏ hơn về tương lai của đất nước và của ngành xây dựng, ông Lê Viết Hải cho rằng đó chính là biết vượt qua lợi ích của một doanh nghiệp để vì một lẽ sống nhân bản hơn, yêu thương hơn.

“Tôi thấy thực ra không có đại dịch này thì mình vẫn viết, nhưng chậm hơn. Nhờ đại dịch mà mình viết nhanh hơn, bởi có động lực lớn hơn là phải ra mắt sớm mới kịp động viên tinh thần doanh nhân, nắm bắt cơ hội của quốc gia, vì thời gian không còn.

Đó là cơ hội để Việt Nam có thể bứt phá, nên chúng ta phải làm thật nhanh. Vì điều kiện để một quốc gia bứt phá trở thành một cường quốc là phải thực hiện trong giai đoạn cơ cấu vàng của dân số. Nếu không thực hiện nhanh thì điều kiện tích luỹ cho sản xuất qua rất nhanh. Mình đã bỏ qua 11 năm trong giai đoạn dân số cơ cấu vàng, từ 2009 đến 2019. Năm 2020 số người phụ thuộc so với người lao động chỉ có 0,04% thôi, nghĩa là 4 người lao động chỉ có 1 người phụ thuộc là người già và trẻ em, 2020 đến 2030 là thời điểm cơ cấu dân số tối ưu, cơ hội quý giá cho Việt Nam 'chống tụt hậu như chống giặc'.

“Đây là thời cơ vàng để Việt Nam có thể bứt phá trở thành một cường quốc” 1
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chia sẻ tại Tọa đàm.

Tôi nghĩ thời gian Việt Nam có thể bứt phá còn rất ngắn, cần phải tìm cơ hội để bứt phá. Trong đó ngành xây dựng có lợi thế để thực hiện khát vọng đó. Trong cuốn sách này, tôi phân tích rất rõ vì sao ngành xây dựng có thể bứt phá. 50 năm Việt Nam gần như không phát triển xây dựng, kéo dài từ 1945 đến 1995, từ 1995 đến 2020 là thời kỳ ngành xây dựng Việt Nam bùng nổ, giúp cho xây dựng Việt Nam phát triển thần tốc, doanh thu, sản lượng tăng gấp hàng chục lần, trở thành ngành kinh tế vững chắc đóng góp lớn cho GDP cả nước.

Tại sao một quốc gia đã xuất sắc chiến thắng “giặc” Covid-19 khiến cho cả thế giới phải nể phục, một dân tộc giàu mưu lược và đầy dũng khí đã giành thắng lợi trong nhiều cuộc chiến còn cam go và ác liệt hơn cả Covid-19  lại chưa thể chiến thắng trong mặt trận kinh tế, chưa thể vượt lên hàng đầu trong thời kỳ hoà bình và tái thiết?

Đại dịch chắc hẳn sẽ làm cho thế giới thay đổi về mọi mặt, từ tư tưởng, văn hoá, khoa học - kỹ thuật và công nghệ cho đến các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội. Những thay đổi đó mang tính tích cực hay tiêu cực không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố khách quan mà chủ yếu vẫn do chính con người chúng ta quyết định.

Trong bước ngoạt lịch sử đó, Việt Nam sẽ làm gì để đóng góp cho sự tiến bộ và văn minh của nhân loại? Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình sẽ làm gì để đóng góp vào sự phát triển đó trong phạm vi doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động của mình?

Cuốn sách của tôi viết về chiến lược phát triển ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam với mục tiêu trọng yếu phát triển ra thị trường toàn cầu. Trang sử đó nhất định phải được viết bằng lòng yêu nước nồng nàn, bằng niềm đam mê, nỗ lực lao động sáng tạo không mệt mỏi, lòng yêu nghề cháy bỏng và quyết tâm kiến tạo những giá trị cao đẹp không chỉ cho Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình mà con cho cả Việt Nam và cho nhân loại.

Nói như thế có phải quá đại ngôn, vĩ cuồng? Theo thiển ý của tôi, vấn đề của nhân loại sau biến cố lịch sử đại dịch không còn là của riêng ai. Mỗi chúng ta đều có phần trách nhiệm với tư cách là một công dân toàn cầu. Chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này.

Phải chăng chúng ta cần thay đổi tư duy trong mối quan hệ giữa người với người? Nên chăng thiết lập một nhận thức mới, một tinh thần mới mà mọi dân tộc trên toàn thế giới đều hoan hỉ tiếp nhận? Đó là văn hoá yêu chuộng hoà bình và nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha, không phân biệt giai cấp, màu da, tôn giáo, chủng tộc…”.

Chia sẻ về kế hoạch ấp ủ đề tài cho cuốn sách thứ hai mang tên “Rẽ lối Hoà Bình”, ông tâm sự: “Cuốn sách này cũng cần viết nhanh, nói về hoà bình nhưng không phải tập đoàn Hoà Bình, mà là khát vọng hoà bình toàn nhân loại, giải pháp để nhân loại có được hoà bình. Tôi không kêu gọi xây dựng thế giới hoà bình chung chung mà có giải pháp cụ thể để có được hoà bình, và có thể thực hiện được. Đề tài này cần viết sớm trước khi đại dịch qua đi, vì tại thời điểm này, người ta dường như dừng lại, chậm lại. Sau khi mọi thứ khởi động trở lại, câu hỏi lớn đặt ra với loài người là nên đi theo lối mòn cũ hay rẽ sang hướng khác? Hướng đó là gì? Khúc quanh lịch sử này có tên “Rẽ lối hoà bình”. Để tài này tôi nghĩ rất cần tại thời đểm này.

Hơn ai hết, Việt Nam nên nói vì hoà bình. Đất nước ta đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh, mất mát, không có nơi nào chiến tranh kéo dài đẫm máu như Việt Nam, nên khát vọng hoà bình lớn hơn bất cứ dân tộc nào. Việt Nam có tư cách nhất để nói về điều nay so với các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam cần phải lên tiếng về hoà bình tại thời điểm mà nhân loại cần có tiếng nói. Cơ hội này ngàn năm có một. Những vị lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp cần thấm nhuần tư tưởng đó để tìm thấy động lực mạnh mẽ hơn. Đó cũng là cách để chúng ta quên đi lo âu sợ hãi trước khủng hoảng”.