Đề xuất gói hỗ trợ 230 tỷ đồng cho lao động tự do ở TP.HCM

Nhật Hạ - 16:45, 23/06/2021

TheLEADER230.000 người lao động tự do gồm bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, bán lẻ vé số… ở TP.HCM bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội được đề xuất hỗ trợ với tổng kinh phí 230 tỷ đồng.

Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM mới đây đã có đề xuất với UBND TP.HCM chính sách hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Đây là những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, đa phần không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những biến động lớn như đại dịch Covid-19.

Theo đó, nếu đề xuất được thông qua, mỗi lao động tự do ở TP.HCM bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội sẽ nhận được 1 triệu đồng. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách thành phố, quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Người nhận hỗ trợ làm trong 6 nhóm công việc gồm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Bán lẻ vé số lưu động; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); Làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM ngày 30.5 (như tại các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc, trung tâm nhà hàng tiệc cưới; tại các di tích, bảo tàng; phố đi bộ, công viên...).

Trước đó, Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM cũng đề xuất gói hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng cho gần 310.000 lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Người bị nghỉ việc không lương trong 30 ngày liên tục trở lên, tính từ 1/5 đến 31/12/2021 sẽ được xét hỗ trợ.

Vào tháng 7/2020, TP.HCM cũng hỗ trợ cho lao động tự do mất việc với 1 triệu đồng/người, tối đa không quá 3 tháng từ ngân sách thành phố.

Theo thông tin từ Liên đoàn lao động TP.HCM, 369 trường hợp công nhân, lao động trên địa bàn hành phố đã mắc Covid-19 và gần 4.500 công nhân là F1 phải cách ly tập trung, hơn 13.000 người cách ly ở nhà và nơi cư trú. Số lao động này phải tạm nghỉ việc, chờ kết quả xét nghiệm, lấy mẫu.

Dịch đã xâm nhập nhiều nhà máy đông công nhân ở TP.HCM như Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (56.000 lao động), Công ty Việt Nam Samho (10.000 công nhân)... Nhà máy của Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn đến nay phát hiện 27 ca nhiễm, 800 công nhân được cách ly tập trung.

Hiện tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn hết sức phức tạp với số ca nhiễm trong ngày dẫn đầu cả nước. Ngày 22/6, TP.HCM công bố 138 ca nhiễm mới, gấp 4,5 lần số ca của Bắc Giang. 

Sau 35 ngày bùng phát làn sóng Covid-19 mới (từ ngày 18/5), TP.HCM đã ghi nhận 2.013 ca nhiễm tính đến trưa ngày 23/6, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.

11 chuỗi lây nhiễm bị mất dấu F0 bùng phát một tuần qua buộc chính quyền phải nâng cấp độ chống dịch gồm giãn cách xã hội đến cuối tháng 6 và thực hiện Chỉ thị 10 áp dụng riêng cho TP.HCM từ ngày 20/6.

Theo đó, các hoạt động vận tải hành khách gồm taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe buýt, xe khách liên tỉnh dừng hoạt động; cấm tuyệt đối chợ tự phát; không tập trung hơn 3 người nơi công cộng; dừng tất cả các cuộc hội họp chưa thật cần thiết...

Tuy nhiên, đến hôm nay, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho 400 taxi thuộc hai hãng Vinasun và Mai Linh được hoạt động trong thời gian giãn cách để chở người dân đến các bệnh viện, trung tâm y tế, trường hợp cấp bách, đặc biệt... Các xe này tập trung tại bệnh viện, trung tâm y tế, được nhận diện bằng tem do Sở Y tế cấp, dán ở kính trước.

Với kỳ vọng vắc-xin Covid-19 sớm giúp thành phố 9 triệu dân trở về cuộc sống bình thường mới, TP.HCM đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Hơn 100 điểm tiêm chủng được lập tại nhiều địa bàn để triển khai 836.000 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca do Nhật Bản hỗ trợ. Đợt tiêm này bắt đầu từ ngày 18/5 và dự kiến hoàn thành trong 5 - 7 ngày.

Đề xuất gói hỗ trợ 230 tỷ đồng cho lao động tự do ở TP.HCM
Mỗi người lao động tự do sẽ nhận được 1 triệu đồng nếu đề xuất được thông qua. Ảnh: ILO.

Bên cạnh gói hỗ trợ cho người lao động, trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 10/6, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng đã đề nghị TP.HCM cần ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng kinh doanh như ngành du lịch, dịch vụ.

Đồng thời, triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021/NĐ-CP; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành, cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các doanh nghiệp gặp phải.

Hỗ trợ các doanh nghiệp phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất…

Thành phố cần quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho doanh nghiệp (tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển).

Phía ngân hàng tiếp tục xem xét, nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn; khuyến khích cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh; khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vắc-xin, cơ sở điều trị. Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp hỗ trợ vốn mua nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu.

Theo số liệu của Sở Lao động, thương binh và xã hội, từ đầu năm đến giữa tháng 6, trên địa bàn TP.HCM có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân. Có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ); có 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)...