Di dời nhà máy ra khỏi nội đô vẫn chậm chạp

An Chi - 14:19, 26/10/2021

TheLEADERViệc di dời nhà máy, xí nghiệp nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực nội đô Hà Nội được xem là nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thực hiện quá trình này vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Di dời nhà máy ra khỏi nội đô vẫn chậm chạp
Công tác di dời nhà máy ra khỏi nội đô vẫn diễn ra rất chậm

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho TP. Hà Nội xây dựng biện pháp lộ trình di dời, sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan, đơn vị trong nội thành. 

Ngay sau đó, UBND thành phố đã có quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo công tác di dời, tổ công tác giúp việc. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, sự thay đổi về cơ chế, thiếu nguồn vốn triển khai đang khiến công tác di dời diễn ra rất chậm.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, phát triển công nghiệp là một trong những yếu tố tất yếu của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá. Song, sau thời gian dài tồn tại, các cơ sở công nghiệp hiện hữu đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và cản trở phát triển đô thị.

Do vậy, việc di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung là cần thiết và cấp bách.

Từ năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020, thành phố sẽ di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng đến nay Hà Nội mới chỉ di dời được gần 70 cơ sở sản xuất, rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn cố duy trì hoạt động sản xuất trong nội đô.

Một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí như nhà máy thuốc lá Thăng Long gây ra bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung của thành phố.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có lý giải rằng, việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến tổ chức thực hiện các nhà máy còn chậm là do những vướng mắc về quy định pháp luật.

Thực tế ghi nhận tại một số khu vực như Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai cho thấy dù nằm trong lộ trình phải di dời nhưng hàng loạt nhà máy sản xuất gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm khu vực nội đô đến nay vẫn chây ỳ, bám trụ. Thậm chí một số nhà máy đã có cơ sở mới nhưng vẫn không chịu từ bỏ cơ sở cũ.

Nguyên nhân được Bộ Xây dựng xác định là do có sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời; quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện trong khi công tác di dời đỏi hòi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Bên cạnh đó, sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao.

Tuy nhiên, tại tọa đàm “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp", ông Hùng cho rằng, hiện đã có đầy đủ khung pháp lý để di dời các nhà máy công nghiệp trong nội thành đến các khu vực mới phù hợp với quy hoạch. Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã định hướng không gian phù hợp với từng khu vực đô thị, quy định chức năng cho mỗi lô đất công nghiệp khau khi di dời.

Cũng theo nhiều chuyên gia, nhiều cơ sở mặc dù nằm trong danh sách buộc phải di dời gấp nhưng vẫn chây ỳ chưa chịu thực hiện do các cơ sở mong muốn có nhiều lợi ích hơn từ vị trí đắc địa của trụ sở cũ, bên cạnh đó cơ quan chuyên môn của TP. Hà Nội cũng chưa thực sự quyết liệt trong công tác này.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất, nếu để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng sẽ rất chậm. Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng và bàn giao lại quỹ đất.

Tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời nhà máy: Cần ưu tiên cho mục đích công cộng

Bên cạnh việc chậm di dời các nhà máy ra khỏi nội đô, thực tế cho thấy, sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp, công xưởng, hầu hết quỹ đất trống lại được thay thế bằng các tòa nhà chọc trời hoặc các khu chung cư, khu đô thị hiện đại, rất hiếm các công trình cây xanh, công viên, trường học được xây dựng tại khu vực này.

Trong khi đó, theo TS. Lê Quân, Hiệu trưởng đại học Kiến trúc Hà Nội, việc tái thiết đô thị không đơn giản là xây mới trên nền các công trình cũ. Đó là cả một quá trình tác động vào đô thị mà nó được gắn kết với những mối quan hệ phức tạp với các lĩnh vực xã hội khác nhau.

Trong bối cảnh Luật Kiến trúc đã có hiệu lực và bắt đầu đi vào cuộc sống, việc thực hiện một cách tiếp cận mới để nhận diện giá trị di sản, kiến trúc và văn hoá của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong thành phố sẽ cung cấp được các cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tái thiết đô thị từ không gian sau di dời của các cơ sở công nghiệp.

Ông Quân cho rằng, các nhà máy cũ sau khi di dời cần chuyển đổi thành không gian sáng tạo, công viên, cây xanh nhằm cung cấp thêm không gian công cộng cho người dân Hà Nội, giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị.

Bên cạnh đó, với hơn 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp đã và đang được di dời khỏi nội thành Hà Nội từ 2019, trong đó có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử, những khu vực này rất phù hợp để xây dựng các di tích khiêm không gian văn hóa sống động.

Đồng quan điểm, ông Hùng cũng cho rằng, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô cần được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Các công trình này sẽ vừa không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị.

Tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ cần được lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế đầu tư, xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất. Các khu nhà máy sau khi di dời cần được ưu tiên sử dụng cho các mục đích công cộng và bảo tồn, giữ gìn nâng cao giá trị di sản, công nghiệp có giá trị, ông Hùng nhận định.