Điểm sáng duy nhất giữa bức tranh xuất khẩu u ám

Phương Anh - 16:12, 01/11/2023

TheLEADERMặc dù tỷ trọng trong tổng danh mục xuất khẩu còn thấp, khó bù đắp được hết cho những trở ngại thương mại, nhưng tăng trưởng của khu vực nông sản chắc chắn giúp làm dịu bớt tình hình cho Việt Nam.

Chỗ đứng của nông nghiệp

Năm 2023 rõ ràng là năm đầy thử thách đối với động lực tăng trưởng chính của Việt Nam – ngành xuất khẩu. Mặc dù thương mại toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi sơ khởi, xuất khẩu của Việt Nam vẫn suy giảm 7% tính từ đầu năm tới nay.

Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa từ các nước phương Tây sụt giảm, các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam, như điện tử tiêu dùng, may mặc/da giày, đồ nội thất gỗ, đều rơi vào tình trạng ảm đạm.

“Giữa tình hình đó, xuất khẩu nông sản vươn lên như điểm sáng duy nhất bất chấp bối cảnh sụt giảm thương mại”, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC nhận định trong báo cáo mới nhất về Việt Nam.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 10% tổng GDP, vai trò của nông nghiệp không thể xem nhẹ. Có tới 1/3 lao động tại Việt Nam vẫn tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, dù tỷ lệ này đã giảm so với mức đỉnh cách đây một thập kỷ do có thêm lao động trẻ chuyển sang lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Không giống như những lĩnh vực khác ghi nhận mức sụt giảm hai con số, xuất khẩu nông nghiệp đã vững vàng đi qua giông bão, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước tính trên cơ sở bình quân ba tháng. 

Điểm sáng duy nhất giữa bức tranh xuất khẩu u ám

Gạo tăng trưởng ấn tượng

Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam đã được hưởng lợi đáng kể từ cuộc chạy đua giá gạo gần đây trên thị trường gạo toàn cầu.

Kể từ tháng 7, giá xuất khẩu tiêu chuẩn của gạo Thái Lan đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, một phần do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đối với một số sản phẩm gạo và gián đoạn thời tiết. 

Kể từ đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm sáng duy nhất giữa bức tranh xuất khẩu u ám 1
Xuất khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nguồn cung trên thế giới căng thẳng. Ảnh: Hoàng Anh

Mặc dù cơ hội mở ra, Việt Nam vẫn đang tìm cách cân bằng nhu cầu an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng.

Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam có thể xuất khẩu 7 – 8 triệu tấn gạo trong năm nay, đồng nghĩa với mức tăng tối đa chỉ khoảng 14% so với năm ngoái.

Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu gạo cũng như đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Theo chiến lược xuất khẩu gạo mới công bố gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm xuất khẩu gạo xuống chỉ còn 4 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, bằng một nửa so với mức ước tính của năm nay với lý do “thúc đẩy gạo chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Xu hướng tích cực của xuất khẩu trái cây, rau củ

Với nguồn tài nguyên dồi dào, Việt Nam tận hưởng một nền tảng nông nghiệp đa dạng. Tuy nhiên, cơ cấu xuất khẩu không phải lúc nào cũng cố định, mà dựa trên chiến lược đa dạng hóa. Bên cạnh gạo, Việt Nam đã chủ động canh tác trái cây và rau củ để xuất khẩu.

Xét về thị trường, Trung Quốc là nhân tố đóng vai trò quan trọng với xuất khẩu nông sản của Việt Nam khi chiếm hơn 1/4 tổng giá trị vào năm ngoái.

Điểm sáng duy nhất giữa bức tranh xuất khẩu u ám 2
Hơn 40% nông sản xuất khẩu của Việt Nam được xuất sang châu Á

Dữ liệu phân tích từ HSBC cho thấy thêm, Trung Quốc không chỉ là quốc gia nhập khẩu quan trọng đối với mặt hàng gạo và thủy sản mà còn chiếm tới 65% thị phần trái cây, rau củ xuất khẩu của Việt Nam.

Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu trái cây nhiệt đới của Việt Nam đã tăng đáng kể, một phần hưởng lợi từ nghị định thư ký kết giữa hai nước trong năm 2022.

Hiện nay, 80% thanh long và 90% vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu sang nước láng giềng phía Bắc.

Đặc biệt, niềm yêu thích mới của người tiêu dùng Trung Quốc dành cho sầu riêng đã mang lại lợi ích đáng kể cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng ở ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam đã ghi nhận mức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cao kỷ lục, tăng tới 14 lần so với cùng kỳ tính đến quý III/2023. Kết quả này giúp sầu riêng đứng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây.

Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Thái Lan – quốc gia đang thống trị 95% xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.

Trong khi Thái Lan từ lâu vẫn duy trì vị trí thống lĩnh, nước này thậm chí còn lấy bớt thị phần của Việt Nam chỉ sau 5 năm. Tuy nhiên, Thái Lan không phải là đối thủ duy nhất.

Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thị trường sầu riêng nội địa của Trung Quốc.

Trên thực tế, cạnh tranh không chỉ giới hạn ở sầu riêng, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang phải chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm nội địa Trung Quốc như dừa, thanh long và xoài.