Điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân dự kiến sẽ được quy định trong Luật Điện lực (sửa đổi), theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội.
Trong báo cáo trình bày hai ngày trước, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề xuất quy định mới cho điện hạt nhân - một nguồn năng lượng bền vững và ổn định.
Theo đó, điện hạt nhân sẽ được đề cập chủ yếu ở mức quy hoạch trong Luật Điện lực, trong khi các quy định chi tiết vẫn sẽ do Luật Năng lượng Nguyên tử điều chỉnh, nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển điện lực và an ninh năng lượng.
Về điện gió ngoài khơi, đây là lĩnh vực mới, chưa triển khai tại Việt Nam nên Ủy ban nhận định phải có khung pháp lý rõ ràng để thống nhất trong thực hiện.
Hai phương án đã được đưa ra: bổ sung quy định khung về điện gió ngoài khơi vào Luật Điện lực, cho phép Chính phủ xây dựng chi tiết, hoặc thực hiện theo một nghị quyết thí điểm của Quốc hội.
Uỷ ban thống nhất theo phương án quy định
khung điện gió ngoài khơi trong Luật Điện lực (sửa đổi).
Ngoài ra, Ủy ban đề xuất không cho phép chuyển nhượng cổ phần trong các dự án điện gió ngoài khơi, cho rằng lĩnh vực này gắn liền với quốc phòng, chủ quyền biển đảo và có nhiều rủi ro đầu tư tiềm ẩn.
Các đề xuất này nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, nhất là trong bối cảnh một số nhà đầu tư quốc tế như Orsted (Đan Mạch) và Equinor (Na Uy) đã rút khỏi các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Các quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư quốc tế vào năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào điện than và thúc đẩy cam kết chuyển đổi năng lượng.
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội chiều ngày 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và nhận được sự đồng ý về chủ trương tái khởi động lại các dự án điện hạt nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong dài hạn, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, việc tái khởi động điện hạt nhân là một trong những hướng đi quan trọng. Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển điện gió ngoài khơi, một nguồn năng lượng tiềm năng lớn cho tương lai.
Đáng chú ý, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo ra những đột phá trong thể chế, đặc biệt là trong đầu tư và lựa chọn các nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Đến thời điểm hiện tại, dự án luật vẫn ghi nhận một số ý kiến khác nhau trong quá trình
thảo luận, song đa số ủy viên của Thường trực Ủy ban đề nghị thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 8 này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.