Điện thoại Việt bán chạy thứ 4 trong nước, sẵn sàng xuất ngoại

Việt Hưng - 11:47, 09/04/2018

TheLEADERMobiistar, hãng điện thoại chỉ bán chạy trong nước sau Apple, Samsung và Oppo, đã thành lập văn phòng tại Ấn Độ để thực hiện các công việc nghiên cứu thị trường, thử nghiệm sản phẩm và tiếp xúc với các đối tác phân phối ở thị trường này.

Điện thoại Việt bán chạy thứ 4 trong nước, sẵn sàng xuất ngoại
Tính tới tháng 5/2017, thị phần điện thoại của Mobiistar tại Việt Nam là 2,96%.

Khép lại năm 2017, miếng bánh tại thị trường di động Việt Nam đã được phân chia rõ ràng. Dẫn đầu vẫn là 3 ông lớn: Samsung, OPPO và Apple. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là vị trí thứ 4 thị trường năm nay đã có sự thay đổi quan trọng.

Nếu như trước đây, vị trí thứ 4 này thuộc về Nokia, thì năm nay, ngôi vị này rơi vào tay một hãng điện thoại không mấy quen thuộc - Mobiistar. Tính tới tháng 5/2017, thị phần điện thoại của Mobiistar tại Việt Nam là 2,96%.

Ra đời cách đây gần 9 năm, Mobiistar là thương hiệu điện thoại Việt Nam cùng thời với các thương hiệu Việt đời đầu như Q-Mobile, Viettel hay FPT Mobile.

Tuy nhiên, trong khi "điện thoại sinh viên" của FPT hay Viettel đến và đi rất nhanh, hiện tại gần như đã rơi vào quên lãng, Mobiistar vẫn sống khỏe.

Chiến lược của Mobiistar khi bắt đầu tham gia thị trường là tập trung vào phân khúc giá rẻ, tránh đương đầu trực tiếp với các sản phẩm điện thoại công nghệ cao lúc bấy giờ. Sản phẩm lúc này của Mobiistar chỉ trong khoảng 2 triệu đồng trở xuống.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, các ông lớn điện thoại như Nokia, Samsung, LG bắt đầu chú ý tới phân khúc giá rẻ và chuyển hướng, dàn trải sản phẩm trong các phân khúc tầm trung. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ như Mobiistar khó cạnh tranh và buộc phải thay đổi.

Năm 2012, Mobiistar từ phân khúc điện thoại phổ thông (feature phone) đã chuyển sang phân khúc tiền smartphone, giá khoảng 3 triệu đồng trở lại.

Sau đó, đến năm 2014, Mobiistar tung ra các sản phẩm smartphone giá rẻ, mức giá không quá 4 triệu đồng và có tham vọng "phổ cập smartphone" cho thị trường.

Liên tục thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, Mobiistar không chỉ đứng vững mà còn âm thầm vươn lên chiếm vị trí thứ 4 về thị phần điện thoại tại Việt Nam.

Trong năm 2017, Mobiistar tiếp tục hướng đến mục tiêu ai cũng dễ dàng sở hữu smartphone chất lượng tốt, chụp ảnh đẹp với mức giá tầm trung trước khi chuẩn bị cho bước tiếp theo là sản xuất smartphone 4G giá rẻ.

Hãng điện thoại Việt Nam đuổi kịp Samsung, Apple
Tính tới tháng 5/2017, thị phần điện thoại của Mobiistar tại Việt Nam là 2,96%

Điện thoại Việt xoay sở giữa "biển" hàng ngoại

"Voi cũng có thể khiêu vũ, nhưng bọ sống quanh voi di chuyển nhanh hơn và làm được những gì voi phải xoay xở lâu hơn mới làm được" - triết lý kinh doanh của Mobiistar được CEO Ngô Nguyên Kha nhấn mạnh.

Theo ông Kha, trong một thị trường khắc nghiệt và thay đổi liên tục như smartphone, để tồn tại và phát triển, bản thân thương hiệu cũng phải có cách làm riêng. Có 2 yếu tố giúp Mobiistar đối mặt với các thương hiệu ngoại trên thị trường nội.

Một là luôn biết mình là ai, đứng ở đâu, mạnh điểm gì, yếu chỗ nào. Thương hiệu tuy có thể nhỏ về thị phần, hạ tầng, nhưng lợi thế của "người nhỏ" là dễ dàng xoay sở, thích nghi với xu hướng. Không giống các thương hiệu lớn - luôn đề cao tính đồng bộ trong hệ thống, "tí hon" linh hoạt hơn, và đó là lợi thế của Mobiistar.

Hai là tuy sức nhỏ, nhưng không bao giờ được hành xử kiểu "nhỏ". Bởi đứng trong một sân chơi lớn, bất kì doanh nghiệp nào cũng phải tuân theo quy tắc chung. Không thể vì quy mô nhỏ, mà doanh nghiệp hành xử thiếu chuyên nghiệp, chất lượng không đảm bảo.

Ông Kha tự nhận, thương hiệu Mobiistar hiện vẫn còn là một cái tên non trẻ, hơn nữa còn là một thương hiệu Việt, nên cần có thời gian xây dựng lòng tin ở người dùng. Mà đã là lòng tin thì cần có thời gian, lẫn sản phẩm chất lượng để đảm bảo.

Hãng điện thoại Việt Nam đuổi kịp Samsung, Apple 1
Ông Ngô Nguyên Kha - CEO hãng điện thoại Mobiistar

CEO này cho rằng, chỉ khi nhà sản xuất tạo ra được chiếc smartphone phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, khiến mọi người yêu thích chúng, thì đó mới là lúc cần có những điểm nổ về truyền thông.

Ông Ngô Nguyên Kha kể lại: "Trước kia, khi còn làm việc ở Sony Ericsson, tôi từng chạy rất nhiều chiến dịch truyền thông cho chiếc điện thoại "Nữ hoàng nhạc số" - W810i. Nhưng tình thế khi đó khác, Walkman phone từ lâu đã có thương hiệu vững chắc, chỉ cần tung sản phẩm ra, làm sao để nhiều người biết là mình có thể nổ thoải mái".

Trong khi đó, Mobiistar vẫn là một "anh tí hon", muốn người dùng tin tưởng thì trước hết phải tạo ra được một sản phẩm tốt đã. Chỉ khi người dùng chịu lắng nghe, chịu dùng thử, sau là chịu mua, hoặc giới thiệu sản phẩm cho người thân, thì thương hiệu mới đủ sức tạo điểm "nổ" được.

Tới cuối cùng, "nhỏ" hay "lớn" vẫn là do trải nghiệm khách hàng quyết định. Chăm sóc khách hàng tốt, tuy quy mô có nhỏ, nhưng đổi lại tiếng tăm sẽ lớn, và ngược lại.

Theo CEO Ngô Nguyên Kha, thành tựu dễ nhìn thấy nhất của chiến lược này là tốc độ phản hồi đạt mức 95% các câu hỏi của khách hàng trong vòng 10 phút trên Fanpage Mobiistar hiện nay.

Hướng tới thương hiệu điện thoại "quốc dân"

"Trước kia, chúng tôi có một lời hứa thương hiệu mà ai là fan của Mobiistar cũng đều biết. Đó là giúp người dùng tận hưởng được những công nghệ mới, xuất phát từ mong muốn mọi người được tận hưởng nhiều hơn. Còn hiện tại, chúng tôi đang hướng tới sản phẩm dành cho mọi người - một chiếc điện thoại có mức giá tốt, chất lượng tốt".

CEO Mobiistar cho biết, định vị mới này được ông lấy cảm hứng từ các doanh nghiệp cùng chung chiến lược "sản phẩm dành cho mọi người" như Viettel, hay Vietjet.

Ở đó, các doanh nghiệp này đưa ra những sản phẩm ai cũng muốn dùng hoặc ước mơ một lần được chạm đến mà khó quá vì giá quá cao so với thu nhập người dùng. Họ giải quyết được mâu thuẫn "sản phẩm tốt làm sao bán giá rẻ" để mọi người dùng tận hưởng.

Trong trường hợp của Mobiistar, ông Kha cho biết, công ty đã cố gắng tìm ra những "mâu thuẫn" như thế. Ví dụ Viettel đưa ra dịch vụ 4G "cho mọi người", nhưng mức giá của các chiếc smartphone 4G cao hơn mức "cho mọi người". Giá cước 4G rẻ hơn 3G, nhưng giá máy smartphone 4G chưa có máy nào rẻ hơn được máy 3G.

Bài toán đặt ra cho Mobiistar đó là làm sao giá máy smartphone 4G phải đủ rẻ để mọi người mua mà không phải lăn tăn nhiều. Mục tiêu với máy smartphone 4G của ông Kha là giá bán lẻ phải nằm dưới 2 triệu đồng.

Một tình huống "cho mọi người" nữa mà CEO Mobiistar tâm đắc, chính là câu chuyện camera selfie. Selfie là nhu cầu của mọi người, nhưng giá máy selfie thì không phải "mọi người" đều dễ dàng mua được.

Có người sẽ bỏ cả tháng lương để mua. Có người chọn trả góp để không phải bỏ ra ngay một khoản tiền lớn để cuối kỳ trả góp, chi phí đã đội lên rất nhiều. Mobiistar muốn có "selfie cho mọi người" theo suy nghĩ ai cũng có thể selfie đẹp, với mức chi trả rất hợp lý.

Tuy nhiên, vị CEO này không phủ nhận, định vị mới đang đặt ra rất nhiều thách thức cho Mobiistar. Bởi chiến lược "giá tốt" vốn chỉ được sử dụng ở các tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, lắm tiền, nhiều của.

"Rất nhiều người đang cần một chiếc điện thoại có mức giá tốt. Và chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này. Dẫu biết mục tiêu hiện tại đang hơi quá sức với Mobiistar, nhưng tôi cho rằng đã mơ thì phải mơ lớn. Nếu cứ cố gắng làm, tạo dựng được niềm tin, thì tôi tin Mobiistar sẽ đạt được mục tiêu này", ông Ngô Nguyên Kha nhấn mạnh.

Hiện thực hóa giấc mơ ra biển lớn

Mới đây nhất, ông Kha cho biết, Mobiistar đã thành lập văn phòng tại Ấn Độ để thực hiện các công việc nghiên cứu thị trường, thử nghiệm sản phẩm và tiếp xúc với các đối tác phân phối ở thị trường này.

Trong giai đoạn đầu, phía ông Kha đã chuẩn bị các sản phẩm sẽ ra mắt thị trường này vào khoảng giữa năm nay. Song song đó, Mobiistar đã cử một nhóm phụ trách về phần mềm quản trị phân phối và quản lý kênh để xây dựng giải pháp cho thị trường Ấn Độ.

"Cá nhân tôi thường xuyên đi về với các hoạt động tiếp xúc thị trường, xây dựng đội ngũ cũng như làm việc với các công ty quảng cáo truyền thông để làm chiến lược thương hiệu. Rất may là triết lý thương hiệu "Tận Hưởng Nhiều Hơn" của chúng tôi đã tạo được hứng thú với các đối tác và các bạn làm truyền thông ở Ấn Độ, nên "chất" Mobiistar có thể không bị mất đi nhiều khi qua thị trường này, vốn có rất nhiều khác biệt so với Việt Nam", ông Ngô Nguyên Kha chia sẻ.

Nhận định về sân chơi Ấn Độ, CEO này cho biết, đây là thị trường di động lớn thứ 2 thế giới, với mức tiêu thụ trung bình mỗi tháng 20 triệu smartphone và feature phone. Như vậy về tương quan khách hàng là khá tương đồng với Việt Nam.

Tuy tiềm năng chuyển đổi nâng cấp lên smartphone tại Ấn Độ cực lớn, nhưng thị trường bán lẻ di động lại rất phân mảnh và không có các chuỗi bán lẻ lớn tập trung như Việt Nam.

Điều đặc biệt của thị trường này là doanh số điện thoại bán online rất lớn, đến gần 30% tổng doanh số. Người dùng đang đòi hỏi nhiều hơn từ các nhà sản xuất với yêu cầu sản phẩm cấu hình cao giá thấp.

"Chúng tôi có một vài lợi thế khi xác định được nhu cầu sản phẩm giá phải chăng, nhưng mang được nhiều trải nghiệm người dùng tốt. Ví dụ như mang những trải nghiệm camera selfie ngang ngửa với các thương hiệu dẫn đầu thị trường về selfie, nhưng giá ít hơn gần một nửa. Năm 2017 chúng tôi xác định được hướng đi này tại Việt Nam, được thị trường chấp nhận. Mang những sản phẩm này sang Ấn Độ, chúng tôi được sự hưởng ứng từ các đối tác bán lẻ và phân phối. Đặc biệt trên thị trường chưa có nhiều sản phẩm với trải nghiệm người dùng ổn, giá phải chăng như Mobiistar", CEO Ngô Nguyên Kha cho hay.

Tuy thị trường mới hấp dẫn là vậy, nhưng ông Nga vẫn tỏ ra rất thận trọng, cho rằng Mobiistar chưa đặt nhiều kì vọng tại thị trường Ấn Độ. Ông cho biết, động thái mang chuông đi đánh xứ người vẫn chỉ là một liều thuốc thử. Bởi chỉ khi Mobiistar xác định được hướng đi phù hợp thì mới đặt ra được kì vọng về thị trường.