Doanh nghiệp cá tra kỳ vọng sớm thoát 'mùa Covid-19'

Trần Anh - 07:01, 25/09/2020

TheLEADERKhông như ngành dệt may sẽ khó khăn trong cả năm 2021, ngành cá tra dự kiến có tốc độ phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến hết tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 913,4 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang hàng loạt thị trường lớn đều ghi nhận giảm mạnh.

Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc - Hồng Kông đạt 295,8 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Động thái chủ động giảm nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc, trong đó có sản phẩm cá tra từ các tháng đầu năm nay đã khiến cho giá trị xuất khẩu sang thị trường này chưa thể tăng mạnh trở lại.

Tương tự, tại thị trường ASEAN, 8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN đạt 91,3 triệu USD, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn hoạt động xuất khẩu cá tra sang các thị trường ASEAN trong nhiều tháng.

Tại thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 154,5 triệu USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dù tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường vẫn giảm nhưng hai tháng gần đây, giá trị xuất khẩu sang bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại.

Chẳng hạn, tại thị trường Mỹ, tháng 7, tổng giá trị xuất khẩu đã tăng 4,4% và tháng 8 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín hiệu này có thể giúp tăng hi vọng cho các DN xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý cuối năm.

Sự phục hồi tại một số thị trường trọng điểm là Mỹ và châu Âu mang lại hy vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Không như ngành dệt may dự kiến tiếp tục giảm sâu trong năm 2021, ngành cá tra dự kiến có tốc độ phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.

Nửa đầu năm nay, thủy sản Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cá tra ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh với doanh thu thuần 3.266 tỷ đồng, giảm 14,3% và lợi nhuận sau thuế 368 tỷ đồng, giảm 49,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp dự báo kết quả kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2020, khi nhu cầu phục hồi sau dỡ bỏ giãn cách và kênh HORECA (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…) hoạt động trở lại.

Doanh nghiệp cá tra kỳ vọng sớm thoát 'mùa Covid-19'
Ngành cá tra dự kiến có tốc độ phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), thời điểm tồi tệ nhất với Vĩnh Hoàn đã đi qua. BSC kỳ vọng nhu cầu của thị trường sẽ hồi phục sau khi các lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Đồng thời, do mức tồn kho cá tra tại các thị trường ở mức thấp do gián đoạn thương mại trong 6 tháng đầu năm sẽ kích thích các nhà nhập khẩu thủy sản tăng cường nhập hàng trong thời gian đầu sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Kể từ khi Mỹ kết thúc lệnh phong tỏa trong tháng 4 và tháng 5, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ đã phục hồi và đạt mức 1,7 nghìn tấn/tuần, gấp đôi sản lượng trong giai đoạn phong tỏa và vượt được sản lượng trước dịch trong các tháng đầu năm. Diễn biến của thị trường Mỹ tương đồng với thị trường Trung Quốc vào giai đoạn lệnh phong tỏa mới kết thúc, do đó, mức sản lượng kỳ vọng tiếp tục duy trì mức cao trong các tháng tiếp theo.

Mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng mạnh là tín hiệu tích cực, giá bán vẫn ở mức đáy và chưa có dấu hiệu hồi phục lại cũng sẽ ảnh hưởng tới doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành.

Ngoài mảng xuất khẩu cá tra, mảng collagen và gelatin dự kiến sẽ cải thiện lợi nhuận cho Vĩnh Hoàn sau khi có dây chuyền mới trong quý 4 năm 2020 và năm 2021.

BSC kỳ vọng dây chuyền mở rộng collagen và gelatin (tăng 75% công suất lên 3.500 tấn thành phẩm/năm) sau khi hoàn thành vào cuối tháng 8/2020 có thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận từ cuối năm 2020 trở đi.

Việc Vĩnh Hoàn đã có kinh nghiệm vận hành nhà máy collagen và gelatin trong 5 năm và nhu cầu collagen hiện vượt quá công suất sẽ giúp việc dây chuyền mới đi vào hoạt động nhanh hơn, cũng như ít gặp rủi ro khi mới đi vào vận hành hơn.

BSC đánh giá rằng sản phẩm collagen và gelatin ngày càng tăng tỷ trong doanh thu và lợi nhuận sẽ thay đổi mô hình kinh doanh của Vĩnh Hoàn theo hướng bền vững hơn, giảm biến động mạnh của sản phẩm cá tra truyền thống.

Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu 35 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng dự kiến tăng 50% so với năm 2019. Trong năm 2020, Vĩnh Hoàn đã triển khai các sản phẩm mới nano collagen và collagen tripeptide, có giá bán cao hơn gấp đôi giá bán của các sản phẩm collagen hiện hữu của công ty.