Doanh nghiệp chung tay vì môi trường và khí hậu

Phạm Sơn - 08:49, 05/02/2022

TheLEADERNăm 2022 đánh dấu mốc là năm đầu tiên thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng là năm đầu triển khai quyết liệt các hành động hướng tới cam kết trung hòa phát thải carbon vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.

Còn nhớ thời điểm nửa cuối năm 2021, quá trình xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 diễn ra tương đối “căng thẳng”. Đội ngũ chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp phản ứng gay gắt trước một số nội dung được cho là “thiếu thực tế”, “thiếu cơ sở khoa học của dự thảo nghị định.

Nhiều thư kiến nghị, thư thỉnh nguyện được các hiệp đội doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng Chỉnh phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng như các lãnh đạo cấp cao khác.

Cộng đồng doanh nghiệp khẳng định, việc phản đối một số nội dung trong dự thảo nghị định hoàn toàn mang tính xây dựng. Doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện trách nhiệm với môi trường bởi đây là hướng đi tất yếu trong tiến trình phát triển.

May mắn, đến thời điểm khi nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Nghị định 08/2022/NĐ-CP) được ban hành, các hiệp hội từng gửi ý kiến đóng góp cho biết, ban soạn thảo nghị định đã tiếp thu và thay đổi khoảng 70 – 80% nội dung được doanh nghiệp kiến nghị.

Đây là một thành công lớn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tích cực đóng góp, tích cực tuân thủ chính sách môi trường. Với những nội dung về kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường tín chỉ carbon… doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích tài chính từ bảo vệ môi trường, thay cho quan niệm “bất chấp môi trường vì lợi ích kinh tế” như trước đây.

Thực tế, những năm vừa qua, doanh nghiệp đã có những hành động tích cực và thiết thực hướng tới những giá trị bền vững cho môi trường.

Về kinh tế tuần hoàn, năm 2019, một số doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh đã thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), đưa ra cam kết tái chế 100% bao bì vào năm 2020.

PRO Việt Nam thực hiện cam kết này thông qua ký kết hợp tác với các công ty vệ sinh môi trường, triển khai một số chương trình thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng với rác thải bao bì, tích cực đóng góp xây dựng công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)…

Một số doanh nghiệp khác cũng đưa ra nhiều mô hình bền vững dựa trên nguyên lý về sự tuần hoàn, có thể kể đến mô hình canh tác, sản xuất cà phê của tập đoàn Minh Tiến; mô hình “toàn thắng” của Heneiken…

Mục tiêu giảm phát thải nhà kính cũng là hướng đi được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt lưu tâm. Mới đây, hãng xe VinFast thuộc tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup đã đưa ra tuyên bố sẽ ngừng sản xuất xe xăng, tập trung sản xuất xe điện, dòng phương tiện của tương lai xanh, bền vững.

Một số doanh nghiệp tham gia tích cực vào tiến trình giảm phát thải thông qua tăng cường khai thác năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối thay thế cho dầu, than đá. Cơ chế thí điểm bán điện trực tiếp (DPPA) được cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng, với mong muốn mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện tái tạo.

Nói về công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh khẳng định, đây là điều tất yếu, khi thị trường quốc tế ngày càng coi trọng tính bền vững, thân thiện với môi trường.

Doanh nghiệp chậm trễ trong việc thay đổi quy trình, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để hướng tới giá trị bền vững sẽ bị “trả giá” vì sản phẩm, dịch vụ mất đi tính cạnh tranh, chứ chưa cần đến pháp luật điều chỉnh.

Một thực tế khác là nhóm doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường là những doanh nghiệp trụ vững được trong cơn bão Covid-19. Có thể kể đến một số doanh nghiệp như Traphaco, Nestlé, nhờ vào việc hướng dẫn người dân địa phương canh tác nông nghiệp bền vững, đã đảm bảo được nguồn cung ứng chất lượng cao khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.