Doanh nghiệp đã khó khăn hơn rất nhiều sau một thời gian dài gồng gánh

Giang Sơn - 09:00, 20/08/2021

TheLEADERTheo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc công ty Đại Phúc Land, Chính phủ phải có những giải pháp trợ lực khẩn cấp cho doanh nghiệp và thủ tục nhanh chóng để giúp doanh nghiệp vượt qua cam go do Covid-19 gây ra.

Doanh nghiệp đã khó khăn hơn rất nhiều sau một thời gian dài gồng gánh
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land

Là lãnh đạo doanh nghiệp, bà cũng như đội ngũ lãnh đạo công ty có cảm thấy áp lực về tinh thần khi hoạt động kinh doanh bị đình trệ cũng như hàng ngày tiếp cận với thông tin/hình ảnh tiêu cực về dịch Covid-19?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Dịch bệnh là biến cố xảy ra ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Cách tốt nhất là chấp nhận và đối mặt với nó với tâm thế chiến đấu cao nhất. Dịch bệnh diễn biến khó lường và đã kéo dài gần 2 năm vừa qua. 

Ngay từ thời điểm đầu khi dịch bệnh bùng phát, ban lãnh đạo công ty đã thành lập tổ ứng phó nhanh với thành phần chủ chốt là lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn và các lãnh đạo nòng cốt. Dựa trên tình hình thực tế mà tổ ứng phó nhanh đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời với tiêu chí: sát thực, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. 

Chúng tôi đã vượt qua các giai đoạn dịch bùng phát trong 2020 khá thành công nhờ hành động nhanh chóng và quyết liệt qua đó vẫn duy trì được hoạt động đầu tư và kinh doanh đồng thời đã đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Hàng ngày, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều thông tin về dịch bệnh. Tuy nhiên, vì xác định tâm thế đối mặt với cơn khủng hoảng đại dịch chưa từng có này nên chúng tôi không chùn bước mà ngược lại phải tỉnh táo nhận định, phân tích tình huống và đưa ra giải pháp ứng phó hiệu quả trong ngắn hạn và phương án phục hồi sau khi dịch bệnh qua đi. 

Chúng tôi không được phép lưng lay mà phải tập trung nguồn lực để chiến đấu vì sự sống còn của doanh nghiệp và người lao động.

Trong thời kỳ giãn cách xã hội, bà làm gì để khích lệ năng lượng tinh thần và gắn kết đội ngũ quản lý và nhân viên trước những áp lực tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 hàng ngày?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Tác động dịch bệnh đến doanh nghiệp và đời sống tinh thần của người lao động là không thể tránh khỏi. 

Hiện nay, chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát đợt thứ 4 trong vòng năm vừa qua và dự báo sẽ kéo dài và nghiêm trọng hơn dự đoán rất nhiều do biến chủng Delta hoành hành và lan rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam như TP. HCM, Bình Dương, Long An...

Giãn cách xã hội đã kéo dài qua tháng thứ 3 buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và chuyển sang chế độ làm việc tại nhà. Đây là tình huống mà doanh nghiệp và người lao động buộc phải thích nghi để duy trì hoạt động của mình. Doanh thu và dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản gần như ngưng trệ hoàn toàn.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định tâm thế chống chọi cao nhất và vẫn tiếp tục kiên trì với các mục tiêu đề ra nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc tái khởi động sau khi dịch bệnh qua đi. Thật không dễ dàng chút nào trong hoàn cảnh này nhưng hơn bao giờ hết chúng tôi xác định phải nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chúng tôi đã áp dụng một số giải pháp cấp thiết trong thời kỳ giãn cách. Thứ nhất, đưa ra các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động và yêu cầu tuân thủ chặt chẽ. Nhờ thực hiện tốt nên cho tới thời điểm hiện tại nhân viên chúng tôi chưa bị nhiễm và sức khỏe vẫn an toàn.

Thứ hai, đảm bảo tối đa thu nhập cho người lao động để họ có thể an tâm làm việc ở nhà. Trong 2 tháng đầu giãn cách, chúng tôi vẫn trả đủ 100% lương cho người lao động. Tuy nhiên, đến tháng thứ 3 này, chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì ở mức tốt nhất có thể cho người lao động mặc dù tình hình đã khó khăn hơn rất nhiều sau một thời gian dài gồng gánh.

Thứ ba, tập trung vào các mục tiêu công việc với sự điều chỉnh hợp lý theo tình huống thực tế. Có một số hoạt động buộc phải tạm dừng như bán hàng hay công trường thi công nhưng bù lại tăng cường các công việc chuẩn bị cho việc tái khởi động sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thứ tư, chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động đội nhóm, chia sẻ, khích lệ tinh thần làm việc của mọi người trong điều kiện mình vẫn có việc làm, được đảm bảo thu nhập và an toàn về sức khỏe.

Doanh nghiệp đã khó khăn hơn rất nhiều sau một thời gian dài gồng gánh
Bà Hương thay mặt Tập đoàn bất động sản Vạn Phúc ủng hộ công tác phòng chống Covid-19

Lãnh đạo công ty có triển khai những hoạt động gì để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho đội ngũ nhân sự trong công ty, cho khách hàng và cho xã hội?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Đây là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chúng tôi khi dịch bệnh xảy ra. Nhân sự là đội ngũ cốt lõi cho các hoạt động của công ty nên phải bảo vệ và đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động. Chúng tôi đưa ra các quy định và chỉ dẫn rất cụ thể cho toàn thể nhân viên công ty.

Ngoài việc tuân thủ theo quy định chung của Bộ Y tế, chúng tôi còn tăng cường thêm các biện pháp khác như buồng khử khuẩn trước khi vào và ra khỏi công ty, xịt khử khuẩn thường xuyên các khu vực công cộng, xịt khử khuẩn định kỳ khu vực làm việc, hạn chế người ngoài vào công ty mà sẽ bố trí khu vực tiếp nhận và tiếp khách riêng, thực hiện khai báo y tế, đo nhiệt độ và xét nghiệm toàn công ty khi có ca nghi ngờ lây nhiễm....

Công ty thường xuyên nhắc nhở việc tuân thủ và nâng mức cảnh báo lên cao nhất nên cho đến thời điểm hiện tại, may mắn chúng tôi vẫn đảm bảo được ăn toàn cho người lao động.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức đăng ký tiêm vaccine cho nhân viên theo chương trình tiêm chủng chung của thành phố.

Trong thời kỳ bất định như hiện nay, lãnh đạo công ty vẫn quyết định tiếp tục các hoạt động kinh doanh hay dừng kinh doanh? Công ty có duy trì hoặc bằng cách nào để duy trì kết nối (về mặt công việc hoặc tinh thần) với các đối tác, các nhà thầu và khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội hay không?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Đây là tình huống bất khả kháng nên chúng tôi buộc phải dừng các hoạt động kinh doanh để tuân thủ việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Về phía khách hàng và đối tác chúng tôi có các thông báo và giải pháp thống nhất để giải quyết tình huống ngoài mong đợi này. Mỗi bên sẽ phải ngồi lại và có tiếng nói chung để mọi việc được giải quyết theo hướng hài hòa, cảm thông giữa các bên.

Chúng tôi cam kết việc thực hiện với các khách hàng đối tác vì lợi ích chung và sự nỗ lực của cả hai bên. Chúng tôi thấy vui vì được sưu đồng thuận cao từ phía khách hàng và đối tác hợp tác do quá trình dài đồng hành, thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau.

Công ty có chuẩn bị kế hoạch kinh doanh gì không cho thời kỳ hết giãn cách xã hội không? Và chị có dự đoán về thời điểm hoãn giãn cách xã hội không?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: Chúng tôi đã đưa ra các kịch bản khác nhau cho diễn biến đợt dịch lần này. Với tình hình còn khá căng thẳng như hiện nay thì kịch bản lạc quan là dịch bệnh sẽ từng bước được kiểm soát đến hết quý 3 và doanh nghiệp được mở cửa hoạt động trở lại hoàn toàn hay từng phần. Như vậy, chúng ta còn được quý 4 để tăng tốc và chạy bù lại cho thời gian bị giãn cách buộc phải đóng cửa do dịch bệnh.

Hiện nay, chúng tôi vẫn đang gấp rút chuẩn bị cho việc mở cửa hoạt động trở lại trong tháng 9. Quý 4 năm nay chúng tôi dự kiến sẽ đưa ra dòng sản phẩm căn hộ từ 1 đến 3 phòng ngủ với kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của đông đảo khách hàng quan tâm.

Tuy nhiên, với tỉ lệ số ca nhiễm, số ca tử vong vẫn tăng cao tại Tp. HCM và một số tỉnh lân cận cũng như tỉ lệ tiêm vaccine còn thấp, nguồn vaccine về hạn chế trong quý 3 thì kịch bản xấu hơn là dịch bệnh sẽ tiếp tục kéo dài sang quý 4.

Chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh có thể tiếp diễn trong năm 2022. Khi đó, Chính phủ cần xem xét để có đánh giá, khoanh vùng và mở cửa hoạt động từng bước, tránh tình trạng nền kinh tế bị tê liệt kéo dài sẽ gây hệ lụy không nhỏ cho các bên.

Trong tình huống đó, doanh nghiệp phải đối mặt với tình huống cực kỳ khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ kéo dài. 

Với kịch bản xấu hơn này, chắc chắn Chính phủ phải có những giải pháp trợ lực khẩn cấp cho doanh nghiệp, thủ tục nhanh chóng như khoản vay trả lương và các chi phí duy trì hoạt động, chính sách về thuế, các ưu đãi về giảm lãi suất vay hoặc giãn nợ vay và các chính sách an sinh xã hội khác để tiếp thêm nguồn lực kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cam go này và có cơ hội hồi phục sau khi dịch bệnh qua đi.